Bi kịch thảm khốc của nhiếp ảnh gia chụp bức ảnh nổi tiếng "kền kền chờ đợi"

Anh Đào,
Chia sẻ

Sau sự thành công của bức ảnh là một mạng người phải ra đi bằng khí độc carbon monoxide.

Nạn đói ở châu Phi luôn là nỗi ám ảnh với toàn nhân loại, và có một bức ảnh gần như lột tả được hết những đau đớn đó chính là bức "kền kền chờ đợi" của nhiếp ảnh gia Kevin Carter, chụp tại Sudan vào 3/1993. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc em bé đói khát đang lê lết trên nền đất và đằng sau là con kền kền đang chực chờ em gục xuống để xông lên...rỉa xác.

Ngay sau khi được đăng tải trên tạp chí New York Times vào ngày 26/3/1993, bức ảnh đã gây chấn động toàn thế giới. Sau đó 1 năm, Kevin Carter vinh dự nhận được giải thưởng nhiếp ảnh Pulitzer danh giá. Tuy nhiên, hệ quả của thành công đó lại khiến cho một bi kịch đáng thương xảy đến bất ngờ.

nhiếp ảnh gia
Bức ảnh "kền kền chờ đợi" đã cho cả thế giới thấy được sự khủng khiếp của nạn đói ở châu Phi. 

Búa rìu dư luận và sự ra đi của một tài năng

Nhờ giải thưởng Pulitzer, Kevin đã có những giây phút hạnh phúc nhất cuộc đời đồng thời trở thành thượng khách của tất cả những nơi ông đặt chân tới ở thành phố New York (Mỹ). Từ các nhà hàng, các tờ báo lớn tới khách qua đường đều muốn kết giao, phỏng vấn, mời làm việc và xin chữ ký của Kevin Carter.

Tuy nhiên, khi bức ảnh “kền kền chờ đợi” trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới cũng là lúc có vô số lời chỉ trích dội về tác giả. Tất cả các ý kiến phản bác, kể cả những người bạn của Kevin đều tự hỏi tại sao anh lại chỉ chụp ảnh thay vì giúp đỡ em bé ấy. Kevin tất nhiên sau đó đã phải chịu đựng chuỗi áp lực không thể gồng mình lên nổi.

Đỉnh điểm của bi kịch cuộc đời đã tìm đến Kevin chỉ 3 tháng sau khi nhận giải, anh tự sát bằng độc khí carbon monoxide trên một chiếc xe hơi đỏ đậu kề một con sông nhỏ ở tuổi 33. Nhiếp ảnh gia nổi tiếng để lại lời nhắn trên băng ghế xe: “Tôi thực sự xin lỗi. Những đau đớn của cuộc sống đã đè nén tới mức mà niềm vui không còn có thể tồn tại”.

nhiếp ảnh gia
Người đàn ông tài năng này đã phải tự sát bằng khí độc do không chịu nổi sự đàm tiếu của dư luận.

Trước đó, Kevin đã sống những ngày cuối cùng trong mặc cảm tội lỗi và căn bệnh trầm cảm. Nợ nần chồng chất, chia tay mối quan hệ tình cảm đã nhiều năm gắn bó, bị bỏ lại cùng với đứa con gái 6 tuổi, lại thêm một sai lầm khủng khiếp khi ông để quên 16 cuộn phim dành cho tạp chí Time trên máy bay.

Sự thật đằng sau và lời giải thích của tác giả

Chỉ đến khi cái chết tìm đến Kevin, cả nhân loại mới lao vào tìm hiểu chuyện gì đã thực sự xảy ra sau cú bấm máy ấy. Phóng viên Alberto Rojas đến từ Tây Ban Nha đã tìm gặp một nhiếp ảnh gia khác cũng có mặt ở trại tị nạn ở Sudan vào năm 1993 tên là Arenzana. Ông này cũng chụp một bức ảnh tương tự như của Kevin, và trong đó, người ta nhìn thấy không gian xung quanh không chỉ có em bé và còn kền kền mà cách đó chỉ vài mét là trung tâm chăm sóc, nhân viên y tế và cha của đứa bé.

Rojas sau đó đã gặp được cha của đứa trẻ trong bức ảnh của Kevin Carter và biết được rằng đứa bé thực sự đã sống sót sau nạn đói nhưng đã chết 14 năm sau đó vì một cơn sốt rét. Như vậy, cậu bé không hề bị cơn đói giết chết để trở thành bữa ăn cho con kền kền phía sau như những gì mà độc giả và dư luận tưởng tượng. Tuy nhiên, Kevin Carter đã không còn để nhận được tin đó. Anh đã chết.

Ít ai biết được rằng, trước đó, Kevin Carter luôn thú nhận rằng mình không thích bức ảnh này và cả những bức ảnh trong lúc loạn lạc mà anh từng chụp được. Và cái trạng thái trầm uất để rồi cuối cùng phải tìm đến cái chết là do tác động của một chuỗi những bi kịch mà đỉnh điểm chính là con kền kền và em bé kia.

NHIẾP ẢNH GIA
Sự thật là nhiếp ảnh gia Kevin đã không hề bỏ mặc em bé và cái chết của anh là minh chứng cho sự thổi phồng quá đáng của truyền thông thời điểm bấy giờ.

Kevin sinh ra ở Cộng hòa Nam Phi, nơi nạn phân biệt chủng tộc đã đẩy những người da đen vào hoàn cảnh khốn cùng. Anh đã từng nhắc đến quê hưởng của mình như một nơi khô cằn, ảm đạm, lạnh lẽo, chết chóc, và đầy những ký ức tồi tệ. Anh trở thành nhiếp ảnh gia như một sứ mệnh dám dấn thân vào những khu vực đang xảy ra xung đột, không ngần ngại đối mặt với nguy hiểm để cho cả thế giới thấy được sự thật tàn khốc của chiến tranh và bạo lực.

Nhưng chính điều đó lại để lại trong lòng người nhiếp ảnh nhiều ký ức kinh hoàng. Một người bạn của anh cho biết Kevin luôn cảm thấy tội lỗi khi không thể cứu giúp những người khốn cùng, trong khi ông phải chụp ảnh họ, mà họ thì đang bị giết hại. Việc lặp đi những thao tác và cảm xúc ấy hàng ngày khiến cho Kevin rơi vào trạng thái trầm cảm nặng và buộc phải tìm đến cocaine và ma túy.

nhiếp ảnh gia
Dù mang trong mình lý tưởng cao thượng về việc phản ánh những bất công của cuộc đời nhưng thực tại thì quá thảm khốc khiến cho Kevin không thể chịu đựng thêm được.

Như vậy, Kevin không hề dửng dưng, lãnh đạm, và vô tình khi chụp bức ảnh con kền kền và em bé giống như những lời kết tội, thậm chí, có những giọt nước mắt đã rơi. Anh đã ghi lại trong nhật ký của mình rằng hi vọng bức ảnh sẽ khiến sự nhảy cảm của bản thân mỗi người được nâng cao hơn và không bao giờ được coi thường mọi thứ xung quanh.

Thực tế, nếu nhiếp ảnh gia không nhanh chóng ghi lại hình ảnh này, sẽ chẳng bao giờ nhân loại biết tới một thực tế kinh hoàng của sự đói khát, tuyệt vọng ở lục địa đen. Nhưng vinh quang của giải thưởng Pulitzer đã khiến một nhiếp ảnh gia tài năng phải tự tìm đến cái chết. Và người ta đã ví truyền thông giống như một con kền kền đang chờ đợi để rỉa xác Kevin Carter, một đứa trẻ một mình, một mình thực sự trên thế giới.

Nguồn: Tổng hợp

Chia sẻ