Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm chiếm tới trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc.

Việt Nam đang phải giải quyết gánh nặng bệnh tật kép gồm bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm (KLN) trong đó các bệnh KLN đang gia tăng ngày càng trầm trọng, đặc biệt là các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. Gánh nặng của các bệnh KLN chiếm tới trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm


Các bệnh KLN là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Ước tính năm 2012 cả nước có 520.000 ca tử vong các loại trong đó 379.600 (73%) ca tử vong là do các bệnh KLN, tức là cứ 10 người chết thì có 7 người chết do các bệnh KLN chủ yếu là các bệnh tim mạch (33%), ung thư (18%), đái tháo đường (3%) và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (7%). Số người mắc bệnh KLN trong cộng đồng hiện nay rất lớn. 

Hiện tại nước ta có khoảng 12,5 triệu người mắc tăng huyết áp, 2,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, trên 2 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản và mỗi năm có khoảng 125.000 người mắc mới ung thư. Bên cạnh đó, các bệnh KLN gây tàn phế nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị, theo dõi, chăm sóc lâu dài.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh KLN trong cộng đồng cũng đang ở mức cao và gia tăng. Hiện có khoảng 16 triệu người hút thuốc, cứ trong 4 nam giới có uống rượu bia thì có 1 người uống quá nhiều tức là uống trên 60g rượu nguyên chất/ngày, khoảng 80% người trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây và 29% người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực. 

Thừa cân béo phì, tăng đường máu và rối loạn mỡ máu cũng là những yếu tố nguy cơ chưa được kiểm soát hiệu quả. Ước tính khoảng 7 triệu người đang bị thừa cân béo phì, gần 1/3 số người trưởng thành bị tăng cholesterol máu, trong khi đó tỷ lệ người 30-69 tuổi bị tiền đái tháo đường chiếm gần 13%.

bệnh không lây nhiễm: nguyên nhân gây tử vong ở VN
Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm chiếm tới trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc. Ảnh minh họa

4 cấp độ dự phòng bệnh không lây nhiễm hiệu quả 


Dự phòng cấp 0 - Can thiệp môi trường tác động vào yếu tố kinh tế, xã hội (toàn cầu hóa, đô thị hóa, già hóa... ) thông qua chính sách vĩ mô, luật, môi trường hỗ trợ... để ngăn ngừa sự phát sinh các yếu tố nguy cơ; 

Dự phòng cấp 1- Can thiệp thay đổi hành vi cho những người có hành vi nguy cơ hút thuốc, lạm dụng rượu bia, có chế độ ăn không hợp lý, ít vận động thông qua hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, cải thiện môi trường...

Dự phòng cấp 2 - Quản lý, tư vấn và dự phòng cho người thừa cân béo phì, tăng huyết áp, tăng glucose máu và lipid máu để hạn chế chuyển thành bệnh;

Dự phòng cấp 3 - Can thiệp đối với người mắc bệnh bao gồm việc chẩn đoán điều trị tại bệnh viện (thể bệnh nặng, giai đoạn cấp tính hoặc có biến chứng) và điều trị, quản lý, chăm sóc liên tục và lâu dài (chủ yếu ở tuyến y tế cơ sở). 

Những khó khăn, bất cập trong phòng chống bệnh không lây nhiễm


Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, công tác phòng chống bệnh KLN tại y tế cơ sở vẫn còn một số khó khăn, bất cập:

Các bệnh KLN là bệnh mãn tính, một khi mắc bệnh cần phải được quản lý, điều trị liên tục và lâu dài. Hiện tại, các dịch vụ y tế ở y tế cơ sở mới phù hợp để giải quyết các bệnh cấp tính, bệnh truyền nhiễm. Việc cung ứng dịch vụ bệnh KLN còn hạn chế, đặc biệt là y tế xã chưa triển khai đồng bộ các dịch vụ quản lý và chăm sóc lâu dài - là yêu cầu đặc biệt quan trọng đối với bệnh KLN (quản lý, theo dõi, chăm sóc, phục hồi chức năng tại cộng đồng). 

Nguồn nhân lực tại tuyến huyện và xã còn chưa đáp ứng được nhu cầu, cán bộ kiêm nhiệm/chuyên trách còn thiếu và không ổn định. Ngoại trừ tại các vùng dự án, còn lại cán bộ y tế ở đa số các cơ sở y tế tuyến huyện, xã thiếu tài liệu hướng dẫn, thiếu đào tạo tập huấn về kiến thức chuyên môn trong phát hiện, tư vấn, dự phòng, quản lý bệnh KLN. 

Cơ chế tài chính (Bảo hiểm y tế) chưa khuyến khích việc phát hiện, tư vấn, quản lý bệnh KLN tại tuyến xã, đặc biệt là cơ chế tài chính bảo đảm việc quản lý bệnh liên tục và lâu dài. Chương trình mục tiêu quốc gia cho các dự án bệnh KLN bị cắt giảm kinh phí qua các năm (năm 2014 và 2015 bị cắt giảm 50 -70%). Hiện nay Bộ Y tế mới đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng trên cơ sở các khoản đóng góp bắt buộc từ các hoạt động kinh doanh thuốc lá, rượu bia để đầu tư cho hoạt động. 

Với mục đích tăng cường y tế cơ sở để thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu trong giám sát, dự phòng, phát hiện sớm và quản lý, điều trị bệnh KLN liên tục và lâu dài theo chức năng nhiệm vụ, trong thời gian tới, y tế cơ sở cần tập trung vào những nội dung sau:

  - Triển khai các chương trình phòng chống yếu tố nguy cơ, xây dựng cộng đồng/nơi làm việc vì sức khỏe, cung cấp các dịch vụ tư vấn cai nghiện thuốc lá, giảm tác hại rượu bia, hướng dẫn, giáo dục về dinh dưỡng, vận động. 

 - Phát hiện sớm, tư vấn và dự phòng cho người nguy cơ cao, người tiền bệnh. 

 - Tiêm vắc xin dự phòng một số ung thư như tiêm phòng viêm gan.

 - Phát hiện sớm một số bệnh KLN đồng thời cung cấp các dịch vụ quản lý, chăm sóc liên tục và lâu dài cho người bệnh bao gồm điều trị, quản lý theo chỉ định tuyến trên và thực hiện tự quản lý điều trị đối với một số bệnh KLN ở những cơ sở đủ điều kiện. 
Chia sẻ