Bún vịt nấu măng cho ngày Tết Đoan Ngọ

Mẹ Bon, ảnh: aFamily.vn,
Chia sẻ

Tết Đoan Ngọ là ngày khí trời nóng nực, nhiệt độ cao nên ông bà ta có tục lệ dùng thịt vịt với tính mát, bổ để quân bình nhiệt - hàn giữa Trời và Người.

 
 
      
 
 

Nguyên liệu cho 5 phần ăn:

- 1 con vịt khoảng 1kg
- 500g măng khô, có thể dùng măng lưỡi lợn. Nếu không muốn dùng măng khô bạn có thể thay thế bằng 1kg măng tươi nhé!
- 2 - 3 củ gừng to
- 1 củ hành tây, nướng thơm
- Rượu trắng, muối, hạt nêm, ớt, tỏi, nước mắm, đường
- Hành lá, rau ngò gai (mùi tàu), rau răm và hành khô
- Bún ăn kèm.
 
Bước 1:
 
Măng khô ngâm nở, xé thành từng sợi nhỏ, cắt bỏ bớt đoạn già rồi ngâm vào thố nước lạnh. Ngâm từ 2 - 3 ngày, mỗi ngày thay nước 2 - 3 lần để măng ra hết chất chua.
 

Đun nồi nước sôi, đổ măng vào luộc sôi. Sau mỗi lần luộc bạn xả lại nước lạnh cho thật sạch. Lặp lại khoảng 3 - 4 lần rồi cho măng ra rổ, để ráo.

 
Bước 2:
 
Làm nóng 3 thìa cà phê dầu ăn trong chảo, phi thơm hành khô.
 
 

Đổ măng vào xào chín cho thấm gia vị, nêm 2 thìa cà phê muối, 1 thìa hạt nêm hoặc đường, 1 thìa canh nước mắm, đảo đều; thỉnh thoảng châm thêm ít nước lọc, đun lửa nhỏ để măng thấm gia vị.

Xào măng xong bạn đậy kín nắp chảo, để qua đêm. Thường muốn nấu món này mình phải chuẩn bị măng trước từ 3 - 4 ngày. Nếu dùng măng tươi bạn sẽ tốn ít thời gian hơn; chỉ phải luộc măng và xả 2 lần qua nước lạnh rồi xào với gia vị là được.

 
Bước 3:
 
Lấy 1 củ gừng, cạo vỏ, giã nhuyễn.
 

Vịt rửa và nhổ lại lông tơ cho thật sạch. Chà hỗn hợp gừng và 2 thìa canh rượu trắng lên khắp trong và ngoài thân vịt, để yên khoảng 30 phút - 1 tiếng rồi rửa lại một lần nữa.

 
Bước 4:
 
Đổ nước ngập mặt vịt, luộc sơ rồi bỏ nước luộc vịt đó đi, rửa lại.
      
 

Dùng tiếp củ gừng thứ 2, rửa sạch, để nguyên vỏ, nướng sơ cho thơm, thêm hành tây thả vào nồi nước, cho vịt vào đun sôi. Mình thường dùng hành tây bởi khi dùng hành khô mình thấy nước luộc vịt hay bị đục.

Trong khi luộc thỉnh thoảng hớt bọt cho nước dùng được trong, nêm 2 thìa cà phê muối, nửa thìa hạt nêm, 2 thìa nhỏ đường.

 

Đun khoảng 20 - 30 phút bạn dùng đũa đâm xuyên qua chỗ đùi vịt, nếu không thấy chảy ra nước màu hồng là vịt đã chín, bạn vớt ngay ra thố nước lạnh để khoảng 5 - 10 phút thì vớt ra dĩa, dùng dao sắc chặt thành từng miếng vừa ăn.

 
Bước 5:
 
Nồi nước dùng sau khi vớt vịt, bạn thả măng vào, tiếp tục đun sôi đến khi măng mềm thì nêm nếm lại gia vị tùy theo khẩu vị.
 

Sắp bún ra đĩa.

Hành lá, ngò gai rửa sạch, để ráo.

Đầu hành trắng thái sợi mỏng, phần hành xanh thái khúc nhỏ.

Ngò gai thái nhỏ.

Rau răm nhặt sạch.

 
Bước 6:
 
Giã nhuyễn 2 - 3 nhánh gừng cùng vài tép tỏi, 2 thìa canh đường và 2 - 3 quả ớt. Nhà mình ăn cay nhiều nên mình giã nhiều ớt hơn.
 

Nước mắm đổ ra bát, thêm hỗn hợp gừng tỏi đã giã, dùng thìa khuấy đều. Mình thường vừa nêm vừa khuấy đến khi nêm nếm thử thấy vừa miệng là được.

 

Lấy bún ra bát, bên trên rắc hành lá, ngò gai thái nhỏ,  thêm măng, xếp vài miếng thịt vịt lên bề mặt, chan nước dùng. Dùng kèm với rau răm.

Tết Đoan Ngọ, ngoài rượu nếp cùng các loại trái cây, không ít gia đình còn có thêm các món ăn từ thịt vịt. Theo bố mẹ mình giải thích thì ngày 5/5 Âm lịch là ngày khí trời nóng nực, nhiệt độ cao nên người ta dùng thịt vịt có tính mát, bổ, để quân bình nhiệt - hàn giữa Trời và Người. Chính vì thế cứ sáng sớm ngày Tết Đoan Ngọ là mẹ mình sẽ xách làn đi chợ mua vịt; năm thì làm món bún vịt nấu măng, có năm lại đơn giản với món vịt luộc, đánh thêm bát tiết canh cho bố nhắm rượu. Mình đặc biệt thích món bún vịt nấu măng của mẹ bởi vị ngọt thơm của nước dùng, vị đậm đà của những sợi măng và không thể không kể vị ngon của những miếng thịt vịt mà mẹ thường ưu tiên để riêng cho mấy chị em những phần ngon nhất. Tết Đoan Ngọ năm nay, bạn cũng thử món bún vịt nấu măng ngon tuyệt đãi cả nhà nhé!
 
 
Chúc các bạn thành công và có món bún măng vịt thật ngon trong ngày Tết Đoan Ngọ nhé!
Chia sẻ