Bé 4 tháng tuổi tử vong do bị hăm tã và đây là cách xử lý khi trẻ bị hăm

Hòa Nguyễn,
Chia sẻ

Trẻ nhỏ cần được thay tã thường xuyên để phòng bị hăm tã bởi nếu để lâu sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng như cái chết thương tâm của bé 4 tháng tuổi trong câu chuyện dưới đây là một ví dụ.

Ai cũng biết trẻ nhỏ cần được thay tã thường xuyên bởi hệ miễn dịch của các bé vẫn chưa phát triển đầy đủ để bảo vệ cơ thể nếu như bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, hăm tã là một tình trạng rất phổ biến mà hầu như bé nào cũng gặp phải, do vậy cần có biện pháp xử lí nhanh chóng và phù hợp để đề phòng tình hình trở nặng.

Bé 4 tháng tuổi tử vong do bị hăm tã và đây là cách xử lý khi trẻ bị hăm - Ảnh 1.

Cô bé Koehn đã bị cha mẹ bỏ mặc với một chiếc tã trong khoảng 9 - 14 ngày liền mà không được thay rửa.

Mới đây, người dân khắp nước Mĩ bàng hoàng, chấn động trước thông tin em bé 4 tháng tuổi tên là Koehn tại bang Iowa tử vong vô cùng oan ức do bố mẹ thờ ơ. Koehn được phát hiện vào ngày 20/8/2017 và xác định đã tử vong do bị hăm tã vì bố mẹ không thay bỉm cho em 2 tuần liền. 

Theo báo cáo, chiếc bỉm đầy phân và nước tiểu khiến em bị nhiễm trùng giòi, dẫn đến nhiễm khuẩn E.coli. Dù đây là một trường hợp cá biệt do sự thiếu quan tâm, chăm sóc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, song không thể phủ nhận hăm tã là tình trạng cha mẹ không thể coi thường.

Nguyên nhân gây hăm tã ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Các bé trong độ tuổi từ 0 đến 15 tháng tuổi rất dễ bị hăm tã, trong đó giai đoạn từ 9 đến 12 tháng là có nguy cơ cao nhất. Yếu tố quan trọng nhất giúp ngăn ngừa hăm tã ở trẻ nhỏ đó là giữ cho phần dưới của bé luôn khô ráo.

Các nguyên nhân gây hăm tã có thể kể đến như:
1. Bé lâu được thay tã, nguy cơ đặc biệt tăng cao khi bị tiêu chảy.
2. Phân thay đổi do bé mới tập ăn đồ ăn cứng.
3. Mới đổi hãng bỉm, giấy ướt để chùi, dầu bôi, bột giặt quần áo.
4. Thức ăn mà mẹ ăn khi cho con bú.
5. Da nhạy cảm.
6. Tã, quần hoặc bỉm quá chật gây cọ xát vào da.

Cách xử lý khi trẻ bị hăm tã

Bé 4 tháng tuổi tử vong do bị hăm tã và đây là cách xử lý khi trẻ bị hăm - Ảnh 2.

Giữ cho bé luôn khô ráo, thoáng sạch là cách hiệu quả nhất để phòng hăm tã (Ảnh minh họa).

Đừng quá lo lắng nếu bé bị hăm tã, hãy làm theo hướng dẫn đơn giản mà hiệu quả sau đây: 

Đầu tiên, hãy rửa cho bé thật nhẹ nhàng bằng nước ấm, sau đó vỗ nhẹ cho khô (không nên chà xát bằng khăn vì làn da bị dị ứng do hăm rất nhạy cảm nên dễ gây rát da). 

Tiếp theo, khi da bé đã khô tiếp tục bôi kem trị hăm cho bé, đặc biệt chú ý vùng bẹn và các khe, kẽ. Không nên dùng phấn rôm.

Đừng quên thường xuyên thay bỉm cho bé và đảm bảo bé luôn khô ráo, thoáng sạch. Như vậy, sẽ giúp bé thoải mái suốt ngày mà không quấy khóc vì khó chịu do bị hăm.

Nguồn: Mirror, Washington Post

Chia sẻ