Bị chứng tê tay chân nên chọn môn thể thao nào?

Lưu Hường,
Chia sẻ

Với người bị thoái hóa, hay chứng tê chân tay nên chọn môn thể thao như: đạp xe, bơi lội, yoga, và luyện tập khí công dưỡng sinh.

Để phòng tránh chứng tê tay chân, trước tiên cần duy trì lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động, tránh cuộc sống tĩnh tại.

Khi có triệu chứng tê mỏi, cần khám ở bác sĩ chuyên khoa để được điều trị sớm, tránh biến chứng đáng tiếc. Nên bổ sung đầy đủ vi khoáng chất như: các loại rau củ quả và thực phẩm giàu canxi, vitamin nhóm B và D. Với người bị thoái hóa, nên chọn môn thể thao như: đạp xe, bơi lội, yoga, và luyện tập khí công dưỡng sinh”.

Bệnh do nhiều nguyên nhân

Chị Lê Thị Nga, 45 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội, gần đây có hiện tượng tê chân. Chị Nga cứ nghĩ mình bị chuột rút do ngồi làm việc lâu hoặc do ngồi gập chân, ngồi xổm. Mỗi lần bị tê mỏi, chị chỉ vỗ nhẹ vào chân hoặc đá chân mấy cái là hết. Nhưng gần đây, chứng tê chân xuất hiện nhiều hơn.

Bị chứng tê tay chân nên chọn môn thể thao nào? - Ảnh 1.

Bác sĩ Đức khám bệnh cho bệnh nhân

Đến bệnh viện khám, chị mới biết mình bị thoái hóa đốt sống lưng. “Bác sĩ bảo, khi bị thoái hóa, việc uống thuốc chỉ làm giảm triệu chứng khi viêm cấp chứ không chữa khỏi hẳn, do vậy việc luyện tập hằng ngày và thay đổi lối sống là rất quan trọng”, chị Nga cho biết.

Còn chị Nguyễn Thị Thúy ở Nam Định, 47 tuổi có triệu chứng tê tay ngày càng tăng, chị cứ nghĩ do mình nằm lướt facebook nhiều hoặc nằm đè vào tay khi ngủ nên tê mỏi. Nhưng hiện tượng này xuất hiện ngày càng nhiều, có đêm, đang ngủ thấy 1 tay tê dại, nâng lên đặt xuống vẫn không có cảm giác, chị hốt hoảng nghĩ mình bị tai biến. Chị đi khám ở BV Xanh-Pôn mới biết mình bị hội chứng ống cổ tay và thoái hóa đốt sống cổ.

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Bình, Phó khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Xanh-Pôn, chứng tê bì tay chân là triệu chứng của rất nhiều bệnh khác nhau.

Với người ít vận động, ngồi lâu, khi ngủ hoặc làm việc không đúng tư thế, thời tiết thay đổi… thì triệu chứng này chỉ xuất hiện thoáng qua hoặc người bệnh tự điều chỉnh qua chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi, tập luyện. Tuy nhiên khi triệu chứng này xuất hiện ngày càng nhiều và nặng lên, chúng ta phải nghĩ đấy là những nguyên nhân từ: bệnh thoái hóa đốt sống cổ, thoái hóa cột sống, hội chứng ống cổ tay, thoát vị đĩa đệm, viêm gân, tiểu đường, giãn tĩnh mạch chân, hoặc thiếu vitamin và rối loạn chuyển hóa…

Cần điều trị sớm và tránh lối sống tĩnh tại

Bác sĩ Nguyễn Đức Bình cũng cho biết, khi bị thoái hóa đốt sống cổ, triệu chứng ban đầu thường đau mỏi từ đốt sống cổ, lan xuống cổ tay và đến bàn tay là do hiện tượng chèn ép các rễ thần kinh trong lỗ liên hợp các đốt sống. Còn hội chứng ống cổ tay cũng do dây chằng vòng cổ tay bị bóp chẹt, gây chèn ép thần kinh giữa, thần kinh trụ và gân gấp, hệ thống xương quay gây tê tay mà điển hình là tê mặt trước của các ngón cái, trỏ và giữa, đồng thời có hiện tượng teo cơ mô cái. Đôi khi các cơn tê mỏi vào ban đêm còn khiến người bệnh tỉnh giấc. Tuy nhiên triệu chứng này có thể mất ngay sau khi được xoa bóp, vung tay một lúc. Còn với tê chân có thể do thoái hóa cột sống hoặc do thoát vị đĩa đệm…

“Thoái hóa cổ gây tê mỏi rất khó chẩn đoán kể cả các bác sĩ chuyên khoa. Phải căn cứ vào kết quả xét nghiệm cận lâm sàng như chụp Xquang, cộng hưởng từ, điện thần kinh cơ, siêu âm, các bác sĩ mới đọc được thoát vị đĩa đệm, phồng đĩa đệm hay thoái hóa, gai đốt sống, hay đường dẫn truyền các dây thần kinh ở vùng ngoại vi bị ảnh hưởng, hay dây thần kinh bị chèn ép bởi các thành phần xung quanh… cũng gây hiện tượng tê tay chân. Với hội chứng ống cổ tay, nếu không điều trị đúng và kịp thời có thể gây rối loạn vận động teo tay, teo các mô”, bác sĩ Bình cảnh báo.

Chứng tê tay, tê chân ở người thoái hóa cột sống thường bắt đầu bằng biểu hiện tê ở ngón tay, ngón chân, và đau lan dần tới cánh tay, cẳng chân và đầu. Hội chứng này thường gặp ở người già, dân văn phòng thường xuyên làm việc với máy tính, công nhân dệt may, khí huyết lưu thông kém, dẫn đến hệ tuần hoàn bị ứ trệ, làm ứ đọng các acid trong quá trình chuyển hóa cũng gây tê tay chân.

Bên cạnh đó, bệnh này có thể xuất hiện ở những người trẻ lười vận động, rối loạn chuyển hóa chức năng, chế độ dinh dưỡng không cân bằng, ví dụ thiếu vitamin nhóm B như B1, B6, B12, acid folic, canxi, kali… - là những vitamin cần thiết với chức năng của hệ thần kinh.

Ngoài ra, triệu chứng trên cũng cảnh báo nguy cơ sớm đối với bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu và bệnh béo phì, bệnh đái tháo đường, xơ vữa động mạch, rối loạn thận… Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn tới nguy cơ rối loạn vận động, teo cơ, tắc nghẽn mạch máu.

Chia sẻ