Bé trai 2 tuổi bị "bỏ quên" mảnh kim loại trong thực quản: Lời cảnh báo của bác sĩ tới các gia đình có con nhỏ

M.T,
Chia sẻ

Thấy con ho, khò khè ngày càng nặng lên, đưa đi khám và chụp X-quang mới "tá hỏa" khi nghe bác sĩ thông báo phát hiện có dị vật trong thực quản.

Ca bệnh đặc biệt về học dị vật

Thông tin từ Bác sĩ Nguyễn Minh Khôi - khoa Ngoại tổng hợp, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết trường hợp bệnh nhi cháu Nguyễn T.N (2 tuổi, ở Thanh Hóa) nhập viện ngày 30/4, do bị ho tái diễn. Chụp X-quang ngực phát hiện dị vật cản quang dạng vòng ở vị trí tương ứng với nền cổ. Chụp cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh dị vật kim loại nằm trong trung thất trên, có ổ dịch khí xung quanh. Tuy nhiên, khi khai thác tiền sử gia đình không hề hay biết cháu đã nuốt phải dị vật gì và khi nào.

Theo gia đình bệnh nhân vài tháng trở lại đây, thấy con hay bị ho, khò khè, sặc sau ăn, thỉnh thoảng lại mua thuốc ho, thậm chí là kháng sinh về cho con uống nhưng không đỡ. Thấy con ho, khò khè ngày càng nặng lên, gia đình đưa đi khám và chụp X-quang mới "tá hỏa" khi nghe bác sĩ thông báo phát hiện có dị vật trong thực quản của cháu.

Bé trai 2 tuổi bị bỏ quên mảnh kim loại trong thực quản: Lời cảnh báo của bác sĩ tới các gia đình có con nhỏ - Ảnh 1.

Hình ảnh phim chụp X-quang có và dị vật có cạnh sắc gỉ sét sau khi được các bác sĩ lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhi.

"Thông thường, dị vật có thể lấy được bằng phương pháp nội soi qua đường tự nhiên. Tuy nhiên điều đặc biệt của trường hợp này là khi nội soi hô hấp và tiêu hóa tìm dị vật lại không phát hiện dị vật trong lòng khí quản hay thực quản mà chỉ có dấu hiệu nghi ngờ với vết loét trợt tại thành trước thực quản" – BS Khôi cho hay.

Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ nhận thấy đây là ca bệnh đặc biệt, do mảnh kim loại có hiện tượng xâm thực vào thành thực quản và thoát ra gây áp-xe trung thất, không quan sát và lấy được qua soi tiêu hóa và hô hấp thông thường nên phẫu thuật mở tại chỗ là lựa chọn duy nhất.

TS.BS Tô Mạnh Tuân - Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp chia sẻ: "Ngày 3/5, bệnh nhi được tiến hành phẫu thuật với vết rạch ngang vùng cổ trước. Do vị trí dị vật nằm sát sau tuyến giáp, dây thần kinh thanh quản quặt ngược và các mạch máu lớn vùng cổ nên nguy cơ tai biến trong mổ rất cao".

Trong mổ phát hiện khối áp-xe trung thất trên nằm giữa khí quản và thực quản, kèm theo tổn thương thành thực quản. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu tích vào ổ áp-xe, lấy được dị vật kim loại dạng vòng, đường kính 18mm, dày 0.5mm, có cạnh sắc.

Sau ca phẫu thuật kéo dài 3 tiếng, trẻ được thở máy, dùng kháng sinh liều cao, chống phù nề. Sau 18 ngày điều trị, hiện trẻ đã ổn định, ăn uống tốt, được ra viện.

Bé trai 2 tuổi bị bỏ quên mảnh kim loại trong thực quản: Lời cảnh báo của bác sĩ tới các gia đình có con nhỏ - Ảnh 2.

Bệnh nhân phục hồi sau phẫu thuật tại bệnh viện.

Hóc dị vật rất nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời

Bác sĩ Khôi cho biết, hóc dị vật là tai nạn rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Dị vật có thể gặp ở đường tiêu hóa, gây tắc ruột, thủng ruột (đặc biệt với dạng dị vật có từ tính); hoặc đường hô hấp gây suy thở cấp dẫn tới tử vong. Dù đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông nhưng những trường hợp trẻ bị hóc, nuốt dị vật nguy hiểm đến tính mạng vẫn thường xảy ra.

Bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh và các cô giáo trông trẻ cần đặc biệt chú ý không nên cho trẻ cầm các loại đồ chơi, các vật nhỏ trẻ có thể bỏ vào miệng. Khu vực chơi của bé trong nhà phải sạch sẽ, không nên có các vật như: Viên bi, pin, đinh, ngòi bút, lò xo… 

Nếu thấy trẻ ngậm vào miệng các vật nhỏ có thể gây hóc cần nhẹ nhàng dỗ cho trẻ tự nhè ra; không cho tay móc miệng làm trẻ sợ, khóc vì như vậy trẻ dễ nuốt dị vật vào đường ăn hoặc hít vào đường thở.

Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây hóc, không nên hoảng hốt, la hét vì như vậy sẽ khiến trẻ sợ hãi và dễ bị hóc hơn. Khi trẻ đang khóc hoặc cười lớn thì không nên đút thức ăn, hoặc cho uống thuốc, tuyệt đối không để trẻ vừa ăn vừa chơi…

Thậm chí, trong nhà hoặc phòng của bé chơi phải sạch sẽ, không có các vật như: Viên bi, pin, kèn, ngòi bút, lò xo... Nếu thấy trẻ ngậm vào miệng các vật nhỏ có thể gây hóc thì phải nhẹ nhàng, dỗ cho trẻ tự nhè ra; không cho tay móc miệng làm cho trẻ sợ, khóc, dễ nuốt dị vật vào đường ăn hoặc hít vào đường thở.

Chia sẻ