Bị nhược cơ nhưng bệnh viện huyện chẩn đoán, điều trị bệnh ở... mắt, người phụ nữ suy hô hấp nguy kịch

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Người phụ nữ bị sụp nhẹ mí mắt 2 bên, bệnh viện huyện sau khi làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh ở mắt. Sau thời gian điều trị tình trạng bệnh trầm trọng thêm, khi chuyển lên tuyến trên thì bệnh nhân đã khó thở trầm trọng, yếu tay chân, sụp mi mắt nhiều...

Đó là trường hợp của bà T.T.Đ. (sinh năm 1949). Người bệnh chia sẻ, trước đó khoảng 14 ngày bà thấy sụp nhẹ mí mắt 2 bên. 

Bà vào một bệnh huyện để thăm khám thì được chỉ định làm xét nghiệm, chụp CT sọ não và được chẩn đoán bệnh lý về mắt. 

Sau hơn 1 tuần điều trị, mí mắt sụp nhiều hơn nên gia đình xin chuyển đến bệnh viện tỉnh. Lúc này người bệnh bắt đầu có dấu hiệu khạc do vướng đàm, ăn thỉnh thoảng bị sặc, không sốt. 

Bà Đ. được chụp CT sọ não lần 2. Kết quả chẩn đoán vẫn là bệnh lý về mắt và viêm phế quản. Sau 5 ngày điều trị tại bệnh viện tỉnh, biểu hiện sụp mí mắt của người bệnh không cải thiện mà còn có biểu hiện nuốt khó, khó thở. 

Ngày 17/3, người bệnh đến Bệnh viện Cửu Long (Cần Thơ) điều trị. Ban đầu, các bác sĩ nghĩ đến bệnh lý từ não và cho người bệnh chụp MRI sọ não.

Bị nhược cơ nhưng bệnh viện huyện chẩn đoán, điều trị bệnh ở... mắt, người phụ nữ suy hô hấp nguy kịch - Ảnh 1.

Bệnh nhân suýt chết vì bệnh viện tuyến huyện chẩn đoán, điều trị không đúng bệnh.

Tuy nhiên, sức khỏe của người bệnh bắt đầu chuyển biến xấu, bị mệt, khó thở nhiều hơn nên  nhanh chóng được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - Chống độc điều trị. Lúc này cụ bà đã khó thở trầm trọng, yếu nhẹ tay chân, sụp mi mắt nhiều kèm theo nuốt khó, nói khó ngày càng tăng.

Bệnh nhân được các bác sĩ khẩn trương đặt nội khí quản và thở máy, điều chỉnh các rối loạn về hô hấp và huyết động, làm các xét nghiệm chẩn đoán.

Ekip điều trị đã nhanh chóng tổ chức hội chẩn và phát hiện bà Đ. bị cơn nhược cơ nặng. Phương pháp điều trị tốt nhất trong thời điểm này là tiến hành điều trị nội và áp dụng kỹ thuật thay huyết tương.

Sau 5 lần thay huyết tương, sức khỏe bà Đ. cải thiện, được ngưng sử dụng máy thở và rút được nội khí quản, hết sụp mi mắt, ăn uống tốt, tay chân vận động tốt, đi lại bình thường. Bệnh nhân được xuất viện sau 15 ngày điều trị.

Bác sĩ Đỗ Văn Phẩm, Trưởng khoa ICU nơi điều trị cho bệnh nhân chia sẻ, nhược cơ là một căn bệnh thần kinh cơ liên quan đến sự tự miễn dịch trong cơ thể. Bệnh hiện nay vẫn chưa tìm được phương pháp chữa khỏi hoàn toàn. 

Trong điều trị bệnh nhược cơ, các bác sĩ thường kết hợp các phương pháp nội khoa và ngoại khoa, với mục đích là điều trị triệu chứng, làm thuyên giảm, ức chế sự tiến triển của bệnh chứ không chữa được tận gốc bệnh. 

"Nếu thấy mình có dấu hiệu của nhược cơ, người bệnh cần sớm đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám cụ thể, tránh trường hợp bệnh tiến triển gây những hậu quả đáng tiếc" - bác sĩ đưa ra lời khuyên.

Chia sẻ