Bé gái 4 tháng tuổi ở Đắk Lắk nghi mắc chứng đầu nhỏ trong hoàn cảnh nào?

Theo Báo Gia đình và Xã hội,
Chia sẻ

Khi mới sinh ra, bé gái này có vòng đầu nhỏ hơn hẳn trẻ em bình thường. Bé và mẹ từng nhiễm virus Zika.

Hai mẹ con bé gái này hiện sinh sống ở huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. Đây là địa bàn có sự lưu hành và diễn biến của dịch sốt xuất huyết rất phức tạp thời gian qua.

Khi sinh bé cách đây 4 tháng, gia đình và bệnh viện cho rằng bé bị dị tật bẩm sinh, với vòng đầu nhỏ hơn hẳn trẻ em bình thường, gương mặt cũng có những đặc điểm điển hình của trẻ mắc chứng đầu nhỏ.


Bé có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ. Ảnh: NLĐ
Bé có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ. Ảnh: NLĐ

5 lần xét nghiệm bằng hai phương pháp trong thời gian cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua cho biết người mẹ 23 tuổi và con gái 4 tháng tuổi đã từng nhiễm virus Zika.

Bé có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ. Hiện Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã tiến hành điều tra, lấy mẫu máu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm virus Zika, hiện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang phối hợp với phòng xét nghiệm của đại học Nagasaki Nhật Bản tiến hành các xét nghiệm virus học.

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, điều tra tiền sử cho thấy thời gian mẹ bé mang thai ở tháng thứ 3 và thứ 6 có sốt và phát ban, khu vực gia đình sinh sống có dịch sốt xuất huyết diễn biến nghiêm trọng.

Toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận trên 10.200 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trên địa bàn huyện Krông Búk có 299 ca bệnh sốt xuất huyết tại 7/7 xã với 20 ổ dịch; tăng gấp 4 lần so với cùng thời điểm năm 2015.

Hiện Bộ Y tế đang tiến hành xét nghiệm lần thứ 2 để có thể khẳng định ca bệnh này. Nếu kết quả tương tự lần thứ nhất, đây sẽ là ca bệnh đầu nhỏ liên quan virus Zika đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam.

Bộ Y tế cho biết, chứng đầu nhỏ có thể ghi nhận tại 1-10% trẻ được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu thời kỳ thai nghén, nên có thể tại Việt Nam sẽ có trường hợp dị tật bẩm sinh chứng đầu nhỏ do virus Zika.

Hiện Thái Lan cũng đã ghi nhận 2 trường hợp đầu nhỏ có liên quan với virus Zika.

Tuy vậy chứng đầu nhỏ còn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như nhiễm virus (Rubella…), vi khuẩn (Giang mai…), ký sinh trùng (Toxoplasma…), nhiễm độc, suy dinh dưỡng, yếu tố di truyền.

Trước đó, WHO cũng đã khẳng định có mối liên quan giữa virus Zika với chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và Hội chứng viêm đa rễ đây thần kinh. Tuy nhiên, không phải tất cả các bà mẹ mang thai bị nhiễm virus Zika đều sinh ra trẻ bị mắc chứng đầu nhỏ.

Để xác định nguyên nhân, nhiều cơ quan thuộc Bộ Y tế thành lập đoàn điều tra, xem xét, khám lâm sàng cụ thể. Tiếp tục lấy mẫu để phối hợp với phòng xét nghiệm Đại học Nagasaki Nhật Bản xét nghiệm khẳng định.

Chia sẻ