Bị phù tay voi vì chữa ung thư vú

Theo Đất Việt,
Chia sẻ

Sau “cuộc chiến” giành giật sự sống, bệnh nhân ung thư vú lại phải đối mặt với căn bệnh “phù tay voi” - hậu quả của nạo vét hạch điều trị ung thư vú.

Nhờ ứng dụng thành công kỹ thuật siêu vi phẫu, các bác sĩ của khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia, đã “trả lại” cho bệnh nhân bị phù bạch mạch sau điều trị ung thư vú chức năng và thẩm mỹ bình thường của cánh tay. 
 
Thoát khỏi ám ảnh 
 
Bà V.H.G. là bệnh nhân đầu tiên được các bác sĩ của Viện Bỏng Quốc gia dùng kỹ thuật siêu vi phẫu điều trị bệnh “phù tay voi”. Theo bà G., sau khi phát hiện bị ung thư vú, để tránh bệnh tái phát, bà đã được bác sĩ Bệnh viện K nạo toàn bộ hạch nách trái.
 
Cách đây hơn một tháng, bà G. thấy những vết loét lan ra ở nách trái. Vết loét ngày càng nặng và có nguy cơ nhiễm khuẩn gây hoại tử. Bà được gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Qua tìm hiểu, gia đình đã đưa bà đến Viện Bỏng Quốc gia và được khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (PTTHTM) tiếp nhận. 
 
Bị phù tay voi vì chữa ung thư vú
Các bác sĩ đang chuẩn bị cho ca vi phẫu chữa phù tay voi. Ảnh: An Nguyễn.  
 
Theo tiến sĩ Vũ Quang Vinh, Phó chủ nhiệm khoa PTTHTM, bệnh nhân G. bị bệnh phù tay voi do ứ dịch cánh tay, hay còn gọi là bệnh phù bạch mạch. Đây là bệnh thường gặp sau điều trị ung thư vú.
 
Đối với căn bệnh này, từ trước đến nay, y học Việt Nam chưa có cách nào chữa trị được. Bệnh nhân thường phải chịu đựng và chứng kiến cảnh cánh tay to phù lên bất thường, dị dạng và vô cùng khó khăn trong sinh hoạt cá nhân.  
 
Tuy nhiên, với phương pháp cấy vạt da và kỹ thuật siêu vi phẫu (sử dụng kỹ thuật vi phẫu đối với các động mạch, tĩnh mạch có đường kính dưới 0,7mm), sau 2 tuần điều trị, nách trái của bà G. đã hết loét, cánh tay trái đã dần trở về với kích thước bình thường.
 
Bà đã có thể thực hiện được một số hoạt động sinh hoạt thường ngày, điều mà trước đây không thể làm được. Và điều quan trọng hơn, bà đã thoát khỏi nỗi ám ảnh tay voi mà trước đây không thể dùng quần áo bình thường để che giấu được. 
 
Được thanh toán BHYT 
 
Theo tiến sĩ Vũ Quang Vinh, nguyên nhân phù bạch mạch trong ung thư vú có thể do tia xạ phẫu thuật, bệnh ác tính hay hiếm hơn là suy tim. Mặc dù cơ chế  phù cơ học có thể do mô sẹo xơ hay sự chèn ép khối u làm cản trở hoặc tắc nghẽn dòng bạch mạch dẫn đến phù trên lâm sàng.
 
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là một nghiên cứu so sánh về chất lượng sống và triệu chứng ở những bệnh nhân phù bạch mạch, cho thấy có một số triệu chứng như thay đổi cảm giác chi, mất tự tin về cơ thể, giảm thể lực, mệt mỏi và suy giảm tâm lý. 
 
Các di chứng tâm thần như đau đầu, stress, trầm cảm và lo âu và hậu quả xã hội bao gồm thay đổi chức năng, thiếu hỗ trợ, đau, tàn tật đã làm giảm chất lượng sống cho bệnh nhân. 
 
Khó khăn nhất trong siêu vi phẫu nối bạch mạch và tĩnh mạch là việc tìm ra hệ thống bạch mạch do nó có màu trong suốt, kích thước vô cùng nhỏ bé chỉ 0,3 - 0,5mm.
 
Bên cạnh đó, quá trình nối bạch mạch và tĩnh mạch đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối từ phẫu thuật viên với sự trợ giúp của kính phóng đại 15-20 lần. Và nhờ kỹ thuật này mà toàn bộ dịch ứ đọng trong cánh tay được dẫn lưu làm cho cánh tay không phù nề và có thể hoạt động trở lại. 
 
Theo tiến sĩ Vinh, chỉ trong khoảng 3-6 tháng nữa, cánh tay bà G. sẽ trở về gần với kích thước trước khi bị bệnh và hoạt động được bình thường. Từ trường hợp đầu tiên được thực hiện thành công kỹ thuật siêu vi phẫu này, sẽ mang đến niềm hy vọng mới cho những bệnh nhân bị phù tay voi sau điều trị ung thư.  
 
Thành công này của các bác sĩ đã khẳng định trình độ tay nghề với thế giới, bởi Việt Nam là một trong số ít quốc gia thực hiện thành công kỹ thuật khó bậc nhất trong vi phẫu. Chi phí cho ca mổ bằng kỹ thuật siêu vi phẫu là hơn 20 triệu đồng và được bảo hiểm y tế thanh toán một phần theo quy định của Bộ Y tế. 
Chia sẻ