BS bệnh viện Việt Đức chỉ cách phòng bệnh xương khớp để "cả đời không lo mắc" nhưng ít người Việt làm đúng

Đỗ Hiền,
Chia sẻ

Bác sĩ Trần Quốc Khánh, khoa Phẫu thuật Cột sống, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã chỉ ra 6 cách đúng nhất để phòng bệnh xương khớp.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 2010-2020 là "Thập niên xương và khớp". Ở dân văn phòng, tỉ lệ mắc bệnh về xương khớp lên đến hơn 65%, các triệu chứng của bệnh có khi là những cảm giác chủ quan như đau, tê buốt, co cứng, mỏi, hoặc có khi là những biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài như yếu sức cơ, hạn chế cử động, biến dạng hay nặng nề hơn là mất chức năng.

Trong số các triệu chứng nêu trên, đau đã được một nghiên cứu ở Hoa Kỳ khẳng định gây ảnh hưởng lớn đến khả năng lao động, gây mất 4,6 giờ làm việc mỗi tuần, tiêu tốn chi phí hơn 61 tỷ USD/năm.

Chính vì vậy, mới đây, bác sĩ Trần Quốc Khánh, khoa Phẫu thuật Cột sống, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã chỉ ra 6 cách đúng nhất để phòng tránh bệnh lý xương khớp.

BS Hữu nghị Việt Đức chỉ cách phòng bệnh xương khớp giúp ‘cả đời không lo mắc’ nhưng ít người Việt làm đúng - Ảnh 1.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh, khoa Phẫu thuật Cột sống, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

1. Giảm cân

Theo bác sĩ Khánh, tăng cân, béo phì là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây thoái hóa, tổn thương xương khớp, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Trong khi xương khớp của trẻ chưa kịp hoàn thiện thì đã bị cân nặng quá lớn dồn ép, vô tình gây ra tổn thương. Ngoài ra, nhiều trẻ béo phì còn được bố mẹ khuyến khích chạy bộ, đá bóng, chơi bóng rổ… Trong khi khi thực tế những môn thể thao đó lại không nên chỉ định cho trẻ.

BS Hữu nghị Việt Đức chỉ cách phòng bệnh xương khớp giúp ‘cả đời không lo mắc’ nhưng ít người Việt làm đúng - Ảnh 2.

Đối với người lớn, bác sĩ cũng khuyên nên ưu tiên giảm ăn uống, tăng cường đạp xe, bơi lội, yoga, đọc sách.

2. Thay đổi thói quen ăn uống

Thói quen ăn uống vô tội vạ, thiếu khoa học chính là nguyên nhân chính gây ra béo phì. Không chỉ xương khớp, béo phì còn là nguyên nhân khiến chúng ta đối mặt với nhiều bệnh tật.

BS Hữu nghị Việt Đức chỉ cách phòng bệnh xương khớp giúp ‘cả đời không lo mắc’ nhưng ít người Việt làm đúng - Ảnh 3.

Theo bác sĩ, không nên ăn quá nhiều bún, phở, hủ tiếu, pizza… vì đây là những dòng tinh bột tinh luyện với rất nhiều năng lượng nhưng lại vô cùng ít chất xơ và các vitamin, khoáng chất. Thay vào đó, mọi người nên ăn khoai lang, ngô, lạc luộc và sắn. Kết hợp dinh dưỡng từ rau quả, cá tươi và duy trì vận động thể chất mỗi ngày.

3. Tránh duy trì sự bất động quá lâu ở một tư thế

Làm việc một tư thế, một vị trí quá lâu dẫn tới việc tăng áp lực lên bề mặt một số khớp nhất định đồng thời giảm lưu thông khí huyết, tăng nguy cơ huyết khối, tắc mạch và suy giãn tĩnh mạch, teo cơ, tăng nguy cơ loãng xương.

Tối đa 90 phút, mọi người nên đứng dậy đi lại, vươn thở, ép dãn, xoay khớp cổ tay cổ chân, khớp gối, khớp vai và gấp ưỡn cột sống lưng, cột sống cổ tầm 5-10 phút!

Bác sĩ Trần Quốc Khánh

Bác sĩ Khánh cũng khuyến cáo việc nằm gối cao trên 6cm, nằm đệm quá mềm, nằm võng nhiều, đặt máy tính quá thấp trên bàn làm việc hoặc thói quen cúi gằm mặt để dùng điện thoại... đều là những "kẻ thù" của cột sống cổ và cột sống lưng.

4. Vận động thể dục thể thao mỗi ngày

Luyện tập thể dục, thể thao vừa sức sẽ giúp cơ bắp khỏe mạnh, khí huyết lưu thông và dự phòng loãng xương, tắc mạch. Bác sĩ khuyên mọi người nên khởi động trước khi chơi thể thao và chọn môn phù hợp với tuổi tác, bệnh lý của mình để tránh những chấn thương.

"Bác sĩ từng gặp thanh niên chưa đến 40 tuổi đứt hoàn toàn gân Achille (1 gân vô cùng lớn ở gót) chỉ vì không khởi động mà đột ngột nhảy vào đá bóng ngay... người trung niên 50 tuổi gãy một loạt xương sườn khi chơi gôn do không khởi động kỹ"

Bác sĩ Trần Quốc Khánh

5. Bỏ thuốc lá, giảm uống rượu

Nhiều người nghĩ rằng thói quen uống rượu chỉ làm hại gan, dạ dày hoặc hút thuốc chỉ ảnh hưởng đến phổi mà không biết rằng rượu, thuốc lá chính là hung thủ đang âm thầm "hủy hoại" hệ thống xương khớp, tim mạch, trí não và khả năng sinh lý của mình.

BS Hữu nghị Việt Đức chỉ cách phòng bệnh xương khớp giúp ‘cả đời không lo mắc’ nhưng ít người Việt làm đúng - Ảnh 7.

Cũng theo bác sĩ Khánh, thuốc lá được xếp vào nhóm nguyên nhân hàng đầu gây thoái hóa xương khớp còn rượu mạnh thường phá huỷ, gây tắc những mao mạch li ti đưa máu và dinh dưỡng đến nuôi các mô, tổ chức trong cơ thể.

6. Cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi

Bác sĩ Khánh khuyên mọi người nên sắp xếp công việc hợp lý, hài hòa giữa nghỉ ngơi và lao động vì các cơ quan trong cơ thể đều cần nghỉ ngơi để tái tạo lại. Ngoài ra, cần biết lắng nghe cơ thể mình, nếu cảm thấy đau, trong mọi tình huống cần ngưng ngay lập tức. Khi đứng, ngồi lâu một tư thế luôn cần có dụng cụ bảo hộ hỗ trợ như gối, đai hỗ trợ lưng...

Chia sẻ