Biến chứng nguy hiểm của bệnh bướu cổ basedow

Lê Hường,
Chia sẻ

Nhiều người cho rằng bướu cổ (basedow) là bệnh lành tính nên chữa trị không đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, bệnh basedow không điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng, có thể tử vong.

Suýt mất mạng vì nhầm ung thư tuyến giáp là basedow
 
Theo thống kê tại bệnh viện Nội tiết trung ương, bệnh bướu cổ chiếm 40% trên tổng số người đến khám, 95% bệnh nhân là nữ.
 
Gần 1 năm trước, chị Lệ (ở Thanh Hóa) thấy ở cổ trước có dấu hiệu sưng, vướng, bướu càng ngày càng to ra, người xanh xao, mắt lồi… Đi khám ở viện Nội tiết, bác sĩ cho biết chị bị bướu cổ basedow và kê đơn thuốc về điều trị.
 
Tuy nhiên, vì chủ quan nghĩ rằng đó là bệnh thông thường nên uống hết thuốc chị Lệ không đi khám lại. Cách đây ba tháng chị phải cấp cứu trong tình trạng suy tim cấp, hôn mê… Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận chị bị ung thư tuyến giáp.
 
Khi thấy có những biểu hiện tương tự chị Lệ, chị Thanh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) liền đi khám, kết quả chị bị bướu cổ basedow nặng và phải nằm lại viện theo dõi. Bác sĩ cho biết thêm, may mà chị đi khám sớm và được điều trị kịp thời chứ nếu không, để lâu mắt sẽ bị viêm loét, nhiễm trùng và có thể dẫn đến bị mù.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh bướu cổ basedow

Biến chứng nguy hiểm của basedow
 
Các chuyên gia y tế đã khẳng định, basedow (nhiễm độc giáp) có nhiều biến chứng rất nguy hiểm như lồi mắt ác tính (mù mắt), biến chứng tim, cơn cường giáp cấp.
 
Bướu cổ basedow là một bệnh lý của tuyến giáp. Bệnh xuất hiện do tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone. Hàm lượng hormone ở tuyến giáp cao gây ra những tổn hại về mô và chuyển hoá.
 
Bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, song phần lớn là ở độ tuổi lao động, nữ giới hay mắc hơn nam giới. Trong bệnh bướu cổ basedow, ngoài triệu chứng điển hình như bướu cổ, rối loạn tim mạch thì lồi mắt cũng là dấu hiệu đặc trưng.
 
Bệnh diễn biến thành từng đợt cấp nối tiếp nhau, kết cục là người bệnh bị suy kiệt, có nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh còn tác dụng lên chức năng sinh dục cả nam và nữ giới, phụ nữ dễ lãnh cảm, rối loạn kinh nguyệt, vô kinh; ở nam giới là tình trạng liệt dương, vú to.
 
Như trường hợp của chị Lệ, khi bệnh ở giai đoạn nặng, sức khỏe suy kiệt phải đi cấp cứu. Lúc này bác sĩ phát hiện chị bị ung thư tuyến giáp và bệnh tiểu đường. May mắn hơn chị Lệ, chị Thanh đã kịp thời đi khám và kịp thời chữa trị. Nhiều bệnh nhân hoặc đi khám muộn hoặc điều trị không hiệu quả dẫn đến mắt bị lồi quá mức, khó nhắm kín, mi hở dẫn đến viêm loét giác mạc, tổn thương cơ quan mắt, thậm chí mù mắt.

Cho đến nay, nguyên nhân của bệnh bướu cổ vẫn chưa được làm rõ. Theo một số chuyên gia thì đây là một bệnh tự miễn (cơ thể người bệnh tự sinh ra các yếu tố chống lại chính mình và gây nên bệnh).
 
Các chuyên gia khác lại cho rằng yếu tố khiến bệnh khởi phát thường là stress, chấn thương thần kinh, nhiễm khuẩn, uống nhiều loại thuốc có chứa chất iốt như Cordarone (chống loạn nhịp tim) và nhất là yếu tố gia đình.
 
Tiến sĩ Tạ Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết, cho biết: Basedow (nhiễm độc giáp) thường thể hiện ở các dạng bướu đa nhân hoặc đơn nhân độc, u lá nuôi, tăng bài tiết... Biểu hiện sinh học bệnh là một bướu lan tỏa và một bướu mạch, phì đại và tăng sinh nhu mô.
 
Nhiễm độc giáp thường xuất hiện sau một chấn thương tinh thần hoặc thực thể. Phần lớn bệnh nhân do kém hiểu biết đã để bệnh tiến triển khá nặng khiến việc điều trị trở nên khó khăn, tốn kém gấp nhiều lần.
 
Nhiễm độc giáp không lây lan từ người bệnh sang người lành trong sinh hoạt hằng ngày mà mang yếu tố di truyền. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tính chất gia đình của bệnh. Nếu bố hoặc mẹ bị nhiễm độc giáp thì con cái cũng dễ mắc bệnh này.
 
Ngoài việc phải đi khám bệnh định kỳ, bệnh nhân có thể tự phát hiện sớm basedow qua các dấu hiệu: nhịp tim nhanh (>90 lần/phút), bướu cổ, run đầu chi, các tổn thương về mắt, gầy sút không rõ căn nguyên.
 
Các dấu hiệu khác gồm da ấm, ẩm, mịn (ở giai đoạn đầu), trên da có thể có các chấm, mảng bạch biến; rối loạn tiêu hoá (phân có máu, phân nát, phân sống đi nhiều lần trong ngày, táo bón); tiểu nhiều; liệt chi dưới, rụng tóc, bạc tóc, viêm quanh khớp vai...
 
Tùy mức độ và tính chất của bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, có thể dùng thuốc, iốt phóng xạ hoặc phẫu thuật. (nguồn: Lao động)


 
Chia sẻ