Bố mẹ 9x và mong muốn giản đơn: Không cố khoác lên con "tấm áo rộng", để con tự do làm những gì mình thích

Bôm Bốp NF; Design: Tuấn Maxx,
Chia sẻ

Nếu như trước kia, các bậc phụ huynh 7x, 8x thường tập trung chú trọng cho con học văn hóa thì phụ huynh 9x nay đã khác.

Những đứa con của chúng ta không phải là "cỗ máy nhét chữ"

Lẽ dĩ nhiên, khi làm cha làm mẹ ai cũng mong muốn đem đến cho con của mình những điều tốt đẹp nhất. Ví như cha mẹ có thể nhịn ăn nhịn mặc để mua cho con sách vở mới, quần áo mới. Tình yêu thương đó muôn đời không thay đổi, dù là cha mẹ 5x, 6x hay 7x, 8x và gần đây nhất là cha mẹ 9x.

Tuy nhiên, giữa những thế hệ cha mẹ vẫn có những luồng suy nghĩ khác nhau về việc học tập của con. Nếu như trước đây, cha mẹ luôn thích con trở thành ông nọ bà kia để vẻ vang hiển hách, thì bây giờ, với lớp cha mẹ trẻ lại là những người có cái nhìn mới mẻ hơn. Những bậc phụ huynh này có thể thích con của mình ngoài việc học văn hóa ở trường lớp còn được bổ sung các môn năng khiếu, kỹ năng cho toàn diện.

Khi được đặt câu hỏi về vấn đề này, bạn Hoàng Khoa (1990, Định Công, Hà Nội) cho hay:

"Mình lấy từ bản thân mình ra thôi, ngày xưa bố mẹ cứ thích con làm bác sĩ. Rồi mấy cái môn hát hò vẽ vời là không thích con học đâu. Nhưng bây giờ mình làm bố, mình lại muốn con mình học thêm năng khiếu, đặc biệt con thích thì mình sẽ cho đi học chứ không ép buộc. Vì mình rút kinh nghiệm từ mình rồi, phải cho con học đúng những gì con thích thì con mới hứng khởi và phát triển được."

Bố mẹ 9x và mong muốn giản đơn: Không cố khoác lên con tấm áo rộng, để con tự do làm những gì mình thích  - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm với ông bố trẻ kể trên, bạn Mai Hằng (1991, Đông Anh, Hà Nội) cũng tỏ ra vô cùng hào hứng khi nhắc đến việc cho con học bổ sung năng khiếu. Ý kiến của bà mẹ trẻ năm nay có con vào lớp 1 như sau: 

"Dù con mình năm nay mới lên lớp 1, nhưng nhiều lúc nhìn các bạn của con bị bố mẹ bắt ép đi học thêm nhiều quá mình cũng hãi. Còn mình thì chỉ cho con học những môn văn hóa cần thiết thôi, ngoài ra mình cho con đi học bơi, cuối tuần cho con đi học múa để con có thêm nhiều bạn mới. Chứ lúc nào cũng thấy con gù lưng mang sách vở đi học nói thật là mình xót lắm, mà con cũng chưa chắc đã vui, không vui thì làm sao tiếp thu được tốt kiến thức?"

Qua đây có thể thấy, đối với các bậc phụ huynh 9x họ thường so sánh tuổi thơ của con với chính tuổi thơ của mình. Và họ ngoài việc làm bố mẹ còn mong muốn làm một người bạn đồng hành cùng con trong những năm tháng đầu tiên con đi học.

Việc học của con trong mắt phụ huynh 9x không chỉ là đến trường lớp học văn hóa hoặc lịch học thêm dày đặc, chi chí. Mà đối với những vị phụ huynh này, họ luôn mong muốn lắng nghe nhu cầu của con, để con được đến trường trong niềm vui cùng tâm lý thoải mái nhất.

Bố mẹ 9x và mong muốn giản đơn: Không cố khoác lên con tấm áo rộng, để con tự do làm những gì mình thích  - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Việc con trở nên tài giỏi không quan trọng bằng việc con trở nên hạnh phúc

Một số người cho rằng đầu tư cho việc học hành của con cái thì không bao giờ phải hối tiếc, bất kể khoản đầu tư đó dành cho việc học văn hóa hay học kỹ năng. Tuy nhiên, một số người lại không đủ can đảm để đánh đổi vài giờ học văn hóa của con cho các lớp năng khiếu mà con mình thích, chỉ đơn giản vì "sợ con tụt lùi so với các bạn".

Có lẽ, nguyên nhân sâu xa của điều này lại nằm ở chỗ kỳ vọng của bố mẹ dành cho con cái. Nếu như bố mẹ muốn con phải thành đạt, phải có địa vị trong xã hội với bằng này chức nọ, họ đương nhiên sẽ luôn sợ con ở vạch xuất phát sau so với bạn bè cùng trang lứa. Còn nếu bố mẹ không đặt áp lực bằng cấp hay nghề nghiệp lên vai con, mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản và nhẹ nhàng hơn.

Tiếp tục trả lời câu hỏi về vấn đề này, bạn Hoàng Khoa đã chia sẻ ý kiến: "Thật ra ngày xưa bố mẹ mình mong mình làm ông nọ bà kia không phải là không đúng. Vì cái thời ấy khổ quá rồi, không học lên cao để cách ly với đồng ruộng thì chính mình sẽ khổ, con cái mình cũng sẽ khổ. Nhưng bây giờ thì khác, các con ít ra cũng sống trong môi trường đầy đủ, nên mình với vợ mình đều chỉ mong sao con được sống một đời hạnh phúc, cả hai vợ chồng không đặt áp lực lên vai con, để con được tự do làm những gì mà con muốn."

Bố mẹ 9x và mong muốn giản đơn: Không cố khoác lên con tấm áo rộng, để con tự do làm những gì mình thích  - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

"Nhiều khi mình cũng bị áp lực lắm, áp lực từ bố mẹ mình và bố mẹ chồng, họ hàng nội ngoại hai bên khi thấy mình cho con đi chơi nhiều hơn đi học. Nhưng thật ra mọi người không hiểu rằng đâu chỉ đến trường đến lớp học văn hóa thì mới là học? Chỉ cần bố mẹ cho con đi chơi, dắt con đi đây đi đó là con cũng đã được tiếp xúc và khám phá bao điều mới lạ rồi. Đi một ngày đàng học một sàng khôn mà. Điều quan trọng nhất vẫn là con mình thích, con mình vui vẻ tận hưởng, còn những lời nói xung quanh mình cũng chẳng để tâm nhiều nữa", Mai Hằng cũng bổ sung ý kiến khi được hỏi về việc lựa chọn các nội dung học cho con.

Suy cho cùng, đôi khi các bậc bố mẹ vẫn thường hay nhầm lẫn giữa điều mình muốn và điều con muốn. Rất nhiều thế hệ phụ huynh từ xưa đến nay đều dễ dàng nhầm lẫn như vậy, vẫn tự tin rằng việc mình lựa chọn cho con là đúng đắn nhất, là sự lựa chọn hoàn hảo, trong khi chưa chắc con đã hiểu, đã biết và đã đồng tình.

Chính vì vậy, những bậc phụ huynh trẻ ở lứa tuổi 9x đã có những suy nghĩ tiến bộ hơn khi mong muốn tuổi thơ của con không chỉ còn là bài vở, không chỉ còn là đặt nặng vấn đề điểm cao, trường chuyên, lớp chọn nữa. Thay vào đó, bố mẹ 9x đã hướng con tới những lớp học năng khiếu và cho con đi ra ngoài thế giới bằng niềm tin của mình: Chỉ cần con được hạnh phúc, con làm gì cũng được!

Chia sẻ