Bé trai bị lở loét người, nhiễm độc da do mẹ tắm lá thuốc nam trị thủy đậu

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Khi thấy con bị thủy đậu nhiều bà mẹ trẻ ở quê được nhiều người mách cho phương pháp chữa thủy đậu bằng các loại nước lá thuốc nam làm se mụn nhanh khỏi.

Tuy nhiên, việc làm này của các mẹ theo các chuyên gia y tế rất nguy hiểm có gây nhiễm độc cho da và các biến chứng khác.

Nhiễm độc da do tắm nước lá nam

Theo thông tin từ Bệnh viện nhi Trung ương, bệnh nhi N.T.Đ (4 tháng tuổi, Phúc Thọ) được chuyển đến khoa Truyền nhiễm bệnh viện ngày 23/03 trong tình trạng nhiễm trùng - nhiễm độc da rất nặng, cơ thể lở loét, các nốt phát ban chảy nước, bốc mùi hôi tanh, cháu khóc liên tục do tổn thương vùng miệng khiến bé không thể bú mẹ. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ khám kết luận cháu bị nhiễm độc da - thủy đậu.

Bé trai bị lở loét người, nhiễm độc da do mẹ tắm lá thuốc nam trị thủy đậu - Ảnh 1.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng da lở loét do tắm lá nam. (Ảnh: Nguồn Bệnh viện)

Được biết, trước đó bé trai Nguyễn Trung Đức nổi các nốt thủy đậu được 4 hôm. Muốn con nhanh khỏi, mẹ bé tắm cho con bằng lá thuốc nam. Chỉ 2 ngày sau, các nốt phát ban trên cơ thể bé bắt đầu phồng rộp, lở loét.

Sau khi nhập viện, bé Đức được các bác sĩ thăm khám và điều trị trong phòng cách ly vô trùng. Đều đặn mỗi ngày một lần, các cán bộ điều dưỡng chuyên khoa đã tiến hành tiêm kháng sinh, vệ sinh da cho cháu bằng nước muối sinh lý ấm, bôi thuốc chống nhiễm khuẩn và làm lành tổn thương. Chỉ một ngày sau, các tổn thương trên da của bé đã bắt đầu se lại. Đến nay, sau 5 ngày nhập viện, vết thương toàn thân của trẻ đã khô và bắt đầu bong vảy, bé bú tốt, ngủ ngoan.

Thạc sĩ-bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện nay, nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn giữ thói quen dùng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc để tự chữa bệnh ngoài da cho trẻ. Chuyện gia đình tắm cho trẻ bằng nước lá cây khi trẻ bị thủy đậu, gây ra tình trạng nhiễm độc da toàn thân như trường hợp bé Đức kể trên rất thường gặp tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ban đầu, cháu bé chỉ bị thủy đậu, là một bệnh nhiễm virus gây tổn thương da mức độ vừa phải song gia đình không dùng thuốc điều trị mà tự xử trí không đúng cách, khiến các tổn thương trên da trở nên trầm trọng hơn.

Bệnh thủy đậu bệnh lành tính có biến chứng nguy hiểm

Bệnh thủy đậu do một loại siêu vi mang tên varicella zoster virus gây nên, rất dễ lây truyền. Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em, nhưng người lớn cũng có khả năng mắc bệnh.

Thủy đậu sẽ xuất hiện 10-14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Khởi phát bệnh thường đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước ở vùng đầu mặt, chi và thân. Mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12-14h, có thể nổi toàn thân, có kích thước từ 1-3 mm đường kính, chứa dịch trong. Những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn sẽ có màu đục do chứa mủ.

Trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Bệnh sẽ kéo dài từ 7-10 ngày. Nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo.

Mặc dù là bệnh lành tính nhưng bệnh thủy đậu vẫn có thể gây ra biến chứng tại các nốt đậu mọc. Những người bị biến chứng này nếu không chữa trị kịp thời, tổn thương sẽ ăn sâu, lan rộng nên cho dù được chữa khỏi vẫn có thể để lại nốt sẹo rỗ gây mất thẩm mỹ, nặng hơn còn dẫn đến viêm mô tế bào, nhiễm trùng máu. Ngoài ra, người mắc bệnh thủy đậu còn có thể bị biến chứng viêm phổi, viêm não...

Bé trai bị lở loét người, nhiễm độc da do mẹ tắm lá thuốc nam trị thủy đậu - Ảnh 2.

Các vết lở loét đã khô sau 5 ngày bệnh nhân được chăm sóc, điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: Nguồn Bệnh viện)

Phòng thủy đậu bằng cách nào?

Theo các bác sĩ, cách chăm sóc da tốt nhất cho trẻ bị thủy đậu là: Tắm rửa sạch sẽ cho bé, bôi sát trùng, không được cậy vỡ các nốt trên da vì dưới nền các mụn nước, lớp da mới chưa đầy đủ chức năng ngăn chặn nhiễm khuẩn.

Đặc biệt không được sử dụng các bài thuốc lá dân gian cần thận trọng bởi cơ địa mỗi người khác nhau, không nên truyền tai các bài thuốc chữa bệnh. Vì thế, việc tắm lá cho trẻ nhỏ cũng như việc uống thuốc chỉ được dùng khi có bệnh và phải theo chỉ định của bác sĩ. Tùy từng cơ địa của trẻ mà có thể tắm các loại lá khác nhau. Ngay cả lá bàng, lá chè xanh mà các bậc cha mẹ hay tắm cho trẻ cũng không hề tốt, có thể khiến trẻ mắc bệnh. Vì trong hai loại lá này có chất ta nanh (chất chát) dễ làm cho da trẻ nhỏ bị tổn thương.

Bé trai bị lở loét người, nhiễm độc da do mẹ tắm lá thuốc nam trị thủy đậu - Ảnh 3.

Cách chăm sóc da tốt nhất cho trẻ bị thủy đậu là tắm rửa sạch sẽ cho bé, bôi sát trùng, không được cậy vỡ các nốt trên da.

Dùng thuốc hạ nhiệt khi trẻ sốt, ăn uống đủ chất, tăng cường sức đề kháng hạn chế biến chứng. Ăn nhiều bữa, đồ lỏng, tăng thành phần dinh dưỡng, chống lại bệnh tật, cho bệnh nhân nghỉ ngơi tại giường, hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại. Hạ sốt bằng paracetamol, không dùng aspirin.

Nếu thấy nốt phỏng dạng nước đục chứ không có màu trong có nghĩa là có bội nhiễm vi khuẩn hoặc thấy trẻ ho, sốt tăng trở lại mệt hơn, đau đầu, nôn, trẻ chậm chạp hơn… thì cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện. Rất có thể trẻ đã bị một trong các biến chứng hay gặp như viêm da, viêm phổi, viêm não-màng não.

Tiêm phòng vắc-xin thủy đậu là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Vắc-xin được tiêm lúc trẻ được một tuổi trở lên.

Chia sẻ