Bức ảnh em bé khóc khi chú chó bị thui khiến hàng nghìn người tranh cãi

Trang Linh,
Chia sẻ

Hình ảnh em bé khóc nức nở chạm tay vào một chú chó bị thui vàng mới được đăng tải trên mạng xã hội lại làm dấy lên cuộc tranh cãi về chuyện lý lẽ "ăn thịt chó" đã từng gây tranh cãi khá lâu.

Bức ảnh chụp một bé gái khóc nức nở bên cạnh một chú chó đã được thui vàng, chuẩn bị xẻ thịt để làm món ăn đã chạm đến đáy lòng của nhiều cư dân mạng. Bức ảnh cũng làm dấy lên cuộc tranh cãi ở nhiều chiều hướng, có nên ăn thịt vật nuôi hay không? Có nên để trẻ con chứng kiến những cảnh đó không?... cũng như khơi gợi cư dân mạng kể những kỷ niệm của mình với vật nuôi.

Chỉ sau một thời gian ngắn đăng tải, bức ảnh đã thu hút gần 17.000 lượt like, hàng nghìn lời bình luận cũng như chia sẻ. Nhiều ý kiến cho rằng, với trẻ con, việc giết một con vật nuôi trong nhà giống như là giết bạn của em bé, và sẽ ít nhiều để lại ảnh hưởng tâm lý cho em bé.

Nhiều bạn trẻ đồng tình với quan điểm này và chia sẻ những câu chuyện đau lòng từ tuổi thơ của mình. Bạn Vương Bạch Thiển kể: “Hồi còn bé ông nội thịt chó, trói hai chân nó ra đằng sau, cầm gậy đập vào đầu nó chẩy cả máu mồm. Mình với thằng em họ thương nó lắm, nhưng chỉ dám đứng nhìn nuốt nước mắt vào trong không dám khóc to. Xong từ đấy không bao giờ ăn thịt chó luôn”. Cô gái Kỳ Duyên cũng từng có trải nghiệm đau đớn tương tự. “Ngày bé xem chú giết con chó nhà nuôi. Nó bị giết vì quá hư, không ai dạy được nó. Mình chứng kiến nó bị treo chân lên cành cây, nước mắt nước mũi sụt sùi rồi cứ rên ỉ ơi gọi bạn, mấy con chó hàng xóm lại gần nhìn nó, chắc muốn cứu nhau lắm nhưng không làm gì được, mặt con nào cũng nghệt ra nhìn bạn giãy giụa lần cuối. Khổ thân!


Bức ảnh gây tranh cãi và suy ngẫm ở nhiều khía cạnh.

Đồng cảm với cảm xúc của em bé trong bức ảnh, bạn Doãn Ngọc Linh kể: “Nhớ đợt trước mẹ bán chó của mình cho ông hàng xóm làm thịt. Mình nhìn thấy nó bị trói rồi nước mắt ngắn dài nhìn mình cầu cứu. Đến bây giờ vẫn ám ảnh. Rất thương chó và chưa bao giờ ăn thịt chó. Em bé trong ảnh chẳng khác nào mình đợt trước. Có lần mình còn viết thư cho chó rồi khóc tu tu dưới bếp xong gửi thư vào chạn bát mong nó đọc được. Lớn rồi nhưng xem lại ảnh này cảm xúc vẫn còn y như ngày xưa”. Lời bình luận này của Linh được gần 3000 like tán thưởng. Một người dùng mạng khác cũng kể chuyện bị bố mẹ lừa hồi nhỏ: “Ngày trước yêu con chó vàng lắm, có mỗi nó chơi cùng. Thế mà bố mẹ nỡ bán em í. Hôm bố mẹ bán đúng lúc mình đi học về, thấy chó đã ở trên cũi của ông thợ buôn rồi. Nhìn thấy thế là khóc như mưa nằm ăn vạ. Mẹ thấy thế vỗ về an ủi em í hư hay cắn người, nên bố mẹ gửi đi cho vào trại huấn luyện, bao giờ nó ngoan bố mẹ sẽ đón về, nghe thế cũng xuôi xuôi lòng. Cơ mà tính ra cũng gần 15 năm rồi mà em í vẫn chưa về”.

Nhiều bạn trẻ khác cũng kể những trải nghiệm tuổi thơ khác liên quan đến vật nuôi của mình hoặc gia đình quen biết, chuyện con chó nhà hàng xóm bị vây cứ chạy núp chân chủ để cầu cứu, hay như bạn Willie và lời biện minh của bố: “Hồi bé lần đầu được ba dẫn ra hàng thịt chó, nhìn thấy con chó thui còn nguyên như này em cũng ra khóc lóc thương nó y như con bé này. Hồi sau ba em ra hỏi sao con khóc, em bảo tại con thương nó quá, bị vậy chắc đau lắm. Ba em xoa đầu chỉ vào nó bảo: Nó không đau đâu, con coi nó đang cười nhe răng kìa.


Hàng nghìn lời bình luận và những câu chuyện xúc động về vật nuôi được kể trên một diễn đàn.

Nhiều bình luận cho rằng, việc giết chó cũng như các vật nuôi khác để làm thịt là không chấp nhận được, nhất là những người từng gắn bó với vật nuôi của mình. Một bạn trẻ viết: “Hai năm nay mình nuôi chó và coi chó như một người bạn. Mình cũng thấy yêu các loại động vật khác hơn. Nhìn người ta thịt lợn, mình đã không thể nào mà chịu đựng được, chú chó trông nhà cho ta,trung thành và coi ta là tất cả. Sao nỡ vì vài miếng ăn mà ra tay giết chết nó? Biết là rất khó để thay đổi thói quen ăn thịt chó của người Việt, nhưng mình không ăn là bớt đi được một miệng. Mong sao đến một ngày chó không bị mang ra để đày đoạ nữa”.

Trước đó trên mạng xã hội và nhiều diễn đàn đã có rất nhiều người kêu gọi dừng việc ăn thịt chó với những lý lẽ riêng. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến phản pháo con vật này cũng giống như những con vật khác: gà, vịt, ngan, bò... mà thôi. Sao lại được ưu ái hơn? Và dù lời kêu gọi này cũng đã "ngấm" vào đông đảo cộng đồng, nhưng không ít vẫn giữ nguyên quan điểm của mình. Tuy nhiên, với bức ảnh "hơn vạn lời nói" này thì có lẽ khiến không ít người giữ quan điểm "thịt chó thì cũng như thịt con vật khác" cũng phải suy nghĩ lại.

Nick Long Long thì thẳng thừng phản pháo những bình luận cho rằng giết hay ăn thịt chó không phải là vấn đề đáng ngại: “Dù các bạn có bảo ‘Thịt chó là một nét văn hóa của Việt Nam, người Việt Nam thì phải ăn thịt chó’, mình cũng không bao giờ ăn và chấp nhận việc giết thịt chó của người khác. Còn nếu các bạn bảo ‘Lợn, bò, gà... ăn được, chó thì không ăn được à?’, câu trả lời là con vật nào với mình nó là vật nuôi thì mình không ăn. Sau này mà con lợn, vì lý do nào đấy là vật nuôi của mình thì mình cũng không ăn thịt loài lợn nữa”. Đồng tình với Long Long, nhiều người khác chia sẻ những câu chuyện xúc động của mình và thú cưng, đồng thời nhắc đến cái chết của những kẻ trộm chó bị đánh hội đồng ở nhiều làng quê. Theo nhiều người, nếu càng nhiều người Việt giảm bớt việc ăn thịt chó thì càng ít những cái chết như thế xảy ra.

Hàng trăm câu chuyện xúc động cũng được kể, như chuyện của Hoàng Huy: “Đợt năm ngoái năm kia mẹ mình chê con chó của mình hôi quá, không muốn nuôi nó nữa (đúng là hôi thật vì cả nhà bận không ai tắm cho nó được) thế là cho cái chị hàng thịt. Mình nghe đến từ “hàng thịt” tí thì rớt nước mắt, chó nhà mình nuôi đến hơn chục năm rồi, mà nhà chị đấy ở tận Hưng Yên. Tối hôm đấy cả nhà liên hoan nhà mới, thế là mình uống say bí tỉ, sáng hôm sau xách cái balo đi, mẹ hỏi đi đâu đấy, kêu con đi đòi lại chó. Can mãi không được, mẹ lại phải nhờ chị bán thịt kia dẫn đường về tận Hưng Yên để bê con chó về. Tối hôm lấy được chó về phải tắm cho nó, ngồi nhặt từng con rận nó lây của mấy con chó ở quê, đùa chứ chả phải cảnh vẻ gì nhưng từ bé vẫn kinh mấy cái con đấy, thế mà hôm đấy thức đến 2 giờ sáng tắm và bắt rận cho nó”.

Hoặc chuyện của Mai Kute: “Lại nhớ bố mẹ kể ngày xưa nhà có nuôi em chó khôn kinh khủng, biết nhà mình làm hàng ăn bán lòng lợn tiết canh thế nên sáng nào nó cũng ra hàg thịt lợn rình rồi cầm cái phổi về để ở bàn thái, đi ăn cắp xà phòng nhà hàng xóm về để ở giếng. Có người ở nhà thì nằm gầm giường, mọi người đi là leo lên giường đắp chăn luôn mới kinh. Thế rồi một hôm bị bọn trộm chó đánh bả thế mà nó vẫn tìm về đến nhà rồi nằm lịm đi, bố mình cho uống nước gừng nhưng nó không nôn ra được, cứ rên i ỉ, mắt buồn thiu. Anh mình thì cứ ngồi ôm khóc lóc ‘Bố cứu Tô đi bố’. Mãi lúc lâu sau nó cố rúc vào người anh mình rồi chết! Nghĩ mà thương lắm!

Câu chuyện của Đặng Thanh Tùng cũng để lại cảm xúc cho nhiều người. Tùng kể: “Ngày bé có con gà tre nuôi bị mang ra thịt vì nó toàn gáy lúc 3 giờ sáng mà thấy nó bị giết đã khóc ầm cả nhà lên rồi. Từ sau nhà nuôi chó, ngót năm kia nó chết là 13 năm cũng đem đi chôn rồi đầu năm là xuống thắp hương cho nó, chỗ nó chôn được quây vào rồi trồng cái cây lô hội, bên cạnh là cây đu đủ xoè bóng ra che. Vẫn nhớ hôm nó chết là trời lạnh lắm, nó ốm lụ khụ mấy hôm rồi, lúc ấy đang nằm xem phim, mẹ bảo con ơi lên đút cho nó mấy thìa cháo chứ mấy hôm rồi nó không ăn gì,nghĩ nó ốm bình thường thôi vì ngày xưa nó có chửa đến ngày đẻ bị chết con trong bụng phải mổ lấy ra nên bị cái u ở bụng, năm nào cũng trở bệnh mà cũng qua khỏi được.
Rồi lúc ấy nghe tiếng nó thét lên ở nhà trên, nó cố bước vào nhà vệ sinh chắc chân yếu quá không đứng nổi ngã khuỵ ra, mình chạy lên thì nó đã mắt đục và lưỡi vắt ra rồi. Lấy cái máy sấy sấy cho nó ấm lại, tay ấn lưỡi vào trong mong cứu được nó mà không được, cứ vừa lay nó vừa khóc Li ơi dậy đi, Li ơi. Tự tát mặt mình vì đã không nghe lời mẹ bảo lên cho nó ăn,và hối hận vì không thể cho nó ăn lần cuối, không thể....
Ôm nó đựng trong túi ngồi sau xe vừa đi vừa chảy nước mắt, không biết mang đi đâu bây giờ, rồi nhớ ra nhà bác ruột có mảnh đất cạnh nhà nên mang xuống đấy chôn, mang xuống rồi sang hàng xóm mượn xẻng, đào bới mãi mới được cho nó cái ổ rộng và sâu để nằm. Giờ nghĩ lại vừa viết vừa sụt sùi, học hành công việc bận rộn nên chỉ thời gian đầu là xuống thắp nén hương nhiều nhiều được. Nay đã được hai cái Tết nó nằm ở đấy…


Bức ảnh này hiện vẫn đang tiếp tục được share với tốc độ chóng mặt trên mạng đa phần với nội dung: "Một bức ảnh hơn vạn lời nói". Cuộc tranh luận vẫn chưa đến hồi kết, và dù "phe" nào cũng có cái lý riêng của họ, nhưng rõ ràng, việc để một đứa trẻ ngây thơ phải khóc và chứng kiến cảnh người bạn của mình bị giết và trở thành thức ăn của người lớn là một điều cần được suy ngẫm.
Chia sẻ