Bộ Công an cảnh báo người tiêu dùng: Hàng loạt tin nhắn mạo danh ngân hàng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Scorpiot,
Chia sẻ

Để tránh rơi vào bẫy của kẻ gian nhằm chiếm đoạt tài sản một cách bất chính, Bộ Công an đã ra cảnh báo với người tiêu dùng kiểm tra kĩ nội dung tin nhắn. Nếu có bất cứ nghi vấn nào cần gọi điện trực tiếp tới tổng đài chăm sóc khách hàng của các ngân hàng để kiểm tra lại thông tin hoặc nhờ những người có kinh nghiệm tư vấn.

Một người dân tại Hà Nội bị lừa đảo 460 triệu đồng do đăng nhập vào website giả mạo ngân hàng

Chị M. (một nạn nhân đang trú tại Hà Nội) cho biết, chiều 4/12 chị nhận được một tin nhắn lạ từ tổng đài có tên gọi Routee thông báo trúng một sổ tiết kiệm từ "San so loc vang" tri ân và yêu cầu truy cập vào đường link http://trian.bank-vp.com để nhận giải.

Ban đầu nhận định là tin nhắn lừa đảo, nhưng vì tò mò, chị vẫn đăng nhập vào đường link nói trên. Ngay lập tức trang hiển thị có giao diện, màu sắc, logo, phông chữ và nền giống y hệt website của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), nơi chị vẫn thường xuyên giao dịch.

Cùng lúc đó, chị nhận được cuộc điện thoại với người tự xưng là nhân viên ngân hàng hỏi đích danh tên (cả tên cũ và tên chị mới chuyển đổi). Người này đọc đầu số và 4 số cuối của thẻ tín dụng. Sau đó thông báo chị đã trúng sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng và yêu cầu đọc đầy đủ số tài khoản để hoàn tất việc trao giải. Đã cảnh giác hỏi lại xong chị được trả lời rằng, đó là quy định của ngân hàng, nếu không tin có thể gọi lên tổng đài để xác minh.

Bộ Công an cảnh báo người tiêu dùng: Hàng loạt tin nhắn mạo danh ngân hàng nhằm lừa đảo, chiếm đọa tài sản - Ảnh 2.

Tin nhắn giả mạo ngân hàng mà chị M. nhận được.

Dù chưa thực hiện theo yêu cầu của "nhân viên ngân hàng", tuy nhiên ngay sau đó chị M. đã nhận được tin nhắn báo vào điện thoại với nội dung chị đã vay ngân hàng 360 triệu đồng từ tài khoản thẻ tín dụng. Đúng 5 giây sau, chị M. tiếp tục nhận được tin nhắn vay thêm 90 triệu đồng.

Không những thế, tiếp 2 giây nữa, chị nhận được tin nhắn báo tài khoản thẻ tín dụng bị trừ 3.507.700 đồng, rồi 500.000 đồng, 500.000 đồng… liên tiếp cứ 2-5 giây lại có 1 giao dịch 500.000 đồng.

Tổng cộng, chị M. nhận được 18 tin nhắn với 2 giao dịch vay tổng cộng 450 triệu đồng và 16 tin nhắn bị trừ 11,5 triệu đồng trong tài khoản thẻ tín dụng.

Bị trừ tiền quá nhanh, chị M. hốt hoảng gọi điện đến tổng đài ngân hàng yêu cầu phong tỏa tài khoản, thẻ và các giao dịch. Đến hiện tại, trường hợp của chị M. vẫn đang chờ được phía ngân hàng giải quyết.

Bộ Công an cảnh báo tin nhắn mạo danh ngân hàng để lừa đảo

Ngày 12/12, Bộ công an đã ra khuyến cáo với người dân về chiêu thức giả mạo tin nhắn của ngân hàng để lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tài sản bất chính.

Theo Bộ Công an, đây là chiêu thức mới, thủ đoạn mới của kẻ xấu tinh vi hơn. Đặc biệt, trong dịp cuối năm khi số lượng giao dịch tài chính trong tài khoản ngân hàng gia tăng cũng là thời điểm lý tưởng cho các hành vi tội phạm hoạt động nhiều.

Theo đó, tin nhắn thương hiệu đến từ địa chỉ được tổ chức, cá nhân đăng ký độc quyền tại nhà mạng viễn thông và sử dụng để gửi tin nhắn hàng loạt tới khách hàng. Đây là dạng tin nhắn đã được đăng ký độc quyền, không ai được đăng ký trùng.

Bộ Công an cảnh báo người tiêu dùng: Hàng loạt tin nhắn mạo danh ngân hàng nhằm lừa đảo, chiếm đọa tài sản - Ảnh 3.

Rất nhiều chiêu thức như gửi tiền giúp cho người thân, nhận giải thưởng, trúng sổ tiết kiệm mà kẻ gian sử dụng để lừa đảo mà bạn cần cảnh giác.

Ghi nhận gần đây, kẻ gian đã mạo danh tin nhắn thương hiệu này của một số ngân hàng. Các tin nhắn giả lại được lưu trữ cùng với thư mục của tin nhắn thương hiệu thật của các ngân hàng trên điện thoại của người tiêu dùng. Do đó, người sử dụng rất dễ lầm tưởng đây là thông báo chính thức của ngân hàng hay cơ quan nhà nước mà thực hiện theo.

Cũng theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 của Bộ Công an) cho biết, sau khi có thông tin của khách hàng từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, tội phạm công nghệ sẽ gửi các tin nhắn giả mạo tin nhắn thương hiệu đến khách hàng đó.

Trong nội dung tin nhắn giả mạo luôn đi kèm với đường dẫn đến các trang web giả mạo do chúng tự tạo ra và quản lý. Tại đây có giao diện, logo tương tự với website chính thức của các ngân hàng. Người tiêu dùng sau khi truy cập sẽ được yêu cầu điền tên đăng nhập, mật khẩu và OTP. Khi có được thông tin này kẻ lừa đảo sẽ kiểm soát quyền chủ động tài khoản của bạn và thực hiện ngay lập tức các thao tác chuyển tiền, mở thấu chi, đăng ký vay online giống như với trường hợp của chị M.

Bộ Công an cảnh báo người tiêu dùng: Hàng loạt tin nhắn mạo danh ngân hàng nhằm lừa đảo, chiếm đọa tài sản - Ảnh 4.

Rất nhiều ngân hàng cũng đưa ra thông báo khẩn cảnh báo lừa đảo để người sử dụng cảnh giác.

Các nhà chức trách khuyến cáo với người dân cần kiểm tra kĩ nội dung tin nhắn, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung. Nếu có bất cứ nghi vấn nào cần gọi điện trực tiếp tới tổng đài chăm sóc khách hàng của các ngân hàng để kiểm tra lại thông tin hoặc nhờ những người có kinh nghiệm tư vấn.

Trước yêu cầu đấu tranh tội phạm trong tình hình mới, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 đã bổ sung tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản - điều 290. Theo đó, người có hành vi sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Chia sẻ