Bộ ảnh "chia tay" khu tập thể cũ ở khu Quang Trung sắp bị dỡ bỏ gây sốt

Trang Trần. Ảnh: Trương Mạnh Hà,
Chia sẻ

Đẹp như những bộ phim cũ kỹ, góc ảnh tiếp cận những mảnh ký ức, những hoạt động thường nhật của người sống trong khu tập thể sắp bị dỡ bỏ, bộ ảnh như là một lời chia tay...

"Khi tôi sinh ra, thành phố này đã mới lên, hiện đại lên nhiều lắm. Những ký ức về một khu tập thể do người Đức xây dựng - một trong những công trình “tầm vóc” đầu tiên của thành phố sau ngày đất nước giải phóng - chỉ còn sót lại nơi một vài lớp người cũ. Một ngày nọ, khi những cư dân thành phố - già và trẻ, cũ và mới - cùng nhìn vào công trình mang dáng dấp của một “phế tích” cổ xưa này và thầm nghĩ: Có lẽ đã đến lúc nói lời tạm biệt" - những lời ngọt ngào ấy của tay máy Trương Mạnh Hà như lời đề từ đẹp đẽ cho bộ ảnh "Một tí khu Quang Trung" của anh.

Bộ ảnh được anh chàng sinh năm 1990 này thực hiện như một dự án cá nhân, vì tình cảm và gắn bó riêng với khu tập thể này. Mạnh Hà tâm sự, với vốn liếng ký ức non trẻ của mình, anh đang từng ngày góp nhặt lại những hình ảnh rất có thể là cuối cùng của khu tập thể Quang Trung. Bằng góc máy của một người có cảm tình với nơi này, Mạnh Hà hy vọng, anh sẽ ghi lại được không chỉ hình hài, màu sắc, mà hơn thế, lưu giữ những mảnh linh hồn của địa danh gắn liền với nhiều thế hệ cư dân thành phố Vinh.

Dưới đây là những hình ảnh trích trong một "Một tí khu Quang Trung" của Trương Mạnh Hà:

khu tập thể
Khu Quang Trung rợp bóng cây xanh, lọt thỏm trong trung tâm thành phố Vinh như thể một lời gợi nhắc về quá khứ huy hoàng của những khu tập thể thời bao cấp. Trong ảnh là sân bóng chuyền nằm giữa hai nhà B5 và B6.

khu tập thể
Nơi đây từng là khát vọng của hàng nghìn hộ gia đình, giờ đã quá cũ kỹ và xuống cấp trầm trọng, lạc lõng giữa thành phố đang thay đổi từng giờ.

khu tập thể
Cây xương rồng nơi hàng lang tầng 4 khu nhà B1 nở hoa vàng rực rỡ.


khu tập thể
Những cụm hoa giấy cũng là hình ảnh dễ bắt gặp ở các khu nhà tập thể cũ, khiến không gian thơ mộng và duyên dáng hơn.

khu tập thể
Chỉ cách nhau một khoảng trời, bên này là những hàng lang cũ kỹ, ẩm thấp, bên kia là những cao ốc hiện đại, sang trọng và sáng loáng.

khu tập thể
Cũng già cỗi, nhưng vẫn âm thầm sức sống riêng, cây bằng lăng dưới sân các khu tập thể đã ra chồi lá.

khu tập thể
Hai anh em - những cư dân nhí của khu Quang Trung đạp xe trong sân bóng chuyền giữa nhà B5 và B6.

khu tập thể
Mạnh Hà kể, khi chụp bức ảnh này, anh đã "nghe lỏm" được một mẩu chuyện đáng yêu giữa một người đàn ông và một người phụ nữ. Người đàn ông mách, ông đã thấy một con chuột nằm giữa cô mèo cái này và một bé mèo con. Ông cười bảo: "Mèo mà không bắt chuột thì nuôi làm chi?", còn người phụ nữ trả lời: "Không phải mô, chuột nhắt hắn bắt bình thường, còn con chuột ni già rồi, đi lại châm chạp nên hắn chơi cùng, để cho ăn uống bình thường".

khu tập thể
Còn đây là chuồng chim bồ câu khu nhà A6 của một người đàn ông làm nghề đóng ghế sofa.


khu tập thể
Cũng như những khu tập thể khác ở Hà Nội, những căn hộ trong khu Quang Trung cũng được cơi nới cho rộng. Những chiếc "ba lô", "chuồng cọp" mọc dày lên cùng với sự phát triển của dân số trong khu nhà.


khu tập thể
Cuộc sống thường nhật của người dân trong khu nhà cũ vẫn thế diễn ra.

khu tập thể
Người đàn ông này đã sống ở đây 40 năm, hơn nửa đời người. Ông trò chuyện với tác giả: "Có đất trên ga rồi nhưng không có tiền mà xây nhà đất nên vẫn ở đây thôi, ở lâu thành quen. Có bà nhà ở tầng 1 đằng dãy nhà kia, 2 năm trước lúc đoàn khảo sát về để xây nhà mới, bà kêu: trông cho các anh xây cho tui ở nốt phần đời còn lại, rứa mà chưa xây đã ....chết rồi".


khu tập thể
Ông sống ở khu B3 Quang Trung. Trước, người đàn ông quê Nam Đàn này đi thanh niên xung phong, rồi học nghề mộc, và gắn bó với cái nghề này cũng hơn nửa đời người.

khu tập thể
Trong các khu nhà vẫn còn những chiếc xe từng là biểu tượng của một thời hoàng kim, vẫn còn mới như cóng thế này. Ảnh chụp tại khu nhà B1.


khu tập thể
"Đây là chiếc xe Peugeot 103. Cha tôi ngày xưa hay bảo, thời trước, anh nào có Peugeot thêm đài ô-ri-ô-tông là nhà giàu lắm, chẳng thế mà có câu: "Nhất yêu anh có Seiko/nhì yêu anh có phơ-giô cá vàng".

khu tập thể
Một biển hiệu cũ kỹ ghim vào hành lang cầu thang khu A1.

khu tập thể
Một chiếc ghế bị chủ nhân lãng quên và có vẻ số phận căn nhà cũng như thế...

Bộ ảnh được Mạnh Hà bắt tay thực hiện được hơn 1 tuần, và theo như tay máy này chia sẻ, sẽ được thực hiện dần, dự kiến hoàn tất sau 1 năm nữa, đến khi những căn hộ cuối cùng của khu tập thể được dỡ bỏ. Khu tập thể Quang Trung, theo như Mạnh Hà biết, được xây từ năm 1970 tới 1978, nằm trong trung tâm thành phố Vinh (Nghệ An) và là sản phẩm hợp tác của Việt Nam và Đức. Nó sắp bị dỡ bỏ vì xuống cấp nghiêm trọng. Tiếc nuối những kỷ niệm xưa cũ, yêu thương những nếp nhà, nếp cầu thang đã chứng kiến bao nhiêu chuyển mình và đổi thay của thành phố, yêu khu nhà từng là biểu tượng cho sự giàu có - là nơi đầu tiên ở Vinh có sự xuất hiện của ti vi, xe máy, Mạnh Hà đã ghi lại những gì đẹp đẽ còn sót lại, bằng những khuôn hình.

Lựa chọn nước màu hơi trầm, "ám" một chút sắc vàng và tối tương tự như những thước phim cũ kỹ cho những bức ảnh của mình, Mạnh Hà muốn lột tả cảm xúc tiếc nuối với khu nhà, cũng như chạm được đến cảm xúc của những người đã từng sống hoặc nghe kể về khu này. Ban đầu, anh chỉ định ghi lại những khoảnh khắc đẹp đẽ, đặc trưng, bình yên và gần gũi với những người dân nơi đây, để họ nhìn là thấy nhớ ngay. Nhưng cũng chính bởi cảm giác yên ả, tránh xa xô bồ thường nhật "ngoài kia", mà "Một tí khu Quang Trung" không chỉ chạm đến những người từng sống ở đây, như Mạnh Hà, mà còn khiến những người xem ảnh "không liên quan" cũng xôn xao xúc cảm. Khác với các khu tập thể cũ ở Hà Nội hay Sài Gòn, khu Quang Trung là một quần thể mấy chục dãy nhà nằm ngay trung tâm thành phố Vinh, bao bọc xung quanh là các khách sạn và chung cư cao tầng. Nó lọt thỏm ở giữa, như một "ốc đảo" cũ kỹ.
Chia sẻ