Bát mì để lại nhiều thương nhớ mà chỉ người Việt với nhau mới hiểu

Trà My,
Chia sẻ

Nếu phở là hồn cốt của ẩm thực Việt trong mắt người nước ngoài, thì mì gói lại là phạm trù thân thương mà chỉ người Việt với nhau mới hiểu hết được.

Trong một phỏng vấn về sự bành trướng của ẩm thực Việt, Luke Nguyễn - đầu bếp Úc gốc Việt nổi tiếng, đã chia sẻ rằng anh thích canh chua nhất, vì nó có thể biến hóa đa dạng, thể hiện sắc thái phong phú của ẩm thực 3 miền.

Không riêng gì canh chua, ẩm thực Việt có sự linh hoạt lạ thường mỗi khi nó đi qua từng vùng đất, thậm chí là từng gia đình. Tôi thích cái cách mà mỗi người bà, người mẹ sẽ sáng tạo ra những công thức nấu ăn của họ. 

Không có món thịt kho nhà nào là giống nhà nào. Không có món cơm rang nào như cơm rang nào. Tương tự, trong lòng mỗi chúng ta đều có một công thức mì gói thân thương, độc đáo mà chứa đầy những tình cảm cá nhân vụn vặt mà đáng quý.

Bát mì gói ấn tượng nhất trong lòng bạn là gì?  Bát mì để lại nhiều thương nhớ - Ảnh 1.

Bát mì mẹ làm…

Tôi ăn mì gói mẹ nấu trước khi biết lên mạng internet, đọc báo online về những cảnh báo không được ăn mì tôm quá nhiều. Trong mắt những đứa trẻ, bát mì của mẹ là thứ thơm thảo và bổ dưỡng nhất, chứa hết thảy những gì ngon lành có trong nhà.

Ngày ấy, món mì mẹ hay nấu nhất cho tôi là mì gói với trứng trần và rau muống. Mì tuyệt đối không được úp (vị mẹ sợ “sống”, ăn vào sẽ đau bụng). Phải bắt nồi nước sôi sùng sục, đập quả trứng gà ta vào, đợi chục giây rồi mới từ từ cho mì, rau, gia vị vào chung. Mì dọn ra thơm ngào ngạt, hòa cùng trứng lòng đào mịn như lụa, không kém bữa cơm nóng sốt nào.

Nhưng nhớ nhất vẫn là món mì “nước xương”. Vào khoảng cuối những năm 90, tôi còn học cấp 1, cả nhà vẫn sống bằng đồng lương công chức và nửa ký sườn non vẫn còn là một điều xa xỉ, thì mỗi khi bấm bụng mua thứ thịt “quý giá” này, mẹ đều có cách để tận dụng “triệt để”.

Bát mì gói ấn tượng nhất trong lòng bạn là gì?  Bát mì để lại nhiều thương nhớ - Ảnh 2.

Kho hay chiên thì ăn nhoáng một cái là hết. Mẹ tôi thường bắt nồi nước xương, chắc lấy nước ngọt tinh túy từ sườn non. Sườn sau để để nấu canh, còn nồi nước “tinh hoa” kia thì dùng để nấu… mọi thứ: Từ cháo, nước lèo bánh đa cho đến mì. Những ngày tủ lạnh không còn thịt, chỉ cần nấu mì với nước xương, thêm gói gia vị và một quả trứng là quá đủ cho niềm vui con trẻ.

… và bát mì cuộc đời

Những công thức mì gói sáng tạo được nâng lên một tầm cao mới, khi những đứa trẻ bước chân ra khỏi cửa nhà.

Ai từng đi học cũng phải thử qua những món mì gói thời đi học, mà tạm chia ra hai ứng cử viên tiêu biểu cho hai đầu đất nước: mì sinh viên không người lái và mì trộn tóp mỡ. Gọi là mì gói sinh viên vì nó ngon, rẻ, ăn vặt rất “đưa mồm” và đặc biệt phổ biến ở giới học sinh, sinh viên.

Hội sinh viên ở Hà Nội thì thường hay ăn mì úp không người lái. Mì đã có sẵn gói gia vị, chỉ úp 3 phút, trộn gia vị với gói rau khô là có ngay món ăn lót lòng thơm nức. Sau này, giới học sinh còn sáng tạo cho khô bò vào, với niềm tin những món ăn vặt ngon mà kết hợp với nhau thì sẽ… càng ngon hơn nữa!

Khi vào Sài Gòn, tôi lại biết thêm món mì trộn tóp mỡ. Đúng như cái tên, món này chỉ bao gồm mì gói làm chín tới, còn dai dai, trộn với gia vị rồi thêm dăm ba miếng tóp mỡ cùng hành lá vào. Có nơi thì biến tấu thêm tương ớt, tương cà cho đậm vị. Đúng như một người bạn ba đời nhà ở Sài Gòn từng nói, những món ăn vặt “đỉnh cao” của đất này đều không thể thiếu tóp mỡ: Cái món mì gói đơn giản, thêm dăm ba mẩu tóp mỡ giòn giòn vào là thơm nức quyến rũ, đúng hương vị Sài Gòn không lẫn vào đâu được.

Bát mì gói ấn tượng nhất trong lòng bạn là gì?  Bát mì để lại nhiều thương nhớ - Ảnh 3.

Nhưng bát mì tôi nhớ nhất cho đến bây giờ, bát mì mang hương vị cuộc đời sâu sắc nhất, phải là đến khi tôi thực sự rời xa cả gia đình lẫn trường học, tới một xứ sở hoàn toàn xa lạ. Đấy là bát mì của hội… du học sinh. Lúc ấy, mì gói bỗng biến thành một loại cực phẩm. Hội du học sinh ba bữa bảy ngày lại hỏi địa chỉ mua mì Hảo Hảo đúng chuẩn chua cay như ở Việt Nam. Và chưa bao giờ nước mì lại trở nên quý giá đến thế, khi nó nhiều lần được trữ lại và… chan với cơm trong bữa ăn tiếp theo!

Tôi không ăn mì gói nhiều như cơm, nhưng cứ mỗi giai đoạn trong cuộc đời, lại có nhiều hơn một bát mì để lại ấn tượng sâu sắc. Mì ăn liền đã trở thành một biểu tượng văn hóa, khi người ta không nhớ đến nó chỉ vì vị ngon hay dở, mà còn nhớ đến một con người, một tấm lòng, một kỉ niệm, và một thời đã qua.

Chia sẻ