Bật mí thực đơn ăn dặm “cực đỉnh” cho con

Mẹ ChitCop,
Chia sẻ

Thực đơn này do mẹ ChitCop chia sẻ. Cả Chit và Cọp đều rất hào hứng với mỗi bữa ăn do mẹ chế biến cho dù là đang ốm hay mệt đấy.

Hẳn mẹ nào cũng biết bé yêu nên tập ăn dặm khi 6 tháng tuổi và nguyên tắc tập ăn dặm của các bé luôn luôn bắt đầu từ ngọt đến mặn, từ mịn đến thô. Tuy nhiên không phải mẹ nào cũng suôn sẻ trong chặng đường cùng bé yêu tập ăn dặm vì rất nhiều bé không chịu hợp tác, vì thế việc chế biến bữa ăn cho bé thế nào vừa ngon miệng để bé ăn được nhiều lại vừa đủ dưỡng chất luôn được các mẹ quan tâm hàng đầu.

Một số mẹ thường chế biến bữa bột mặn cho con rất cầu kỳ: nêm nếm gia vị vừa miệng, phi thơm hành... và thường xào thức ăn trước khi trộn vào bột hay cháo của con với niềm tin chế biến cẩn thận thức ăn sẽ ngon hơn và bé yêu sẽ ăn được nhiều hơn. Các mẹ không biết rằng mình đã vô tình làm giảm giá trị dinh dưỡng bữa ăn của con. Đối với các bé đang tuổi ăn dặm, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên các mẹ không nên sử dụng dầu, mỡ đã qua chế biến (chiên, xào) và không nên nêm muối vào đồ ăn của bé. Cách chế biến cầu kỳ như trên có thể giúp tăng vị giác nhưng không hề tốt cho hệ tiêu hóa còn non nớt cũng như quả thận bé nhỏ của các bé. Thay vì dùng các gia vị như muối hay đường... các mẹ có thể sử dụng 1 viên phô mai, các loại nước ép từ rau củ như nước ép cà rốt, sữa ngô non... để giúp món ăn của bé đậm đà hơn. Cách nấu cho các bé tập ăn dặm cũng chỉ nên đơn giản là ninh, hấp, luộc chín thức ăn để giúp bé dễ tiêu hóa và giữ lại nhiều nhất chất dinh dưỡng của thực phẩm.

Mẹ ChitCop xin chia sẻ với các mẹ một số cách chế biến bữa ăn dặm cho bé hết sức đơn giản mà vẫn ngon miệng và đầy đủ dinh dưỡng để các mẹ tham khảo (trộm vía cả Chit và Cọp nhà mình đều không chê bữa ăn dặm nào của mẹ kể cả khi các con ốm mệt).

Mình thường ninh một nồi cháo trắng đủ cho con ăn cả ngày và chế biến riêng thức ăn chứ không cho thức ăn vào ninh cùng cháo để dễ đổi món từng bữa cho con. Một số món tiêu biểu sau mình hay chế biến cho Chit và Cọp. Các mẹ tham khảo nhé:

1. Cháo tôm, rau cải ngọt

Món bột, cháo này luôn được các bé nhà mình hào hứng chào đón, rất chi là hợp tác với mẹ... Bé há miệng, đến kềnh bụng vẫn há khiến mẹ rất phấn khởi. Cách nấu thì cũng vô cùng đơn giản. Các mẹ có thể lựa tôm đồng hoặc tôm biển đều được nhé, miễn là tôm còn tươi.

Nguyên liệu:

- 100g tôm tươi, sau khi bóc bỏ đầu và vỏ tôm chỉ còn lại khoảng 40g thịt tôm là đủ một bữa của bé. Nhà mình thường dùng tôm sú, chỉ khoảng 2 “em” tôm là đủ.

- Vài lá cải ngọt, chỉ khoảng 3-5 lá cải non là vừa đủ.

- 01 bát cháo trắng đủ 1 bữa của bé đã nấu chín.

Chế biến:

Tôm rửa sạch, nhặt bỏ đầu, vỏ, rút bỏ chỉ phân rồi xay nhuyễn hoặc băm nhỏ (nếu bé bạo nuốt).

Phần đầu tôm rửa sạch, giã nhỏ lọc lấy một bát con nước.

Cải ngọt rửa sạch xay cùng tôm hoặc thái nhỏ.

Cho nước lọc tôm, thịt tôm và rau cải vào nồi đun sôi khoảng 5 phút, sau đó cho cháo vào đảo đều cho sôi trở lại là mẹ đã xong một bữa cháo tôm rau cải thơm ngon cho bé.

Nước lọc đầu tôm và thịt tôm nấu với rau cải rất hợp nên rất ngọt các mẹ ạ, vì vậy mẹ không cần nêm thêm gia vị gì vào cháo của bé nữa nhé.

2. Cháo thịt bò, cà rốt, rau dền, phô mai

Với món cháo thịt bò các bé thường không hào hứng vì cháo thịt bò không được ngọt như khi ninh xương hay tôm, cá... Nhưng thịt bò lại rất giàu sắt vì thế mỗi tuần các mẹ nên cho bé ăn ít nhất là hai bữa cháo thịt bò nhé. Nhà mình thì hay nấu cháo thịt bò với rau dền đỏ cùng nước ép cà rốt và thường cho thêm 1 viên phô mai để bát cháo đậm đà hơn.

Nguyên liệu:

- 40g thịt bò thăn

- 3-5 ngọn rau dền đỏ

- 1/3 củ cà rốt nhỏ (cỡ 3 đầu ngón tay)

- 01 viên phô mai, các mẹ có thể sử dụng phô mai Con Bò Cười hoặc các loại phô mai nhập khẩu đều được nhé.

- 01 bát cháo trắng đủ 1 bữa ăn của bé đã nấu chín.

Chế biến:

Thịt bò rửa sạch xay nhuyễn hoặc băm nhỏ.

Rau dền rửa sạch cho xay cùng thịt bò hoặc thái thật nhỏ.

Cà rốt gọt vỏ rửa sạch, thái mỏng nghiền lấy 1 bát con nước.

Cho nước ép cà rốt, thịt bò và rau dền vào nồi đun sôi khoảng 5 phút, sau đó cho phô mai và cháo vào đảo đều cho sôi trở lại.

Cháo thịt bò, cà rốt, rau dền và phô mai rất giàu sắt, lại bổ sung thêm canxi cho bé mà không hề "nhạt" một tí ti nào cả nên mẹ có thể yên tâm là bé yêu không từ chối đâu.

3. Cháo ngao rau mồng tơi

Để bổ sung kẽm cho con, thỉnh thoảng mình mua thêm cua bể, ghẹ... nhưng thường xuyên nhất là ngao vì lý do kinh tế và dễ chế biến.

Nguyên liệu:

- 300g ngao sống.

- 3-5 lá mồng tơi

- 01 bát cháo trắng đủ 1 bữa ăn của bé.

Chế biến:

Ngao rửa thật sạch luộc sơ cho há miệng, nhặt ruột bỏ vỏ. Lọc lấy 1 bát con nước luộc ngao trong. Ruột ngao làm sạch phân rồi băm nhỏ.

Rau mồng tơi rửa sạch thái nhỏ.

Cho rau mồng tơi vào nước luộc ngao đun sôi khoảng 3 phút, sau đó cho ruột ngao và cháo vào đảo đều cho sôi trở lại.

Cháo ngao rau mồng tơi rất đơn giản, dễ làm nhưng rất giàu kẽm và rất hiệu quả với các bé táo bón các mẹ nhé.

4. Cháo chay thập cẩm

Một món cháo mà thỉnh thoảng mẹ ChitCop xen bữa cho con vào những hôm cho con ăn những bữa cháo giàu đạm như cháo sườn, cháo tim hoặc cháo lươn...  đó chính là món cháo chay thập cẩm. Món cháo này các mẹ có thể tùy cơ ứng biến với các loại rau củ có trong tủ lạnh nhà mình.

Nguyên liệu:

- 50g ngô non

- 1 miếng bí đỏ nhỏ cỡ đầu ngón tay cái

- 10-12 ngọn rau mầm hay 1  nhánh súp lơ xanh nhỏ cỡ đầu ngón tay cái, có thể thay thế bằng rau ngót, rau cải xanh...

- 01 bát cháo đậu xanh đủ 1 bữa ăn của bé.

(Nhà mình thường ninh 100g đậu xanh tách vỏ cùng cháo luôn để có món cháo đậu xanh cho bé ăn cả ngày)

Chế biến:

Ngô non rửa sạch xay mịn lọc lấy 1 bát con nước sữa ngô non.

Rau mầm rửa sạch thái nhỏ.

Bí đỏ làm sạch luộc chín rồi nghiền nát.

Đun sôi sữa ngô non, cho rau mầm vào đun sôi khoảng 3 phút sau đó cho bí đỏ đã nghiền và cháo đậu xanh vào đảo đều cho sôi trở lại.

Món cháo chay thập cẩm này có vị ngọt mát rất dễ ăn và giúp bé dễ tiêu hóa nữa.

Chia sẻ