Bảo con vẽ lọ hoa, nhưng khi nhận lại tác phẩm ông bố nhận ra tài năng đặc biệt của con mình

Newben,
Chia sẻ

Nhận bản vẽ của con trai về lọ hoa, ông bố không khỏi trố mắt ngạc nhiên, và sau đó là phá lên cười đầy sảng khoái.

Có một cậu bé nọ được bố yêu cầu vẽ một lọ hoa. Sau vài giờ đồng hồ loay hoay với giấy, bút và lọ hoa trước mặt, cậu bé hào hứng nộp tờ giấy tác phẩm của mình. Nhận bản vẽ của con trai về lọ hoa, ông bố không khỏi trố mắt ngạc nhiên, và sau đó là phá lên cười đầy sảng khoái.

Thay vì là lọ hoa được vẽ bằng nét vẽ nguệch ngoạc của trẻ con, cậu con trai đã vẽ chiếc lọ và những bông hoa thành các hình học ngay ngắn. Cụ thể hơn, lọ hoa được cậu bé vẽ bằng hình thang, bông hoa là những hình tròn to, hình tròn nhỏ, còn lá thì lại là những hình tam giá lớn nhỏ đủ cả. Khỏi phải nói, ông bố sau tràn cười sảng khoái ấy đã phát hiện ra rằng, con trai mình có một tài năng thiên bẩm, và nhiệm vụ của ông chính là kích thích cho tài năng ấy phát triển hơn.

Sau vài buổi nữa, người bố phát hiện con trai rất hứng thú với môn toán học và bắt đầu tập trung dạy cho con các môn hình học, đại số. Chẳng phụ lòng bố, cậu bé ngày càng biểu hiện mình có tài năng thiên bẩm trong lĩnh vực toán học. Cậu bé ấy chính là James Clerk Maxwell, một nhà toán học, vật lý học người Scotland và đây chính là giai thoại nổi tiếng về ông, về cách dạy con đầy tuyệt vời của bố mẹ ông.

Bảo con vẽ lọ hoa, nhưng khi nhận lại tác phẩm ông bố nhận ra tài năng đặc biệt của con mình - Ảnh 1.

James Clerk Maxwell. (Ảnh: Internet)

Có thể nói, nếu ngày đó ông John - bố của James - đã la mắng, chỉ trích vì sao con không vẽ bình hoa như thật mà lại vẽ những khối hình học như thế, có lẽ thế giới sẽ chẳng có nhà toán học, vật lý học đại tài như thế. Hầu hết trẻ em khoảng 5 đến 7 tuổi sẽ thể hiện sự yêu thích đặc biệt với một môn học hay lĩnh vực nào đó.

Bé sẽ chỉ muốn tìm hiểu về đề tài, môn học đó mà thôi. Và ở thời điểm này, nếu bố mẹ nắm bắt được để hướng con trẻ đi theo con đường đó thì chắc chắn, con sẽ thành công trong lĩnh vực này.

Song song đó, sự sáng tạo của trẻ là cực kì quan trọng. Với mỗi điều con sáng tạo, dù với người lớn thì có vẻ thật kì quặc, không logic, nhưng đó là suy nghĩ của riêng con. Nếu bố mẹ vội dập tắt thì con sẽ bị mặc định không được tự do suy nghĩ, từ đó không chỉ giảm sự sáng tạo mà thậm chí còn hình thành tính ù lì, lười suy nghĩ, đợi người khác đưa câu trả lời rồi học thuộc lòng. Chắc bố mẹ không muốn con mình như thế, phải không nào?

Bảo con vẽ lọ hoa, nhưng khi nhận lại tác phẩm ông bố nhận ra tài năng đặc biệt của con mình - Ảnh 2.

Sự sáng tạo của trẻ là cực kì quan trọng. (Ảnh: Internet)

Bạn có thể chẳng mong đợi con mình trở thành thiên tài như Maxwell, nhưng hãy giúp con thành công bằng cách kích thích sự sáng tạo trong con, khuyến khích, cổ vũ sự sáng tạo ấy, để ngọn lửa nhiệt huyết ham học hỏi trong con sẽ không bao giờ bị dập tắt, bố mẹ nhé.

(Nguồn: Tổng hợp)

Chia sẻ