Bị bạn xô trúng vào trụ xi măng khi đùa giỡn, bé trai chấn thương nặng vùng mặt

Bài, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Chỉ cần một phút lơ là, chủ quan của cha mẹ có thể khiến con em bị chấn thương nặng trong quá trình vui chơi hoặc lưu thông trên đường.

Tin từ bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết, trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, BV tiếp nhận rất nhiều trẻ bị chấn thương hàm mặt. Trong số này, chiếm phần đông là những chấn thương liên quan đến tai nạn giao thông (TNGT).

Cụ thể, có 11 ca chấn thương hàm mặt nhập viện tại Khoa Răng Hàm Mặt BV Nhi Đồng 1 trong những ngày Tết vừa rồi. Trong số này, có 8 ca chấn thương đơn thuần, 3 ca chấn thương hàm mặt kết hợp chấn thương chi. Về nguyên nhân chấn thương, chỉ 2 ca bị thương vì tai nạn sinh hoạt, còn lại đều do TNGT gây ra. 

Dù chiếm số lượng ít hơn, tuy nhiên tai nạn khi sinh hoạt vẫn có thể khiến trẻ bị chấn thương nặng ở phần mặt.

Bị bạn xô trúng vào trụ xi măng khi đùa giỡn, bé trai chấn thương nặng vùng mặt - Ảnh 1.

Một đứa trẻ bị chấn thương hàm mặt vì TNGT.

Điển hình như trường hợp của một bé trai tên H. (9 tuổi, quê Lâm Đồng), nhập viện trong tình trạng có chi chít vết thương ở vùng mặt, môi rách, răng bị gãy và nhiều cái lung lay, rỉ máu, đồng thời chân cháu bé cũng chấn thương nặng. Kết quả chụp X-quang cho thấy xương hàm dưới của đứa trẻ bị gãy, lóc xương ổ răng gãy rời, cổ lồi cầu bị gãy, gập ra phía sau khiến mặt bé H. bị biến dạng sang một bên.

Theo lời kể của người nhà, trong lúc đang đùa giỡn với bạn ngoài sân, H. bị bạn xô ngã, té đập vào trụ xi măng. Khi gia đình nghe tiếng kêu la thì đứa bé đã bê bết máu.

Bị bạn xô trúng vào trụ xi măng khi đùa giỡn, bé trai chấn thương nặng vùng mặt - Ảnh 2.

Khuôn mặt bé H. bị biến dạng sau tai nạn.

Bị bạn xô trúng vào trụ xi măng khi đùa giỡn, bé trai chấn thương nặng vùng mặt - Ảnh 3.

Ảnh chụp phim cho thấy xương hàm của bé H. bị gãy.

BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt BV Nhi Đồng 1 cho biết, với những trường hợp như bé H., các BS sẽ đặt bệnh nhi trong tình trạng theo dõi, để xem đứa bé có bị những chấn thương khác (như chấn thương sọ não) hay không chứ không hấp tấp xử lý ngay. Sau đó tuỳ vào mức độ chấn thương, những xương vị gãy, vị trí gãy mà có cách xử trí phù hợp. Dự kiến, đứa bé sẽ được phẫu thuật trong những ngày tới sau được theo dõi kỹ càng.

Bị bạn xô trúng vào trụ xi măng khi đùa giỡn, bé trai chấn thương nặng vùng mặt - Ảnh 4.

Dự kiến bé H. sẽ được phẫu thuật trong những ngày tới.

 "Tuỳ thuộc vào mức độ chấn thương mà cách xử trí từ đơn giản đến cực kỳ phức tạp. Nếu gãy ít có thể bắt nẹp vít vào đường gãy để cố định đầu xương lại. Nhưng nếu vị trí gãy ở hai lồi cầu, việc chữa trị rất khó khăn. Lại có những ca phải sử dụng phương pháp bảo tồn, như trường hợp đứa trẻ 15 tháng tuổi ở Tiền Giang bị TNGT khiến xương vùng cằm bị gãy, xương hàm tách đôi chồng lấn lên nhau mà chúng tôi đang tiếp nhận điều trị" – BS Đẩu nói.

Bị bạn xô trúng vào trụ xi măng khi đùa giỡn, bé trai chấn thương nặng vùng mặt - Ảnh 5.

Trẻ chấn thuơng vì TNGT điều trị tại Khoa Răng Hàm Mặt BV Nhi Đồng 1 chiếm số lượng lớn.

Theo BS Đẩu, những ca chấn thương hàm mặt liên quan đến sinh hoạt thường ngày hay TNGT không hiếm gặp tại BV. Nhất là trong những dịp nghỉ dài hạn như dịp Tết vừa qua, trẻ được thoải mái vui chơi mà không phải đến trường, trong khi đó cha mẹ lại bận nhiều việc, dễ lơ là, không theo sát con cái. Tết cũng là thời điểm trẻ cùng cha mẹ đi chơi, đến nhà người thân nên dễ xảy ra sự cố khi lưu thông trên đường.

Bị bạn xô trúng vào trụ xi măng khi đùa giỡn, bé trai chấn thương nặng vùng mặt - Ảnh 6.

Một cặp vợ chồng kể lại nguyên nhân khiến con mình bị chấn thương vùng mặt ngày Tết.

Dù là tai nạn sinh hoạt hay TNGT, những thương tổn xảy ra cho vùng hàm mặt trẻ em rất đa dạng, có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào. Di chứng để lại là những vết sẹo. Có sẹo chỉ ảnh hưởng thẩm mỹ, có những sẹo làm liệt vài nhánh dây thần kinh, nếu sẹo ở mắt có thể làm mắt sệ, ở môi khiến môi bị hở… Ngoài ra trẻ có thể bị những di chứng ở xương, khiến phần xương bị gãy không thể phát triển như bình thường, làm khuôn mặt bị biến dạng.

"Trẻ gãy xương hàm dưới thì xương phần này sẽ kém phát triển hơn xương hàm trên, khiến mặt rơi vào tình trạng "mỏm chim" nếu nặng. Hoặc trẻ cũng có thể mất răng suốt đời không mọc lại, phải trồng răng giả" – BS Đẩu chia sẻ.

Do đó để tránh những sự cố đáng tiếc, các BS khuyên phụ huynh nên theo sát thật kỹ con em mình. Khi tham gia giao thông, phải có những biện pháo bảo vệ như đội nón bảo hiểm, thắt dây an toàn. Đặc biệt khi đến các tụ điểm vui chơi, tránh để trẻ chạy nhảy tự do và chú ý đến xe cộ hai bên đường (nếu có).

Chia sẻ