Bác sĩ nhi khoa "phiên dịch" tất tần tật về "ngôn ngữ" tiếng khóc của con, sự thật đằng sau chắc chắn sẽ làm cha mẹ phải bất ngờ

BS Tôn Nữ Thụy My,
Chia sẻ

Không phải con cứ khóc là đang đói, mà thực chất tiếng khóc của trẻ sơ sinh còn có nhiều điều lý thú hơn nữa ở đằng sau.

Chắc hẳn nhiều cha mẹ đã rơi vào tình cảnh bối rối khi không hiểu vì sao con cứ khóc mãi, dỗ hoài mà không nín, kể cả cho ăn rồi vẫn cứ khóc. Nhiều bố mẹ chỉ suy nghĩ đơn giản rằng con đói thì khóc hoặc con đang bị gắt ngủ, nhưng thực tế tiếng khóc của trẻ sơ sinh còn nhiều ý nghĩa đằng sau đấy nữa, và không đơn thuần chỉ là đang đói hay buồn ngủ. Mới đây bác sĩ nhi khoa Tôn Nữ Thụy My đã có một bài viết giải đáp tất cả những điều trẻ muốn "nói" đằng sau tiếng khóc ấy, chắc chắn sẽ làm nhiều cha mẹ phải bất ngờ.

Bác sĩ nhi khoa phiên dịch tất tần tật về ngôn ngữ tiếng khóc của con, sự thật đằng sau chắc chắn sẽ làm cha mẹ phải bất ngờ - Ảnh 1.

Bác sĩ Tôn Nữ Thụy My mới đây đã có một bài viết giải đáp cặn kẽ về tiếng khóc của trẻ

Chúng tôi xin phép được dẫn lại những chia sẻ rất hữu ích của bác sĩ Tôn Nữ Thụy My về vấn đề tiếng khóc của trẻ nhỏ như sau:

"PHIÊN DỊCH TIẾNG KHÓC CỦA TRẺ NHỎ

 TIẾNG KHÓC TRẺ SƠ SINH - là cách mà các con muốn giao tiếp với mọi người xung quanh và đôi khi nó còn là một tín hiệu chỉ điểm bệnh lý. Làm sao để "phiên dịch" để biết các con muốn gì thay vì phải cuống cuồng cả nhà lên mà con vẫn khóc vì chưa được hiểu đúng và đáp ứng đủ. Hãy nghe những chia sẻ của 'cô bác sĩ bỉm sữa - mẹ của các siêu nhân tí hon' nhé.

CON VỪA MẮT NHẮM, MẮT MỞ VỪA KHÓC

Thông thường đây là cách con khóc khi bắt đầu buồn ngủ. Con thay đổi biểu hiện bằng tiếng khóc vừa phải, không chảy nước mắt. Khi con khóc, mẹ nên chuẩn bị điều kiện để con có thể ngủ ngoan như tạo không gian yên tĩnh, ấm áp bằng cách tắt tivi, nhạc, bật đèn ngủ và vỗ nhẹ lưng để ru ngủ. 

Ngoài ra, bé cũng thường có biểu hiện dụi mắt, khóc trong khi mắt nhắm và ngáp.

CON MỞ TO MẮT, HÁ MIỆNG VÀ KHÓC

Phần lớn tiếng khóc này cho thấy con đang đói bụng. Lúc này, tiếng khóc của bé rất to, lặp đi lặp lại, thậm chí sẽ gào thét, gắt gỏng. Mẹ hãy kiểm tra lại thời gian cho con ăn trước đó. Nếu con đã bú được 2-3 tiếng thì cần cho con ăn tiếp. Nếu con mới ăn chưa lâu, mẹ kiểm tra lại lượng sữa vừa cho ăn để bổ sung.

Bác sĩ nhi khoa phiên dịch tất tần tật về ngôn ngữ tiếng khóc của con, sự thật đằng sau chắc chắn sẽ làm cha mẹ phải bất ngờ - Ảnh 2.

Thông qua bài chia sẻ của bác sĩ các bậc cha mẹ sẽ hiểu rõ hơn điều con muốn "nói" thông qua tiếng khóc (Ảnh minh họa)

CON KHÓC TO, DỮ DỘI SAU KHI ĂN

Khóc lớn ngay khi ăn thường là dấu hiệu bé khó chịu bụng. Trẻ sẽ khó chịu cho tới khi được ợ hơi. Mẹ có thể bế bé dựa đầu vào vai mình sau đó nhẹ nhàng vuốt và vỗ nhẹ lưng bé.

Mẹ cũng có thể đặt bé lên đầu gối, một tay đỡ ngực và nâng cằm, tay kia vỗ lưng nhẹ. Mẹ nhớ lót một chiếc khăn mỏng dưới cằm con, đề phòng bé trớ ra khi ợ hơi.

TIẾNG KHÓC ĐỘT NGỘT

Trong trường hợp con đang chơi đùa hoạt bát hoặc đang ngủ nhưng đột nhiên khóc thét lên, mẹ hãy kiểm tra bỉm của con. Nếu bỉm không ướt, mẹ hãy cởi bỏ hết tất cả quần áo của con và tiếp tục kiểm tra cả người con. Nếu con khóc kéo dài trên 60 phút không dỗ nín và mẹ đã cởi bỏ hết quần áo con để kiểm tra không ghi nhận gì lạ thì rất có thể đây là tiếng khóc báo hiệu con đang không khỏe hoặc đau bụng. Mẹ cần cho con đến thăm khám bác sĩ nhé. 

CON KHÓC TO NHƯNG KHÔNG CÓ NƯỚC MẮT

Trong trường hợp khóc gọi mẹ, con gào khóc rất to, có thể bé đang đòi quyền lợi như "mẹ bế con đi", "con muốn chơi nữa". Khi đó, mẹ hãy nhìn vào mắt con, dỗ dành và dành thời gian chơi với con.

HỘI CHỨNG COLIC - KHÓC DẠ ĐỀ

Colic là thuật ngữ dùng để mô tả trạng thái khóc không ngừng ở các bé có thể chất khỏe mạnh. Con thường quấy khóc từ 18h cho tới nửa đêm mà mẹ không thể dỗ nín. Tuy nhiên, những thời gian khác trong ngày bé vẫn ăn ngoan, ngủ ngon thì đó là khóc dạ đề. Hiện tượng này sẽ giảm dần khi con lớn lên mà không ảnh hưởng gì tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Khóc dạ đề không phải là bệnh lý, nên nếu con quấy khóc kèm theo những biểu hiện khác như ra mồ hôi trộm hoặc biếng ăn, cha mẹ nên đưa con đến bác sĩ Nhi khoa để phát hiện bệnh".

Chia sẻ