Bố mẹ quá cưng chiều, con sẽ chậm biết nói

,
Chia sẻ

Vợ chồng chị Nguyệt ngẩn người ra khi chuyên gia khẳng định, sở dĩ cu Bin đã hai tuổi mà chưa biết nói một từ nào là vì anh chị quá chiều con.

Trong khi các bạn cùng lứa đã nói được câu ngắn hoặc từ có vài ba âm tiết thì cu Bin (ở thành phố Vinh, Nghệ An) chưa hề nói từ nào, ngay cả “mẹ, bà, bố”, mặc dù gia đình cũng rất tích cực dạy. Lúc cần gì, Bin chỉ kêu “é é” và dùng tay ra hiệu. Đọc báo, vợ chồng Nguyệt được biết trẻ không biết nói thường do chậm phát triển trí tuệ hoặc do bị điếc, hay cấu tạo cơ quan phát âm có vấn đề.

“Con mình không thể trí tuệ kém hay nghe kém được”, anh Minh chồng Nguyệt khẳng định, và ai biết bé Bin cũng đồng ý như vậy. Chỉ cần nghe mẹ nói nhỏ với bố là chuẩn bị sang bà ngoại có việc, Bin đã cuống cuồng tìm dép rồi chạy theo níu lấy mẹ đòi đi cùng. Mỗi chiều nghe tiếng xe máy của bố mẹ từ đầu ngõ, bé đã nhận ra ngay và chạy đi đón. Bé cũng hiểu hết những gì người lớn nói với mình và có phản ứng rất nhanh.

Lo lắng, vợ chồng Nguyệt đưa con ra Hà Nội khám. Bác sĩ tai mũi họng khẳng định cơ quan phát âm của bé hoàn toàn bình thường. Để chắc chắn, họ cho kiểm tra thính lực và kết quả cũng rất tốt. Chị Nguyệt lại đưa con đến một cơ sở tư vấn tâm lý. Các chuyên gia làm trắc nghiệm về phát triển tâm sinh lý cho bé và kết luận Bin khá thông minh, nhạy bén. Tiếp xúc nhiều với Bin, quan sát cách cư xử của bố mẹ bé với con, chuyên gia khẳng định, Bin chậm nói là do bố mẹ quá nuông chiều, đáp ứng ngay mọi đòi hỏi của bé, khiến bé không có nhu cầu phải nói yêu cầu ấy ra thành lời.

Nên khuyến khích trẻ nói, gọi tên các sự vật đơn giản.

Hễ Bin kêu “é, é”, cả anh Minh và chị Nguyệt đều cuống quýt hỏi: “Gì vậy con?”. Và họ đua nhau đoán ý bé: “Con muốn ăn bim bim hả? Con lấy siêu nhân này nhé?...”, cứ như thế cho đến khi Bin gật đầu. Bin cũng thích tìm hiểu mọi thứ xung quanh và bố mẹ bé cũng nhiệt tình dạy. Nhưng mỗi lần như vậy, mọi người lại chứng kiến một cảnh khá ngược đời: Thay vì mẹ chỉ vào đồ vật đã dạy trước đó cho bé gọi tên, thì thường Bin chỉ vào từng vật, từng người và bố mẹ đọc: Xe đạp, ô tô, cái bát, chú Sinh, bác Hương.... Bé ghi nhớ những khái niệm đó, nhưng không bao giờ gọi tên chúng, mà thỉnh thoảng lại chỉ tay ra hiệu cho bố mẹ đọc lên.

Theo lời khuyên của trung tâm tư vấn, vợ chồng chị Nguyệt thay đổi cách cư xử với con. Mỗi khi con đòi gì, họ không đoán ý bé để chiều ngay như trước. Nếu trẻ đòi mẹ đáp ứng điều gì, chị Nguyệt yêu cầu con phải nói “mẹ” thì mới làm. Hoặc nếu biết trẻ đòi bim bim, họ bảo con nói “bim” thì mới cho.  Bin quen được chiều nên trong mấy ngày đầu, bố mẹ phải chịu đựng những cơn khóc lóc, kêu thét, ăn vạ của bé. Nhưng cũng chỉ sau vài ngày, Bin đã nói được những từ đầu tiên: “mẹ”, “bố”, “bánh”...

Những trường hợp như bé Bin không hề hiếm gặp. Chuyên gia Linh Nga, Phó phòng khám Tuna (phố Vọng, Hà Nội), cho biết trong số trẻ em đến đây tư vấn và trị liệu, trẻ chậm nói chiếm tỷ lệ lớn, và khá nhiều cháu chậm nói do được bố mẹ đáp ứng quá nhanh các yêu cầu. Bản thân những trẻ này vốn lười nói hơn trẻ khác, nên nếu không cần “mở mồm” mà mọi thứ vẫn được cung phụng đầy đủ thì bé sẽ không có nhu cầu học nói nữa. Và trong những trường hợp này, bố mẹ đã có lỗi do cách nuôi dạy không hợp lý của mình.

“Có em bé hơn 2 tuổi được đưa đến phòng khám không biết nói gì, cũng không chào hỏi ai. Nhưng sau buổi làm việc, chuyên gia nói nếu bé không chào thì sẽ không được về. Và đó là lần đầu tiên, bé chịu nói”, bà Linh Nga kể.

Theo chuyên gia Linh Nga, khi một đứa trẻ chậm nói, trước hết cần loại trừ các nguyên nhân như chậm phát triển tinh thần, trí tuệ, thính lực kém (nhiều trẻ vì điếc nên không học nói được, trở thành câm) hay cấu tạo vòm miệng không thuận lợi bằng cách đi khám ở chuyên khoa nhi, cơ sở tâm lý, tai mũi họng. Nếu tất cả đều bình thường, nghĩa là bản thân trẻ không có khiếm khuyết gì thì lỗi thường ở người lớn. Khi đó, cha mẹ cần sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý trẻ em.

Thông thường, trẻ 9 tháng tuổi đã có thể phát ra những từ đơn như “mẹ”, “bà”, và khi ngoài một tuổi, bé đã nói được nhiều từ đơn khác và hiểu những câu đơn giản mà người lớn nói với mình. Từ 18 tháng đến hai tuổi, phần lớn trẻ đã nói được hai âm tiết hoặc nói được những câu gồm hai âm tiết như “mẹ bế”, và từ hai tuổi trở nên là giai đoạn “bùng nổ” về ngôn ngữ ở trẻ với vốn từ lớn hơn và khả năng kết hợp nhiều từ hơn.

Để tránh tình trạng con lười tập nói, cha mẹ nên dành nhiều thời gian nói chuyện với con, chỉ vào những đồ vật, những người quen thuộc hay được con thích để khuyến khích bé gọi tên. Nên vỗ tay khen ngợi, cổ vũ khi bé nói ra một từ. Đặc biệt, với những trẻ lười nói, người lớn không nên đáp ứng quá nhanh những đòi hỏi của trẻ, hãy buộc trẻ bộc lộ yêu cầu đó thành lời. Bạn cần hết sức kiên nhẫn nếu bé, vốn đã quen được chiều chuộng, lăn ra khóc thay vì nói.

Và nếu thấy khả năng nói của con kém hơn yêu cầu lứa tuổi, nên đưa đến chuyên gia nhờ tư vấn và giúp đỡ.
 
Theo Lam Giang
Đất Việt
Chia sẻ