Bưng bít thông tin phát tán 27kg thủy ngân lỏng, cá nhân liên quan ở Công ty Rạng Đông có thể bị xử lý hình sự

TÙNG LÂM - MẠNH ĐOÀN,
Chia sẻ

Luật sư cho rằng Công ty Rạng Đông có hành vi gian dối có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn và xử lý hình sự những người liên quan.

Video: Hàng trăm người dân đi khám sức khoẻ sau vụ cháy Công ty Rạng Đông

Theo Tổng cục Môi trường, mới đây Công ty Rạng Đông thừa nhận gian dối, có sử dụng thủy ngân lỏng sản xuất bóng đèn.

Dù trước đó ngày 30/8 (2 ngày sau khi vụ cháy xảy ra), công ty này ra văn bản khẳng định các sản phẩm bị cháy đều đảm bảo an toàn cho sức khỏe, amalgam đã được sử dụng để thay thế cho thủy ngân lỏng từ năm 2016.

Bình luận về sự gian dối, bưng bít thông tin của Công ty Rạng Đông, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đơn vị này cung cấp thông tin thiếu trung thực, che giấu khối lượng, chủng loại thủy ngân trong vụ cháy có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn và xử lý hình sự những người vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường.

69723707_378426249499075_1624656029222436864_n

Hiện trường vụ cháy Công ty Rạng Đông.

Luật sư Lực cho hay, đây là một sự cố môi trường xảy ra trong quá trình hoạt động của con người, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công ty Rạng Đông quản lý chất gây ô nhiễm nên khi xảy ra sự cố môi trường phải cung cấp đầy đủ thông tin và có trách nhiệm ứng phó với sự cố môi trường.

Cụ thể, theo khoản 2, Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, sau vụ cháy, Công ty Rạng Đông phải dừng hoạt động, thực hiện biện pháp khắc phục và báo ngay cho UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi thực hiện dự án hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường thuộc UBND cấp tỉnh, cơ quan có liên quan.

Về trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường của Công ty Rạng Đông, luật sư Lực cho biết: "Đơn vị gây ra sự cố môi trường phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra sự cố.

Sự cố môi trường xảy ra ở cơ sở, địa phương nào thì người đứng đầu cơ sở, địa phương đó có trách nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để kịp thời ứng phó sự cố.

Ngoài ra, Công ty Rạng đông phải có trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường theo quy định tại Điều 112 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân gây sự cố môi trường cần thực hiện yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong quá trình điều tra, xác định phạm vi, giới hạn, mức độ, nguyên nhân, biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường.

Đồng thời thực hiện ngay biện pháp ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường và hạn chế sự lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân trong vùng."

Video: Kết quả quan trắc không khí tại Công ty Rạng Đông sau vụ cháy 

Từ đó, luật sư Lực cho rằng, ngay khi xảy ra sự cố, Công ty Rạng Đông phải thông tin, thông báo kịp thời, đẩy đủ, trung thực về số lượng, chủng loại chất độc, chất gây nguy hại, chất gây ô nhiễm để cơ quan chức năng có thẩm quyền áp dụng biện pháp ứng phó sự cố cho tương thích.

Đặc biệt, Công ty Rạng Đông phải thực hiện ngay biện pháp ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường và hạn chế sự lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân trong vùng.

Tuy nhiên, theo thông tin mà Bộ Tài nguyên Môi trường công bố, công ty này thừa nhận toàn bộ 480 nghìn bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thuỷ ngân (Hg) lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam). Đây là hành vi gian dối, cung cấp thông tin thiếu trung thực, che giấu khối lượng, chủng loại thủy ngân trong vụ cháy tại Công ty Rạng Đông.

Chính việc che giấu thông tin dẫn đến việc cơ quan có trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường do không có đầy đủ thông tin nên đánh giá không đúng mức về quy mô, sự nguy hại cho sức khỏe của người dân của sự cố này nên dẫn đến không kịp thời có biện pháp ứng phó, khắc phục khiến cho sự cố môi trường càng nghiêm trọng hơn.

Dó đó, luật sư Lực cho rằng, cần thiết đình chỉ hoạt động công ty có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn theo quy định tại Điều 78 và Điều 79 tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

70203400_2479713945595421_2258432656234512384_n

Không loại trừ khả năng xem xét dấu hiệu hình sự của các cá nhân có liên quan có lỗi để xảy ra vụ cháy, có lỗi trong việc thông tin thiếu trung thực, đầy đủ, không ứng khó, khắc phục sự cố môi trường theo Điều 237 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Trong đó, đình chỉ hoạt động có thời hạn trong khoảng từ 6 tháng đến 3 năm đối với công ty nếu công ty phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế.

Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu công ty gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

Ngoài ra, Cơ quan CSĐT sẽ xác định các tình tiết trọng vụ việc để đánh giá các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đối với Công ty Rạng Đông.

Không loại trừ khả năng xem xét dấu hiệu hình sự của các cá nhân có liên quan có lỗi để xảy ra vụ cháy, có lỗi trong việc thông tin thiếu trung thực, đầy đủ, không ứng khó, khắc phục sự cố môi trường theo Điều 237 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cũng cùng quan điểm này, trả lời VTC News, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, những cá nhân có trách nhiệm nhưng đã bưng bít thông tin, cung cấp thông tin sai sự thật, không thực hiện trách nhiệm ứng phó với sự cố môi trường gây hậu quả thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của người dân đến mức nghiêm trọng thì cần phải xem xét trách nhiệm pháp lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

"Nếu hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cũng cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu kết quả điều tra, xác minh cho thấy có người đã thực hiện một trong các hành vi sau đây thì đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 237 bộ luật Hình sự:

Vi phạm quy định về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên, với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%, hoặc gây thiệt hại từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.

Như vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc phòng ngừa sự cố môi trường đồng thời làm rõ trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường.

Trong trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và gây tổn hại sức khỏe cho người khác từ 61 % trở lên hoặc gây thiệt hại từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Cường phân tích.

Để xem xét trách nhiệm, luật sư Cường cho rằng cần làm rõ mối quan hệ giữa hành vi vi phạm và hậu quả vi phạm, làm rõ mức độ thiệt hại đối với tài sản và sức khỏe của người dân làm cơ sở để giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.

Nếu để sự cố xảy ra thì các cơ quan, đơn vị, cá nhân sử dụng vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc hại, chất phóng xạ...(những nguồn nguy hiểm cao độ) phải bồi thường thiệt hại, nếu có lỗi thì có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ trách nhiệm của công ty này trong việc cung cấp thông tin, đưa ra các cảnh báo nguy hiểm từ vụ cháy.

"Nếu có việc cung cấp thông tin không chính xác, không kịp thời mà gây ra thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của ai khác thì đây là việc làm đáng trách, đáng lên án vì đã coi thường tính mạng, sức khỏe của biết bao nhiêu con người. Cần làm rõ yếu tố này để xử lý trách nhiệm cá nhân đối với hậu quả vụ cháy", luật sư Cường khẳng định.

Điều 237. Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường.

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường để xảy ra sự cố môi trường;

b) Vi phạm quy định về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng.

Chia sẻ