Bạn sẽ gặp họa nếu không bổ sung đủ i-ốt, đặc biệt là 2 nhóm đối tượng này

M. Tuyết,
Chia sẻ

Nếu thiếu vi chất i-ốt kéo dài sẽ tích lũy nhiều nguy cơ tiềm ẩn, gây nên những rối loạn nội tiết không thể lường trước được ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Mới đây, thông tin 1 loại bột canh i ốt được cho là không hề có i-ốt như những gì được thể hiện trên nhãn sản phẩm đã khiến không biết bao nhiêu người dân hoang mang. Không cần nói ra, chắc chắn, nhiều người đã tự hỏi: Thế ra từ trước đến nay mình ăn bột canh mà không có i-ốt à? Liệu mình có bị thiếu i-ốt không? Cơ thể không được bổ sung đủ i-ốt thì nguy hiểm thế nào?...

Thiếu i-ốt ảnh hưởng đến sức khỏe

Theo bác sĩ Vũ Vân Anh (Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội) cho biết, i-ốt có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển cơ thể con người. Đây là vi chất quan trọng để tuyến giáp tổng hợp hormone điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể như: Tim mạch, tiêu hóa, da - lông - tóc - móng, duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động...

Đặc biệt, trẻ em và phụ nữ mang thai là những đối tượng rất dễ bị thiếu i-ốt do nhu cầu tăng cao. Thiếu i-ốt ở thai phụ dễ xảy ra sẩy thai, thai chết lưu hoặc sinh non... Nếu người mẹ thiếu i-ốt nặng trong giai đoạn mang thai trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác.

Thiếu i-ốt ở trẻ em sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng... Ngoài ra thiếu i-ốt còn gây ra bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoạt động của cơ thể, giảm khả năng lao động, mệt mỏi...

Theo Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỉ lệ mắc bướu cổ ở miền núi phía Bắc là 38%, miền núi Trung bộ 27% và Tây nguyên 29%. 

Bạn sẽ gặp họa nếu không bổ sung đủ i-ốt, đặc biệt là 2 nhóm đối tượng này - Ảnh 2.

Nếu người mẹ thiếu i-ốt nặng trong giai đoạn mang thai trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác.

Cách bổ sung i-ốt hàng ngày

Theo các nhà chuyên môn, mỗi người chúng ta cần khoảng 250-750 microgram i-ốt/ngày. I-ốt sẽ theo nguồn thức ăn vào ruột, hấp thu vào máu. Nếu lượng i-ốt được cung cấp quá nhiều do cung nhiều hơn cầu hoặc uống thuốc chứa iốt thường xuyên... sẽ gây nên hội chứng cường giáp, hay gặp nhất là bệnh Grave (Basedow), ngoài ra còn có u tuyến độc giáp (Toxic Adenoma), viêm tuyến giáp (Thyroiditis).

Để bổ sung i-ốt hàng ngày, người dân có thể sử dụng các loại thực phẩm từ tự nhiên mà bạn nên bổ sung để cung cấp i-ốt cho cơ thể như: Tảo biển (có chứa 200mcg i-ốt/100gr); cá biển (chứa 80mcg i-ốt/100gr); cua ghẹ (chứa 10mcg i-ốt/100gr)... 

Dùng muối i-ốt thay cho muối thường trong ăn uống và chế biến thức ăn hàng ngày cũng là cách giúp bổ sung i-ốt cho cơ thể. Dùng muối i-ốt thường xuyên hàng ngày không ảnh hưởng đến sức khỏe vì lượng i-ốt dư sẽ được thải ra ngoài theo nước tiểu.

Tuy nhiên, với những bệnh nhân bị bệnh tim và thận nên giảm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày để tránh nguy cơ bị xơ vữa động mạch, tăng huyết áp. Những người bị bệnh cường tuyến giáp không nên dùng muối iốt vì iốt sẽ khiến họ lồi mắt, run tay nhiều hơn.

Bạn sẽ gặp họa nếu không bổ sung đủ i-ốt, đặc biệt là 2 nhóm đối tượng này - Ảnh 3.

Để bổ sung i-ốt hàng ngày, người dân có thể sử dụng muối iốt thay cho muối thường trong ăn uống và chế biến thức ăn hàng ngày.

Phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt iốt thông qua việc sử dụng thường xuyên muối iốt và chế phẩm có iốt đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe toàn dân nhất là bà mẹ và trẻ em nhằm đạt được mục tiêu phát triển sức khỏe của Việt Nam.

Chia sẻ