Bị “ép”… lấy trộm tiền của mẹ

,
Chia sẻ

“Con bị bạn xui về nhà lấy tiền của mẹ mua quà cho bạn ăn thì bạn mới cho chơi. Nếu con không làm theo, bạn ấy sẽ giận và gọi đầu gấu ra đánh con”.

Nếu không đưa tiền, bạn sẽ gọi đầu gấu ra đánh

Chị Lan Anh (Mỹ Đình – Hà Nội) không thể tưởng tượng nổi cậu con trai mới học lớp 1 lại dám lấy trộm tiền của mẹ. Ban đầu, chị chỉ thấy trong ví tự dưng vơi đi hẳn vài trăm ngàn. Đến lúc dọn bàn học của con, thấy ở dưới mấy chồng sách có 2 tờ 100.000 và mấy tờ tiền lẻ. Gặng hỏi mãi, bé mới lí nhí nói: “Con bị bạn xui về nhà lấy tiền của mẹ mua quà cho bạn ăn thì bạn mới cho chơi. Bạn ý còn chỉ vào cặp bạn nào trong lớp có tiền để con lấy. Nếu con không làm theo, bạn ấy sẽ giận và gọi đầu gấu ra đánh con”. Quả thật chị bàng hoàng, không thể tin nổi vào tai mình.

Tưởng bé chỉ dám một lần như thế, ai dè, hỏi ra mới biết, bé đã lấy trộm tiền của mẹ rất nhiều lần. Chị đánh bé, cấm bé không chơi với bạn xấu, phản ánh với cô giáo chủ nhiệm về vấn đề này. Cô giáo đã mắng và phạt các bạn xấu, nhưng mặt các bạn xấu cứ xì ra, đâu lại vào đấy.

Chị đau khổ kể với đồng nghiệp: “Bây giờ ngoài nước chuyển trường cho cháu thì quả thực em bất lực rồi. Con em vốn là một thằng bé kháu khỉnh, học giỏi mà thành nông nỗi này. Đánh thì nó cứ lì ra rồi đâu lại vào đấy, lại còn bảo sợ bị bạn đánh hơn bị mẹ đánh! Chẳng biết có đúng không hay là đã nhiễm thói xấu rồi nên lại nói dối?”.

Quả thực có rất nhiều bé lâm vào tình trạng như con nhà chị Lan Anh. Đến trường bé bị bạn dọa nat, về nhà bị mẹ mắng, dồn vào khái niệm nhiễm thói xấu và xa hơn nữa là nghĩ đến tội nói dối. Ngay cả mẹ - người gần gũi với bé nhất cũng không làm bé tin tưởng rằng người đó là người có thể che chở và giải quyết được vấn đề cho bé. Bé đã thú nhận: “Sợ bạn đánh hơn sợ mẹ đánh”.

Một người bố ở Hà Nội chia sẻ: “Trong lớp con trai tôi, có một bạn hay ăn cắp nên các bạn khác thường xuyên mất bút. Con tôi thì cứ mang dư bút để phòng, thấy bạn mất lại cho bạn mượn, rồi mất hoặc bạn không trả lại. Có ngày mất 2, 3 cái bút. Mẹ cháu xót lắm mắng cháu. Nhưng cháu vẫn tiếp tục mang bút đến lớp cho các bạn mượn, vì làm như thế được nhiều bạn quý”.

Dạy con bằng sự gần gũi yêu thương

Như trường hợp bé trai con chị Lan Anh, bố mẹ không nên đánh mắng bé. Nên giúp bé giải quyết vấn đề với mấy bạn đó một cách mềm dẻo (để các bạn khỏi làm hại con mình) và cương quyết (tránh không lặp lại tình trạng này).

Khi bé mắc lỗi, mẹ hãy gần gũi giúp đỡ bé. Đừng để bé cô đơn một mình

Tốt nhất, bố mẹ nên nói chuyện và lắng nghe các con nhiều hơn. Hôm nào đi học về, mẹ cũng thủ thỉ, gợi ý bé kể xem ở trường ở lớp có chuyện gì. Qua các câu chuyện, mẹ nên phân tích cho bé hiểu và để bé tin tưởng rằng: “Bố mẹ là người tài giỏi, là nhà thông thái, có thể quyết mọi vấn đề của bé”. Như vậy, lần sau gặp vấn đề gì, bé sẽ tự kể cho bố mẹ nghe.

Bố mẹ cũng cần phải nghiêm khắc với bé trong chuyện tiêu tiền và mua quà vặt. Khi bé học lớp 1, không nên mua quà bánh hoặc cho con tiền tiêu vặt. Dạy bé tình bạn bền chặt và tốt đẹp phải được xây dựng từ tài năng và tính cách, chứ không thể “mua” bằng những thứ vật chất.

Khi bé có những hành động “kỳ quặc”, đừng vội nóng giận, lên án hay đánh mắng bé, mà hãy phân tích chỉ bảo cho bé nên làm thế nào trong từng trường hợp. Điều quan trọng nhất là nên dạy con bằng sự gần gũi, yêu thương con, đặt mình vào vị trí của con thì kết quả sẽ tốt hơn nhiều so với mong đợi.

Bố mẹ phải luôn theo sát và quan tâm tới việc học của con. Nếu xảy ra những chuyện có ảnh hưởng không tốt tới tâm trí, thái độ học tập của bé, nên chuyển trường cho bé hoặc ít nhất cũng là chuyển lớp. Không nên để bé rơi vào sự tuyệt vọng, bị bắt nạt một cách kéo dài, ảnh hưởng tới tinh thần học tập và niềm vui của trẻ.

Bố mẹ cũng nên xem lại cách quản lý tiền, không được để ví tiền trong tầm tay của con. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho bé dễ phạm sai lầm.

Nam Hải

 (Tổng hợp)

Chia sẻ