Bác sĩ “nặn mụn” nổi tiếng nhất thế giới tiết lộ 9 nguyên tắc xử lý mụn ai cũng nên nhớ kỹ

Nacie,
Chia sẻ

Vì ai trong đời cũng có lúc nổi mụn nên rất cần biết cách xứ lý khi bị nổi mụn. Lời khuyên này đến từ Dr. Pimple - bác sĩ với những clip nặn mụn rùng rợn ai cũng từng xem ít nhất 1 lần.

Dr. Pimple Popper (nghĩa là người nặn mụn) là cái tên cực nổi trên Youtube với loạt clip nặn mụn từ các loại mụn thường cho đến mụn chúa và mụn khủng long. Các clip này dù ai xem qua cũng phải rùng mình, có khi là bỏ cả cơm nhưng lại rất dễ nghiện và khó rời mắt, vì vậy nên clip nặn mụn của Dr. Pimple luôn có lượt xem tính bằng trăm ngàn cho tới chục triệu.

Bác sĩ “nặn mụn” nổi tiếng nhất thế giới tiết lộ 9 nguyên tắc xử lý mụn ai cũng nên nhớ kỹ - Ảnh 1.

Bác sĩ da liễu Sandra Lee - người nổi tiếng với các clip nặn mụn dưới tên Dr. Pimple Popper (Ảnh:Internet)

Nhưng thôi, hãy bỏ qua sự hấp dẫn của các clip nặn mụn để chấp nhận sự thật là không ai thích bị mụn cả và không phải ai cũng có “cơ hội” gặp bác sĩ nặn mụn nổi tiếng này. Vậy nên, hãy nghe những lời khuyên của bác sĩ da liễu Sandra Lee - người đứng sau biệt danh Dr. Pimple - tiết lộ những ngyên tắc sống còn để tự xử lý những cái mụn đáng ghét ở nhà.

1- Nếu bạn nhất quyết phải nặn cái mụn này thì hãy làm cho đúng

Tốt nhất là bạn đừng đụng tới cái mụn, hãy để nó yên. Tự nặn mụn có thể khiến mụn sưng nặng hơn và còn có thể để lại sẹo. Theo bác sĩ da liễu Sandra Lee, nếu bạn không thể không xử lý cái mụn đáng ghét đó thì phải biết rõ lúc nào có thể nặn và lúc nào phải dừng. Khi mụn còn viêm đỏ, động vào nó chỉ tổ làm cho nó viêm nặng hơn. Hãy đợi đến khi nhân mụn đã trồi lên mặt da hãy nặn, tức là lúc bạn nhìn thấy có đầu trắng ở giữa. Bạn có thể đẩy nhanh quá trình chín của mụn bằng cách áp nóng.

Khi cái mụn đã sẵn sàng cho bạn xử lý nó, hãy rửa tay và mặt sạch đồng thời khử trùng que nặn. Ấn đều xung quanh mụn để đẩy nhân mụn ra, nhưng đừng làm quá mạnh tay. Bạn càng ấn mạnh và nhiều thì chỗ mụn càng sưng. Sau khi nhân mụn được lấy ra vẫn chưa phải là xong, hãy cố gắng bóp hết dịch và máu ra.

Bác sĩ “nặn mụn” nổi tiếng nhất thế giới tiết lộ 9 nguyên tắc xử lý mụn ai cũng nên nhớ kỹ - Ảnh 2.

Ảnh: Internet

2- Đừng đụng tay vào mụn

Ngay cả bạn không hề cố nặn mụn thì việc sờ mó cái mụn cũng không nên. Nếu bạn có thói quen sờ mặt hoặc “thám thính” cái mụn thì hãy dùng băng cá nhân tròn dán che mụn lại để tránh những cái ngón tay táy máy của mình.

Bác sỹ Lee cũng khuyên bạn nên bôi một lớp kem trị mụn dày, vừa để điều trị vừa để nhắc nhở bạn đừng có mà sờ vào nó nữa.

3- Khi đang bị mụn hãy dùng kem chống nắng SPF thấp

Chất kem chống nắng đặc có thể làm bí tắc lỗ chân lông khiến tình trạng mụn thêm tệ, nhưng trời đang nắng thế này thì bạn cũng không thể ra đường mà không bảo vệđược. Bác sỹ Lee cho biết, mặc dù Viện Da liễu Mỹ khuyến khích nên dùng kem chống nắng có độ SPF từ 30 trở lên nhưng theo cô SPF 15 là đủ cho nhu cầu chống nắng hàng ngày, do độ SPF càng cao thì kết cấu kem càng đặc và bí lỗ chân lông. Nữ bác sĩ xinh đẹp khuyên, trừ khi bạn hoạt động ngoài trời nắng nhiều mới cần kem chống nắng có SPF cao hơn 30, chỉ số SPF cực cao như 50 hay 100 cũng chẳng bảo vệ da bạn hơn được là bao. Khi da bạn bị mụn, tốt nhất nên dùng kem chống nắng có kết cấu nhẹ, càng thoáng mặt càng tốt.

4- Bạn phải biết mụn của mình thuộc loại gì

Không phải mọi loại mụn đều được hình thành như nhau, và cách trị mụn rất hiệu quả với cô bạn thân của bạn chưa chắc đã hợp với bạn. Với các loại mụn thường ở mức độ kiểm soát được, bạn có thể tự điều trị mà không cần đến bác sĩ da liễu. Nếu bạn bị mụn đầu đen hay mụn đầu trắng, bác sĩ Lee gợi ý dùng các loại kem bôi hoặc dòng mỹ phẩm đặc trị mụn chứa retinol hoặc acid salicylic (BHA). Với mụn bọc và mụn nạng, các loại thuốc bôi không cần toa có lẽ thẩm thấu không đủ sâu để giải quyết vấn đề, bạn nên đi khám da liễu để được kê đơn kháng sinh và kem đặc trị.

Bác sĩ “nặn mụn” nổi tiếng nhất thế giới tiết lộ 9 nguyên tắc xử lý mụn ai cũng nên nhớ kỹ - Ảnh 3.

Nếu không được xử lý đúng, mụn đầu đen thông thường có thể nhiễm trùng thành mụn bọc và mụn nang chứa đầy mủ (Ảnh: Internet)

5- Đừng thấy bị mụn thì ngừng dưỡng da

Mọi người thường ngại dưỡng ẩm cho da khi bị mụn vì nghĩ rằng dưỡng ẩm càng khiến da nhờn hơn và lên mụn nhiều hơn. Tuy nhiên, điều này không đúng, mà ngược lại khi bắt đầu điều trị mụn bạn càng cần phải dưỡng ẩm da hơn do quá trình trị mụn có thể khiến da bạn khô, căng đỏ và bong tróc. Làn da được dưỡng ẩm đủ sẽ ít bị tác dụng phụ của trị mụn ảnh hưởng, hơn nữa các loại kem dưỡng cho da nhờn mụn cũng có tác dụng giảm dầu thừa trên da.

6- Dưỡng da bằng gel hay sữa dưỡng ẩm

Bạn vẫn phải dưỡng ẩm cho da nhưng phải chọn sản phẩm cấp ẩm phù hợp với tình trạng da mụn. Hầu hết kem dưỡng ẩm có gốc dầu, vậy nên bạn hãy chọn sữa hoặc gel dưỡng ẩm gốc nước, giúp da được cấp ẩm mà không bị bí và tắc lỗ chân lông. Ngoài ra bạn nên lưu ý chọn sản phẩm của các hãng dược mỹ phẩm được bác sĩ da liễu kiểm nghiệm và khuyên dùng.

7- Da còn mụn thì đừng để tóc mái hoặc buộc gọn tóc lên

Dầu từ tóc bạn có thể dính lên da mặt, làm tắc các lỗ chân lông và gậy ra mụn. Bác sĩ Lee khuyên những ai đang để tóc mái che mặt nếu bị mụn đầu trắng hoặc đầu đen hãy buộc gọn phần tóc mái để da mặt bạn được thở.

Bác sĩ “nặn mụn” nổi tiếng nhất thế giới tiết lộ 9 nguyên tắc xử lý mụn ai cũng nên nhớ kỹ - Ảnh 4.

Ảnh: Internet

8- Bớt dùng sản phẩm chăm sóc và tạo kiểu tóc

Cũng tương tự với việc để tóc mái, việc dùng sản phẩm chăm sóc tóc có thể làm nghẽn lỗ chân lông trên da mặt do dầu thừa và các hóa chất từ tóc bám xuống mặt khiến mụn sinh sôi, Nếu bạn nhất định phải dưỡng tóc hay tạo kiểu cho tóc, hãy chọn sản phẩm kết cấu nhẹ như mousse thay vì dầu dưỡng hay sáp bôi tóc.

9- Mang khăn giấy theo đi tập thể dục

Việc bạn đổ mồ hôi trong phòng tập là rất tốt cho sức khỏe và cho cả da vì cơ thể thải độc qua mồ hôi khá hiệu quả. Nhưng mồ hôi không nên đọng trên da lâu vì nó cũng gây tắc lỗ chân lông, vì vậy khi đi tập hãy mang theo khăn giấy để thấm khô mồ hôi, giúp da thông thoáng và mụn nhờ đó không thể bùng phát nặng hơn.

Hy vọng với những lời khuyên trên của nữ bác sĩ chuyên xử lý mụn, bạn đã biết cách chăm sóc làn da của mình khi bị mụn, và trên hết là không phải đi gặp bác sĩ da liễu để nhờ “giải cứu” khi tình trạng mụn đã quá sức kinh khủng.

(Nguồn: Reader’s Digest)

Chia sẻ