Bác sĩ ở TP.HCM 4 lần bị ung thư, đã sống 14 năm: Bí quyết không phải nọc rắn độc, Fucoidan

Bác sĩ Phạm Trường Giang, TP.HCM,
Chia sẻ

Bài phát biểu dưới đây của bác sĩ Phạm Trường Giang sẽ tiếp tục góp phần bóc trần sự thật về thực phẩm trong điều trị ung thư - đặt thực phẩm chức năng (TPCN) trong đúng giá trị thực của nó.

LTS: Trong buổi trao đổi trực tuyến (webinar) "Vai trò của thực phẩm chức năng trong điều trị ung thư" diễn ra hồi cuối tháng 10/2017 do tổ chức VietMD và Tổ chức Y học cộng đồng thực hiện, có sự xuất hiện của bác sĩ Phạm Trường Giang, hiện sống ở TP.HCM.


Bác sĩ ở TP.HCM 4 lần bị ung thư, đã sống 14 năm: Bí quyết không phải nọc rắn độc, Fucoidan - Ảnh 1.

Với đa số ai nghĩ rằng, đã mắc ung thư chỉ có chết và sống quá 5 năm đã là "kỳ tích", thì có lẽ phải coi bác sĩ Giang có tới 3 lần lập "kỳ tích" - mà không hề phụ thuộc vào thực phẩm chức năng hay những thứ được ca tụng như nọc rắn độc, bọ cạp…

Bài phát biểu dưới đây của bác sĩ Phạm Trường Giang sẽ tiếp tục góp phần bóc trần sự thật về thực phẩm trong điều trị ung thư - đặt thực phẩm chức năng (TPCN) trong đúng giá trị thực của nó.

BS Phạm Trường Giang (TP.HCM) chia sẻ quá trình điều trị 4 bệnh ung thư

Tôi bị ung thư 4 lần, từ năm 2003 cho đến nay, gồm ung thư đại tràng, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng sigma, và gần đây nhất là ung thư bàng quang.

Về mặt y văn mà nói, trường hợp bệnh K của tôi khá là cá biệt. Năm 2003 cùng một lúc phát hiện trên một hệ tiêu hóa, cả hai vị trí qua nội soi, sinh thiết dạ dày và đại tràng góc gan cho kết quả giải phẫu bệnh lý đều là Carcinoma. Một tuần lễ sau đó, mổ (hở) dạ dày BS nói bình thường nên đóng lại, mổ đến đại tràng lên, góc gan chính xác K nên cắt 1/2 đại tràng, hóa trị 9 toa.

Năm 2004 kiểm tra nội soi lại đại tràng tốt, nhưng dạ dày chỗ cũ (nơi hang vị, năm ngoái mổ còn sót), nội soi, sinh thiết, giải phẫu bệnh lý trả lời Carcinoma và sau đó lại mổ (hở) cắt 2/3 dạ dày, lại hóa trị 9 toa.

Năm 2010, kiểm tra nội soi lại dạ dày, đại tràng lên bên phải các mối nối tốt nhưng nội soi, sinh thiết đại tràng Sigma kết quả giải phẫu bệnh lí lại Carcinoma và tiếp tục mổ (nội soi), lại hóa trị 8 toa.

Năm 2015 kiểm tra nội soi lại đại tràng, dạ dày tốt, nhưng tại bàng quang lại Carcinoma và tiếp tục mổ (nội soi) cắt đốt và hóa trị bơm thuốc tại chỗ 7 toa.

Cứ thế, hiện nay cứ sau mỗi 6 tháng vẫn theo dõi sát tránh tái phát bằng nội soi bàng quang ống mềm và bơm thuốc hóa trị tại chỗ hai toa. Diễn tiến theo dõi sát bệnh vẫn liên tục và trường kỳ…

Tôi là bệnh nhân K và là bác sĩ cho nên tôi phải tuân thủ theo khoa học chính thống và dựa vào y học chứng cứ; quá trình điều trị cứ theo tất cả các biện pháp, mà những gì căn bản nhất là phẫu thuật, hóa trị.

Sau khi hoàn tất phác đồ điều trị mới là những thực phẩm hỗ trợ, thực phẩm chức năng, yếu tố duy trì và những gì mà dân gian chỉ dẫn mà trong 14 năm nay ở Sài Gòn này có rất nhiều.

Người ta thường quảng cáo nọc rắn đủ loại, nọc hổ mang có, bọ cạp có, gần đây rộ lên Fucoidan...

Bác sĩ ở TP.HCM 4 lần bị ung thư, đã sống 14 năm: Bí quyết không phải nọc rắn độc, Fucoidan - Ảnh 2.

Nọc rắn và/hoặc bọ cạp xanh được quảng cáo là chữa ung thư (Ảnh minh hoạ)

Ai cũng vô cùng khiếp sợ khi nghe từ K. Các "chiến binh K" của tôi cứ bám víu vào tôi, thậm chí cả những vị tiến sĩ, bác sĩ khi gặp họ hỏi tôi sử dụng cái gì, vì sao mắc 4 bệnh ung thư mà vẫn còn sống thế này, liệu tôi có bí quyết gì?

Xin thưa tôi không có bí quyết gì cả ngoài việc phải tuân thủ theo y lệnh (điều trị chính thống bằng khoa học). Thứ hai, chính bản thân người bệnh phải theo dõi sát chính bạn, tới kỳ hẹn bạn phải bám lấy BS và hỏi BS xem mình phải làm gì.

BS không có thời gian theo dõi xuyên suốt bạn. Bạn phải vượt lên chính mình, chính bạn là người quyết định sự thành công, phải giữ bình tĩnh, theo dõi tất cả các sự kiện, thông tin, biết đánh giá thông tin nào là khoa học, thông tin nào không.

Rất nhiều BS hỏi tôi có xài Fucoidan hay không. Thưa không, tôi không xài, nhưng tôi nghe rất nhiều, đi dự rất nhiều hội nghị, sự kiện họ hay giới thiệu khuyến khích dùng và tôi lại có đánh giá riêng của tôi.

Người ta lại bảo: Chắc bác giấu. Không, tôi không giấu, xin thưa thật tình là hiện tại tôi không sử dụng Fucoidan.

Tôi không bài bác nó mà vẫn còn đang nghiên cứu, cần tìm hiểu thêm. Nhưng tôi phản đối nó ở điểm cho rằng Fucoidan ngăn cản được quá trình ung thư di căn. Thưa các bệnh nhân ung thư và gia đình các bạn, phải cực kỳ chú ý và tìm hiểu chắc điều này!

Vì tôi mắc đến 4 bệnh ung thư mà vẫn còn sống đến giờ này nên các "chiến binh K" của tôi họ xem tôi như thần thánh vậy, nhưng tôi trả lời dứt khoát: việc điều trị của tôi hoàn toàn dựa chứng cứ khoa học.

Tôi không sử dụng Fucoidan thì tôi nói tôi không sử dụng Fucoidan, nhưng hỏi tôi nó tốt hay xấu thì tôi không thể nói 100% tốt hay 100% xấu được. Cái gì chứng minh được bằng chứng cứ khoa học thì sử dụng.

Tôi không bài bác nhưng về mặt hình thức tôi thấy đó là quảng cáo quá lố. Vì tôi chưa từng thấy những người sử dụng Fucoidan mà qua được giai đoạn 1-2-3-4 cả. Nếu bỏ tiền ra mà không thấy tác dụng thì người nhà của bệnh nhân cần phải tỉnh táo để cân nhắc.

Nội dung bài viết được rút từ buổi trao đổi trực tuyến (webinar) "Vai trò của thực phẩm chức năng trong điều trị ung thư" diễn ra hồi cuối tháng 10/2017 do tổ chức VietMD và Tổ chức Y học cộng đồng thực hiện với các bác sĩ (BS) và bệnh nhân (BN) ở khắp nơi trên thế giới.

Người điều phối chương trình là BS Wynn Huynh Tran (chuyên khoa cơ xương khớp và da liễu tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ), BS Minh Đỗ (chuyên khoa Nội tổng quát-phòng khám Lão khoa tại Dallas, Texas, Hoa Kỳ), BS Nguyễn Đình Vân (từng công tác trong ngành gây mê hồi sức tại Việt Nam, hiện đang là điều dưỡng tại Ottawa, Canada).

Khách mời là các bác sĩ:

- BS.TS Phạm Nguyên Quý, chuyên khoa Nội tổng quát và ung thư tại Kyoto, Nhật Bản. BS Quý cũng là người sáng lập và điều hành dự án Y học cộng đồng chuyên cung cấp các thông tin hữu ích về sức khỏe cho bệnh nhân và người thân.

- BS Đặng Tài Vóc, chuyên khoa ung thư tại Hà Nội. BS Vóc đã hoàn thành chương trình nội trú về ung thư tại BV Bạch Mai. Anh có nhiều bài viết chia sẻ trên các tạp chí chuyên.

- Các bác sĩ Phạm Trường Giang (bị 4 loại ung thư từ năm 2003), bác sĩ QP Hồ…

Chia sẻ