Bộ Y tế họp khẩn vụ 2 viên chức BV Tâm thần bị bắt vì giả mạo bệnh án

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Cuối giờ chiều 10/8, Bộ Y tế có cuộc họp khẩn liên quan đến công tác khám, chữa bệnh tâm thần, giả hồ sơ bệnh án để trốn tránh việc xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Buổi họp với sự có mặt của lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ; một số Bệnh viện Tâm thần trên địa bàn Hà Nội. 

Bộ Y tế họp khẩn vụ 2 viên chức BV Tâm thần bị bắt vì giả mạo bệnh án - Ảnh 1.

Nơi diễn ra sự việc

Tại cuộc họp, đại diện Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, ngày 12/6/2018, Bệnh viện (BV) nhận thông báo số 53 và 54 của Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội về việc khởi tố bắt bị can tạm giam phục vụ điều tra với 2 viên chức của BV này là: BSCK 2 Thân Thái Phong, Phó Trưởng khoa tâm thần người cao tuổi; Ông Nguyễn Tuấn Sơn – kỹ thuật viên trưởng Khoa Dinh dưỡng. 

Trong đó, ông Sơn có trách nhiệm phân công công việc hàng ngày tại khoa Dinh dưỡng. BV Tâm thần Trung ương 1 cho biết, sau khi nhận được thông báo 1 ngày, BV đã có quyết định tạm hoãn hợp đồng làm việc 3 tháng đối với ông Sơn và ông Phong. 

Qua 2 tháng, cơ quan CATP Hà Nội đang tiếp tục điều tra. Đến nay, BV vẫn chưa nhận được thông báo của CAHN về kết quả điều tra đối với 2 viên chức trên. 

Ngoài ra, ngày 26/7 vừa qua, BV Tâm thần Trung ương 1 nhận được công văn của Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội về việc cung cấp thông tin, tài liệu kiểm tra lại 94 hồ sơ của bệnh nhân đã điều trị tại Bệnh viện. 

Sau khi nhận được công văn, BV đã kiểm tra kỹ số lượng hồ sơ bệnh án yêu cầu, và cung cấp thông tin cho CATP Hà Nội. BV cũng đang phối hợp với CATP Hà Nội rà soát lại 94 hồ sơ bệnh án để xem có bệnh án giả mạo hay không. 

Bộ Y tế họp khẩn vụ 2 viên chức BV Tâm thần bị bắt vì giả mạo bệnh án - Ảnh 2.

Buổi họp chiều ngày 10/8 tại Bộ Y tế.

Tại cuộc họp này, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế kết luận: 

1. Quan điểm của Bộ Y tế: Xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ để vi phạm pháp luật. Đề nghị các cơ quan tư pháp xử lý đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai.  

2. Công tác giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần là một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong bất kỳ nền tư pháp nào. Kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần được pháp luật quy định là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. 

Kết luận giám định đúng đắn giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, không để lọt tội phạm, không để oan người vô tội, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 

3. Hiện nay đang có dư luận: có những đối tượng phạm tội dùng mọi thủ đoạn như mua, làm giả giấy xác nhận bị bệnh, giả bệnh tâm thần để vào các Trung tâm, cơ sở y tế để khám, chữa bệnh để có hồ sơ bệnh án tâm thần để đối phó với cơ quan pháp luật. 

Do vậy, Bộ Y tế yêu cầu các bác sĩ, giám định viên pháp y, pháp y tâm thần càng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị vững vàng trước công việc hàng ngày, trước mỗi ca giám định, không để vật chất hoặc các mối quan hệ cá nhân làm ảnh hưởng đến kết luận giám định. Những trường hợp khó kết luận, cần tổ chức hội chẩn để đưa ra kết luận đúng đắn, chính xác. 

4. Cùng đó, Bộ Y tế yêu cầu các Cục, Vụ, đơn vị liên quan, các bệnh viện chuyên ngành Tâm thần rà soát quy trình, thủ tục chuyên môn liên quan đến chẩn đoán, giám định bệnh án tâm thần.

Chia sẻ