Bánh gio giao mùa

,
Chia sẻ

Bánh gio là món quà trưa giản dị, thông thường.

Cứ vào dịp giao mùa thì nó mới xuất hiện đúng vào thời điểm cái bụng ta ngang ngang, không muốn ăn món quà béo hay quá ngọt, không muốn món buốt chân răng hay xuýt xoa vừa ăn vừa thổi…
 
Hầu như khắp miền Bắc, nơi nào cũng có món bành gio. Tuỳ địa phương mà bánh gio có vóc dáng hay hương vị thay đổi đôi chút khác nhau, nhưng tựu trung là giống nhau về cơ bản. Trong cuốn Nữ Công Thắng Lãm, Hải Thượng Lãn Ông đã nói về nó, còn dạy cách cụ thể chế biến nó, như vậy nó là một món ngon có từ lâu.

Làng Đình Bảng Bắc Ninh ngoài món bánh xu xê (còn gọi là bánh phu thê) thì bánh gio cũng là một đặc sản được ưu chuộng và đã khá nổi tiếng lâu nay. Về cách ăn thì người Hà Nội biết cách nâng lên thành món ngon lành quí hiếm.

Bánh gio còn gọi là bánh âm (không hiểu nó có dính dáng gì đến món cháo dương hay bánh dương là món cháo bột ăn với bánh đúc ở các chợ quê không?). Bánh âm ngon, nhưng nếu chuối tiêu mùa hè bị nẫu, dã trong cái ruột, ăn cay cay, gọi là chuối bánh âm, thì đó là món đã hỏng, hoàn toàn khó ăn, khác hẳn thứ chuối tiêu trứng cuốc mùa thu ăn với cốm Vòng.

Bánh giò là thứ quà ngon lúc giao mùa.

Trước hết phải đốt lá tre, lá xoan lấy tro, gạn nước gio trong, ngâm gạo nếp một đêm rồi dùng gạo đó gói bánh (đương nhiên còn thêm một số thành phần và điều kiện khác) nên nó mới mang tên là bánh gio vì thế, không phải vì bánh được vùi trong gio bếp hay lẫn tạp chất của gio than.

Chiếc bánh gio được gói lá chuối, luộc xong, bóc nó ra, ruột bánh mang màu vàng hổ phách, mà vàng long não, trong suốt, không mùi vị, vẫn còn nhìn thấy lơ mơ hình những hạt gạo đã biến hình hài như chưa hoà tan hết vào kiếp khác. Nó là gạo nếp nhưng không phải còn rõ ràng như bánh chưng, mà cũng không là một khối bột chín như ruột bánh xu xê, bánh nếp, bánh giò.

Chiếc bánh gio không to, không đầy, từng đôi buộc chặt với nhau bằng những sợi lạt tước nhỏ, còn óng ánh màu vàng thô lá đã chín kỹ. Bóc mấy đôi như thế đặt vào lòng chiếc đĩa sứ trắng tinh, đĩa to thì dăm chiếc, đĩa nhỏ thì vài chiếc. Tưới nhẹ nhàng lên đĩa bánh thứ mật giọt, mật mía ngọt sắc, thì cái ruột bánh tưởng là không mùi vị kia bỗng có hồn, bỗng như được thổi một làn sinh khí tưng bừng cho cái lưỡi phải đam mê khoái trá.

Người kỹ tính không ăn mật mía mà rắc lên bánh vài thìa đường trắng, để một lúc lâu, đường kính tan ra thành thứ dung dịch như mật ong trong suốt, thấm đẫm vào bánh (có điều kiện thì đặt trong tủ lạnh, ba giờ chiều có một bữa lót dạ buổi trưa tuyệt hảo). Nếu rắc đường mà ăn ngay thì đường lạo xạo trên lưỡi như mảnh thuỷ tinh vụn, mất ngon.

Miếng bánh gio man mát, tê tê, nhờ nhờ đắng, nồng nồng dư vị thoảng qua của tro bếp, của mùi vôi cùng vị ngọt của đường của mật, không vương một chút béo ngấy nào của mỡ, của thịt, lại ăn nó trong không khí giao mùa không nóng, không rét, ăn trong thư thả, vừa ăn vừa ngẫm nghĩ về dã vị đồng quê đọng lại…mới cảm nhận được thứ bánh dân gian mà thanh lịch, ăn ít mà ngon nhiều, ăn chơi mà thú vị. Từ chỗ tưởng không có hương vị gì bỗng ta thấy, ta cảm được chứa chan hương vị xa xôi của một thứ bánh mộc mạc không phải lúc nào cần ăn cũng có ngay, càng không phải là thứ bánh có thể ăn đến no đến chán, càng không thể nhồm nhoàm ăn lấy được, ăn cho bõ. Nó ngọt mà đắng, thanh vẫn nồng, trong suốt mà vẫn đậm đặc, thật ít tiền mà vẫn đáng quí đáng trọng. Ăn xong mấy miếng bánh vẫn cảm thấy thòm thèm, một sự thòm thèm không cho ta dấn thêm nữa để không bao giờ bứ, không bao giờ chán.

Bánh chưng Tết, bánh Trung thu tháng tám, rượu nếp tháng năm, bánh trôi bánh chay tháng ba…mỗi thứ ngon một cách riêng mình. Bánh gio là một hương vị lạ, lạ đến nỗi mỗi năm chưa ăn nó một lần là thắc thỏm nhớ nó, nên không lạ gì Hà Nội, Sài Gòn chẳng thiếu của ngon vật lạ, bánh trái cao cấp từ các nước nhập về… nhưng người ta vẫn hẹn nhau gửi cho nhau mấy cặp bánh gio cho cái lưỡi, cái mắt được dự vào một không gian vừa quen vừa lạ khác ngày thường, đời thường, từ cái màu, cái hương, cái vị đến một động tác nhai nó với cảm giác mới mẻ trong không gian giao mùa đổi thay thời tiết…

Hầu như chợ quê nào cũng có món bánh gio, quẩy toòng teng trên đôi vai cô gái. Dọc đường phố cũng có những cô hàng bán bánh gio rong như thế. Bánh gio cũng không phải là món tráng miệng sau bữa tiệc linh đình. Nó độc lập. Nó riêng biệt vì cá tính riêng. 

 
Theo Nhà văn Băng Sơn
Báo Tổ Quốc
Chia sẻ