Bằng một thái độ, cha mẹ chứ không phải nền giáo dục đã dạy con ham thành tích

Hoàng Anh Tú,
Chia sẻ

Tôi thấy nhiều cha mẹ cho con rất nhiều thứ chỉ không cho con lòng tin. Con làm cái gì cũng nghĩ nó không làm được. Và lao vào làm thay cho nó.

Cứ dịp cuối năm thế này, trên khắp nẻo đường Facebook lại thấy cơ man nào là những hình ảnh bằng khen, bảng điểm được các cha mẹ thi nhau post lên. Thật lòng mà nói, tôi cũng đã từng, một cách rất tự hào, post lên Facebook của mình những thứ đó.

Sau, thấy nó thành phong trào, tôi tự "kiểm duyệt" mình mà không post nữa. Nhưng cũng không vì thế mà lên án những cha mẹ vẫn "mỗi năm hoa phượng nở/ lại thấy ba mẹ mình/ post bằng khen thành tích/ lên facebook để… vênh".

Vì tôi hiểu, tự hào và hãnh diện về con vốn là một… nhu cầu. Nó chỉ trở nên quái gở nếu như có những cha mẹ coi chuyện đó là phải có để bằng chúng bạn.

Câu: "Con nhà người ta" đã đi vào truyền thuyết vốn là từ chuyện những cha mẹ quái gở như thế. Thấy thiên hạ có con giỏi hơn con mình là hậm hực. Là thất vọng về con mình. Như câu chuyện bố mẹ không đi họp phụ huynh cho con vì con học dốt đang lan truyền mấy ngày qua.

Bằng một thái độ, cha mẹ chứ không phải nền giáo dục đã dạy con ham thành tích - Ảnh 1.

Bố mẹ vô tình tạo áp lực lên con của mình. (Ảnh minh họa)

Tôi không biết câu chuyện đó có phải sự thật không nhưng tôi đồng ý rằng quả là có những cha mẹ như thế. Không phải là không đi họp cho con vì xấu hổ mà là về cáu gắt với con, thể hiện rõ sự thất vọng về con, với con.

Tôi đã từng gặp trong đôi lần đi họp phụ huynh, những ông bố, bà mẹ có con học dốt, điểm kém, luôn cúi gằm mặt xấu hổ. Tôi cũng đã từng nghe không ít tiếng thở dài của đôi ba ông bố bà mẹ khi giữa cơ quan, các đồng nghiệp khoe con ríu rít.

Và tôi cũng từng bắt gặp chính bản thân mình khi cậu cả nhà tôi, có một năm bị cô giáo nhắc liên tục trên khắp các hạng mục không mấy vui vẻ. Đó là một tôi méo xẹo và thảm bại. Thú thực là lúc đó chỉ muốn mau mau chóng chóng về nhà nọc cậu cả ra cho vài roi.

Nhưng rồi tôi đã không làm vậy. Tôi chọn cách tan họp phụ huynh đi cà phê một mình đến muộn muộn vơi vơi lòng mới về. Rồi rủ cậu cả ra ban công nói chuyện rủ rỉ. Cậu ấy cũng hợp tác. Tự viết mười lời cam kết đưa tôi. Nhưng tôi bảo tôi không đọc. Tôi muốn cậu dán nó trong tủ quần áo của cậu. Để tự thực hiện.

Thật may, từ đó đến nay, cậu ấy đã không còn vậy nữa. Năm nay cậu ấy được mức hoàn thành tốt theo thông tư 22 của Bộ Giáo Dục. Í chết, đấy, tôi lại mắc bệnh khoe thành tích của con rồi!

Bằng một thái độ, cha mẹ chứ không phải nền giáo dục đã dạy con ham thành tích - Ảnh 2.

Ông bố tự tay làm giấy khen cho con trong suốt 2 năm qua.

Trở lại việc khoe con có thành tích tốt, mấy hôm trước mạng xã hội cũng lại lan truyền vụ ông bố tự làm giấy khen cho con mình. Nhiều người cho rằng ông bố này vô tình đẩy con vào bệnh nghiện thành tích như nhiều ông bố bà mẹ khác trên mạng xã hội.

Tôi lại không cho là thế. Bởi chính bản thân tôi cũng hay tự tạo ra nhiều loại giấy khen - huy chương - vé thưởng… Tôi vẫn luôn tin rằng một đứa trẻ lớn lên trong sự khích lệ và ghi nhận kịp thời của cha mẹ sẽ giúp đứa trẻ tự tin hơn.

Đặc biệt trong cái thời mà nhiều thứ cha mẹ quái gở như hiện nay: giữa cả đám trẻ, thể hiện sự thiên vị riêng cho con mình. Luôn cho rằng con mình hơn tất thảy đám con người khác.

Hối lộ cô giáo để cô giáo ưu tiên cho con mình. Dùng quyền lực để dọa nạt ban giám hiệu nếu như không ưu ái con mình. Kiểu cha mẹ đó khá nhiều hiện nay. Tôi cũng sợ con mình thua thiệt bạn bè bởi suốt 5 năm tiểu học của 2 đứa lớn nhà tôi, quả thực, tôi không bao giờ đi phong bì thầy cô nào sất.

Tôi chọn cách giúp con nhận ra những giá trị thực sự mà chúng có. Bằng những giấy khen kiểu đó. Bằng những câu khen. Bằng cái vỗ tay. Bằng cả việc tập nhìn con bằng tất thảy sự tự hào mình có. Mặc cho nhiều người nói với tôi về triết lý: Đừng khen con nó sẽ ỷ lại - chủ quan và sinh hư. Không! Tôi không bao giờ hà tiện những lời khen con cả.

Tôi vẫn nghĩ, thứ tốt đẹp nhất mà cha mẹ có thể làm cho con ngoài những thứ vật chất hay một môi trường học tập tốt thì còn là lòng tin dành cho con mình. Tôi thấy nhiều cha mẹ cho con rất nhiều thứ chỉ không cho con lòng tin. Con làm cái gì cũng nghĩ nó không làm được. Và lao vào làm thay cho nó.

Thậm chí dùng tiền để mua cho con mình những thành tích. Chính cha mẹ chứ không phải xã hội đang dạy những đứa trẻ về việc có tiền là có tất cả, sử dụng quyền lực để bắt nạt kẻ yếu thế.

Rồi cũng chính cha mẹ chứ không phải nền giáo dục đã dạy con mình về căn bệnh thành tích trầm kha bằng việc thể hiện sự bằng lòng hay giận dữ với thành tích học tập của con.

Chính cha mẹ chứ không phải các thầy cô đã dạy con mình đạp đầu cưỡi cổ bạn bè - thể hiện sức mạnh cá lớn nuốt cá bé. Và cũng chỉ có cha mẹ chứ làm gì có sách giáo khoa nào dạy con phân biệt giàu nghèo, chia bè kết phái, kỳ thị vùng miền, gia cảnh…

Một tấm giấy khen post lên Facebook thực ra cũng chỉ là cách để biểu lộ niềm vui thuần khiết. Giống như người ta đi ăn nhà hàng mà thấy ngon thì đăng lên Facebook giới thiệu cùng bạn bè của họ.

Giống như ai đó có một căn nhà mới chụp lại ảnh khoe từng bộ rèm đẹp, góc xinh bằng tất thảy sự tự hào của họ. Nó vốn là chuyện thật bình thường và rất dễ thương khi chúng ta lướt trên newsfeed mỗi sớm mai hay khi tối muộn.

Chỉ là nhiều người đẩy nó đi quá xa bằng những bình luận ác ý hay muốn mượn nó để phục vụ mục đích đen đúa xấu xí khác của mình.

Tôi bảo này, các cha mẹ hôm nay, nếu thấy vui vì con mình đạt thành tích tốt, hãy cứ khoe đi mặc kệ những anh hùng bàn phím rỗi hơi.

Nhưng nếu con mình chưa đạt thành tích tốt thì cũng xin đừng vì thế mà giận con, xấu hổ với con. Bởi chúng là con ta chứ không phải huân chương - trang sức của ta mà, đúng không???

Chia sẻ