Bố mẹ sẽ ngạc nhiên khi biết nguyên nhân tạo nên những thói quen xấu của trẻ và cách "dẹp tan" chúng cực kỳ dễ dàng

Daisy,
Chia sẻ

Nói dối, chạy nhảy nghịch ngợm hay vẽ bẩn lên tường... trong mắt bố mẹ đó là những thói quen xấu của trẻ nhưng biết được nguyên nhân, chúng ta sẽ biết cách điều chỉnh dễ dàng.

Chắc hẳn bố mẹ nào cũng có những phút giây mất bình tĩnh, nổi giận thậm chí la hét vì con mình quá nghịch ngợm. Con có tập hợp toàn thói quen xấu như bạn nghĩ không? Hay bé chỉ đang vật lộn để tìm một cách tốt hơn để thể hiện bản thân?

Bạn sẽ cực kỳ bất ngờ khi biết những thói quen xấu có thể biến mất nhanh chóng khi bố mẹ đối diện và xử lý nó một cách khéo léo. Thay vì trừng phạt đứa con bé bỏng của bạn, hãy tìm cách thay đổi nó và hướng nguồn năng lượng dồi dào của bé cho các hoạt động tích cực hơn.

Chơi đùa thô bạo và nguy hiểm

Nếu mẹ thường bắt gặp bé nhảy ra khỏi ghế sofa, trèo lên bàn, hoặc vật lộn với anh chị em hay bạn bè của mình, hẳn mẹ sẽ rất lo lắng cho sự an toàn của con.

Nguyên nhân của vấn đề này là gì? Con bạn có thể không tập thể dục đủ hoặc có cơ hội tham gia các hoạt động thể chất. Hàng ngày, bé bị nhốt trong không gian kín như lớp học hoặc trong nhà quá lâu. Với một đứa trẻ nhanh nhẹn, ưa vận động thì việc phải làm mọi thứ trong không gian hẹp dễ khiến trẻ nổi cáu, kích động và giận dữ.

Bố mẹ sẽ ngạc nhiên khi biết nguyên nhân tạo nên những thói quen xấu của trẻ và cách "dẹp tan" chúng cực kỳ dễ dàng - Ảnh 1.

Gợi ý cho bố mẹ: Khuyến khích bé tham gia các hoạt động thể chất an toàn như chạy bộ ở sân chơi ngoài trời, chơi bóng rổ, bóng đá hoặc đạp xe quanh khu phố. Nếu không có thời gian và không gian cho con ra ngoài chơi hằng ngày, bố mẹ có thể rủ con làm việc nhà, phần thưởng là chuyến dã ngoại hoặc đi chơi công viên cuối tuần. Chắc chắn bé sẽ có nơi để trút nguồn năng lượng của mình.

Hãy nhớ, trẻ em dưới 7 tuổi nên chơi tối đa 3 giờ mỗi ngày trong một môi trường an toàn, trong khi đó trẻ lớn hơn nên có ít nhất 60 phút hoạt động thể chất mỗi ngày. Nếu chưa tạo điều kiện cho con được vận động, bố mẹ đừng mắng vì những trò nghịch ngợm của con khi bị nhốt trong nhà nữa nhé.

Nói dối

Một ngày đẹp trời, bố mẹ phát hiện ra con nói dối về việc hoàn thành bài tập về nhà, trong khi con luôn bảo rằng mình đã làm xong bài hay "Cô không giao bài tập đâu ạ" thì cô giáo của bé lại than phiền rằng bé không chăm chỉ. Hẳn bố mẹ nào cũng thất vọng, mỗi người có cách phản ứng khác nhau nhưng phần lớn đều bực mình, phạt trẻ hoặc la mắng.

Nguyên nhân trẻ nói dối là gì? Trẻ nhỏ vẫn đang học cách phân biệt giữa tưởng tượng và thực tế, vì vậy tâm hồn con luôn bị lạc vào những câu truyện cao siêu hay mấy chi tiết thú vị nào đó trên đường đến trường: con bướm bay qua, một quả bóng bay rơi bên vỉa hè hay một chú cún con đi lạc cũng có thể khiến bé chẳng nhớ gì về bài tập cô giáo đã giao.

Bố mẹ sẽ ngạc nhiên khi biết nguyên nhân tạo nên những thói quen xấu của trẻ và cách "dẹp tan" chúng cực kỳ dễ dàng - Ảnh 2.

Trẻ có thể hoàn toàn không nhớ gì hoặc chủ động nói dối để được chơi nhiều hơn. (Ảnh minh họa)

Tất nhiên, ngoài việc đãng trí, cũng có những bé chủ động nói dối để được chơi nhiều hơn hoặc tránh bị bố mẹ trách phạt.

Gợi ý cho bố mẹ: Cố gắng đừng quá khó khăn với con bạn và luôn nói với con rằng "Dù con làm sai nhưng con nói sự thật thì bố mẹ sẽ tha thứ. Sự thật luôn là tốt nhất". Tránh trừng phạt bằng đòn roi khi con đã chủ động nhận lỗi, xin lỗi và có cam kết. 

Vẽ trên đồ nội thất và phá vỡ mọi thứ

Hầu hết các bậc cha mẹ đều đồng ý rằng khi đã có con, bạn luôn phải nói "không" với nội thất màu trắng, tường trắng và đồ trang trí tinh tế vì con sẽ vẽ nguệch ngoạc hoặc phá vỡ thứ gì đó.

Nguyên nhân có thể là: Đối với một đứa trẻ, một bức tường giống như một bức tranh vải trống và trong quá trình phát triển ban đầu của mình, con dễ dàng vẽ một thứ gì đó trước mặt vừa to vừa rộng như bức tường thay vì một tờ giấy nhỏ và kém hấp dẫn được đặt xuống bàn.

Đối với việc phá vỡ mọi thứ, hầu hết trẻ em bận rộn khám phá thế giới xung quanh, chúng không lường trước được những cử động của mình có thể làm đồ vật rơi vỡ. 

Bố mẹ sẽ ngạc nhiên khi biết nguyên nhân tạo nên những thói quen xấu của trẻ và cách "dẹp tan" chúng cực kỳ dễ dàng - Ảnh 3.

Bé yêu thích việc vẽ lên những không gian rộng hơn là vẽ trên giấy. (Ảnh minh họa)

Gợi ý cho bố mẹ: Giữ các vật dễ vỡ ra khỏi tầm với của con để đảm bảo an toàn cho con cũng như món đồ yêu thích của bạn. Nhẹ nhàng nhắc nhở bạn nhỏ rằng không được phép vẽ lên tường và thử dán một số tờ giấy lớn lên tường, hoặc đầu tư vào một giá vẽ cỡ lớn để con có nơi tô vẽ mọi thứ trên đời.

Nếu con đặc biệt thích vẽ, hãy đăng ký cho con các lớp học vẽ. Nếu con thích tháo lắp mọi thứ, cho con chơi lego, xếp hình hoặc tham gia các lớp steam robotic...

Dành quá nhiều thời gian xem thiết bị điện tử

Trong thời đại hiện đại này, không có gì lạ khi thấy trẻ em hoặc thậm chí trẻ sơ sinh dán mắt vào một thiết bị di động nào đó, xem video trực tuyến hoặc chơi trò chơi thân thiện với trẻ em.

Nguyên nhân: Trẻ em thường bắt chước bố mẹ và được sử dụng thiết bị điện tử để xem mọi thứ là do bố mẹ chiều theo ý con. Các chương trình trên tivi, ipad, điện thoại thực sự quá hấp dẫn. Đôi khi bố mẹ còn bị thu hút dẫn đến quên hẳn việc chơi với con thì thật khó tránh trẻ bị mê mẩn những thứ này.

Bố mẹ sẽ ngạc nhiên khi biết nguyên nhân tạo nên những thói quen xấu của trẻ và cách "dẹp tan" chúng cực kỳ dễ dàng - Ảnh 4.

Hãy kiểm soát thời gian và nội dung các chương trình bé xem trên thiết bị điện tử. Hướng con đến các hoạt động thể chất và trò chơi trong nhà hoặc ngoài trời. (Ảnh minh họa)

Gợi ý cho bố mẹ: Đặt bộ hẹn giờ để bé biết mình được cho phép xem chương trình ấy trong bao lâu. Khi con bạn sử dụng thiết bị di động hoặc xem tivi, hãy xem cùng con và lựa chọn chương trình có tính giáo dục tốt cho con. Nhưng tốt nhất, hãy hướng con đến các trò chơi tương tác thật hoặc vận động ngoài trời càng nhiều càng tốt.

Trêu chọc và đánh nhau với anh chị em

Không có cha mẹ nào muốn nhìn thấy sự ganh đua giữa những đứa con của họ, nhưng thật không may, rất nhiều anh chị em tranh giành đồ chơi, đánh nhau.

Nguyên nhân là gì? Sự ganh đua của anh chị em có thể là do cảm giác ghen tuông và ý thức cạnh tranh mạnh mẽ để trẻ chứng tỏ bản thân với bố mẹ rằng mình là đứa trẻ ngoan hơn. Một số bé cũng có thể không biết cách tích cực để tương tác với anh chị em của mình, vì vậy con chọn một cuộc chiến để thu hút sự chú ý.

Bố mẹ sẽ ngạc nhiên khi biết nguyên nhân tạo nên những thói quen xấu của trẻ và cách "dẹp tan" chúng cực kỳ dễ dàng - Ảnh 5.

Hãy hướng con có ý thức trách nhiệm bằng cách giao cho con nhiệm vụ giúp đỡ em (Ảnh minh họa)

Gợi ý cho bố mẹ: Dành nhiều thời gian hơn để nói chuyện với con, tìm hiểu nguyên nhân của các cuộc chiến. Cố gắng đừng quá khen ngợi đứa trẻ này hơn đứa trẻ kia hoặc so sánh con bạn với nhau, vì điều này có thể khiến chúng cảm thấy ghen tị và bực bội. Hướng dẫn trẻ cách chơi tốt với nhau và sử dụng từ nào để tương tác tích cực hơn. Đối với anh chị, hãy hướng con có ý thức trách nhiệm bằng cách giao cho con nhiệm vụ giúp đỡ em.

Hãy nhớ rằng con bạn không hành động chỉ để cố tình làm bố mẹ giận dữ. Có một lý do đằng sau hành động của bé và bạn cần kiên nhẫn tìm ra nguyên nhân trước khi trừng phạt hành vi xấu của bé. Giúp con tìm ra những cách tốt hơn để thể hiện bản thân, truyền đạt cảm xúc của mình hoặc hướng năng lượng của mình đến một điều gì đó tích cực hơn.

Chia sẻ