Bệnh viêm phần phụ, niệu đạo, bàng quang ở chị em

Gia Hân,
Chia sẻ

Cảm giác buồn tiểu liên tục và đau rát khi đi vệ sinh mà chị em thường gặp có thể là biểu hiện của viêm phần phụ, niệu đạo, bàng quang.

Sợ đi vệ sinh

Mấy tháng nay, chị Hoài Minh, 28 tuổi ở Long Biên (Hà Nội) thường xuyên thấy “vùng kín” bị đau, ngứa. Khổ nhất là mỗi lần đi tiểu là chị thấy rất nóng rát. Chị cũng trở nên hay cau có, gắt gỏng và thường tránh “gần gũi” chồng. Những ngày gần đây, bệnh của chị càng nặng hơn, không chỉ có biểu hiện đau buốt khi đi tiểu, ngứa ngáy "vùng kín" mà chị còn hay bị đau thắt bụng dưới. Nhiều khi chị đi tiểu phải ngồi trong nhà vệ sinh một lúc lâu mới ra ngoài được vì đau. Đi khám tiết niệu, bác sỹ cho biết chị bị viêm đường tiết niệu. Tuy nhiên, uống thuốc theo đơn gần tháng, các triệu chứng trên cũng chỉ thuyên giảm phần nào chứ không khỏi. Lần này, chị tới khám cả phụ khoa mới biết ngoài viêm niệu đạo, chị còn bị viêm phần phụ.

Tương tự chị Minh, những ngày gần đây chị Mai Thu ở Hà Đông (Hà Nội) mắc chứng tiểu liên tục. Mới vừa tiểu xong lại mắc tiểu, mỗi lần đi chỉ được ít nhưng rất đau rát, khó chịu, sau đó là cảm giác căng tức vùng bụng dưới. Thậm chí có lần chị còn đi tiểu ra máu. Hoảng hốt trước những biểu hiện bất thường, chị đi khám ngay. Sau khi xét nghiệm nước tiểu và làm một vài xét nghiệm khác, các bác sĩ kết luận chị bị viêm phần phụ, niệu đạo, bàng quang - một trong những bệnh nhiễm trùng thường gặp ở chị em phụ nữ. May mắn, các bác sỹ cho biết bệnh của chị vẫn dễ dàng điều trị.

viêm phần phụ ở phụ nữ
Cảm giác buồn tiểu liên tục và đau rát khi đi vệ sinh mà chị em thường gặp có thể là biểu hiện của viêm phần phụ, niệu đạo, bàng quang. Ảnh minh họa

Chủ yếu do vệ sinh không đúng cách

BS Lê Thị Kim Dung - Trung tâm y tế lao động Thái Hà cho biết, đau buốt khi đi tiểu là hiện tượng tương đối phổ biến ở cả nam và nữ, nhất là những người đã có quan hệ tình dục. Tuy nhiên, phụ nữ dễ bị viêm bàng quang hơn nam giới vì niệu đạo của phụ nữ (tức ống nối liền giữa bàng quang và lỗ niệu đạo) rất ngắn do đó bàng quang dễ bị nhiễm trùng từ ruột, hậu môn, âm đạo và âm hộ. 

Nguyên nhân gây nhiễm trùng bàng quang có rất nhiều, thông thường nhất là do vi khuẩn di chuyển từ hậu môn sang ống niệu đạo hoặc do một loại vi khuẩn bám trong tử cung xâm lấn ống dẫn tiểu gây nhiễm trùng. Ngoài ra có thể do dùng băng vệ sinh không hợp vệ sinh, môi trường nước nhiễm bẩn, vệ sinh không đúng cách, mặc quần quá chật… Với những người đã quan hệ tình dục thì nguy cơ mắc bệnh càng cao hơn, nhất là việc vệ sinh không tốt trước khi quan hệ tình dục. Khi quan hệ vợ chồng niêm mạc cơ âm đạo bị giãn ra cũng là lúc các vi khuẩn tấn công mạnh vào niệu đạo, cổ tử cung. Nếu không vệ sinh hợp lý có thể dẫn đến viêm nhiễm.

Biểu hiện thường gặp khi chị em bị viêm bàng quang là tiểu rắt, nước tiểu đục, có khi lẫn máu. Có cảm giác nóng rát khi đi tiểu, có khi đau bụng dưới, bộ phận sinh dục và hậu môn. Dịch âm đạo có mủ, nhớt, ngứa. Nếu để kéo dài, bệnh chuyển sang mạn tính dẫn tới việc điều trị khó khăn, tốn kém. Thậm chí còn gây những hệ quả không tốt cho thận của bạn. “Để có những kết luận chính xác về bệnh, khi thấy có những biểu hiện bất thường, chị em nên đi khám phụ khoa ngay để có điều trị kịp thời. Các bác sỹ phụ khoa sẽ kiểm tra kỹ lưỡng, từ đó tìm ra hướng điều trị nhanh chóng và chính xác. Để bảo vệ chăm sóc sức khỏe tốt nhất chị em nên giữ vệ sinh sạch sẽ, nhất là sau khi quan hệ, đồng thời không quên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần” – BS Dung khuyên.

Theo các chuyên gia, với những đối tượng hay bị viêm bàng quang cần tránh mặc quần áo quá chật làm mầm bệnh dễ lây lan. Mặc quần bằng vải cotton thay vì jean chật và quần lót chật. Hàng ngày cần uống 1,5 - 2 lít nước. Uống đủ lượng nước này giúp cơ thể bài tiết tốt tránh nước tiểu ứ đọng ở bàng quang đồng thời nước tiểu là biện pháp đẩy vi khuẩn ra ngoài hạn chế được viêm nhiễm. Nguy cơ bị viêm bàng quang sẽ tăng lên vào mùa hè vì do tiết mồ hôi nhiều thì đi tiểu sẽ ít đi. Mọi người cũng cần tránh nhịn đi tiểu vì sẽ làm ứ đọng nước tiểu ở bàng quang…
Chia sẻ