Bác sĩ khuyến cáo tật khúc xạ ở trẻ nhỏ làm tăng nguy cơ khiếm thị

A.D,
Chia sẻ

Trước tình trạng các bệnh về mắt đặc biệt là tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) ở trẻ nhỏ có chiều hướng gia tăng, bác sĩ chuyên khoa hàng đầu của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã đưa ra khuyến cáo.

Số người mắc tật khúc xạ tăng nhanh

Bác sĩ khuyến cáo tật khúc xạ ở trẻ nhỏ làm tăng nguy cơ khiếm thị - Ảnh 1.

Trong những năm gần đây, tật khúc xạ đang ngày càng gia tăng về mức độ và số lượng các trường hợp bị mắc. Nghiên cứu chuyên sâu trên thế giới dự báo đến năm 2050, ước tính có 49,8% dân số thế giới, tức hơn 4 tỷ người có thể mắc tật cận thị.

Điều đáng lo ngại hơn, tỷ lệ cận thị cao dẫn đến thoái hóa bán phần sau nhãn cầu và mất thị lực chiếm đến gần một tỷ người trong số này. Tình trạng mất thị lực do cận thị cao có nguy cơ thành nguyên nhân gây khiếm thị hàng đầu trên thế giới.

Tại Việt Nam, tình hình thị lực ở dân số không khả quan hơn, thậm chí còn mang nhiều nguy cơ khác do phổ cập kiến thức về chăm sóc sức khỏe thị lực còn chưa cao.

Tính đến năm 2015, đã có hơn 14 triệu người Việt mắc tật khúc xạ. Theo đó, tỷ lệ tật khúc xạ tại Việt Nam hiện chiếm khoảng từ 15% - 40%, tương ứng khoảng từ 14 triệu đến 36 triệu người mắc.

Trẻ em trong độ tuổi từ 6 -15 tuổi có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 25% - 40% ở khu vực thành thị, và từ 10% - 15% tại khu vực nông thôn. Điều này có nghĩa có khoảng ba triệu trẻ em đang có tật khúc xạ cần được chỉnh kính và con số này sẽ ngày một tăng cao.

Bác sĩ khuyến cáo tật khúc xạ ở trẻ nhỏ làm tăng nguy cơ khiếm thị - Ảnh 2.

Theo PGS. TS. bác sĩ Hà Huy Tài (Khoa Khúc xạ - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2), nguyên nhân gây ra tật khúc xạ chủ yếu là do mắt phải làm việc quá nhiều, trong điều kiện không đảm bảo.

Trong đó, thói quen nhìn quá gần, mắt phải làm việc nhiều trong thời gian dài ở độ sáng không thích hợp, hoặc sáng quá hoặc tối quá làm mỏi mắt. Bên cạnh đó, tật khúc xạ ở nhiều trường hợp còn do di truyền.

Không ít chuyên gia cảnh báo, việc trẻ mắc phải các bệnh về mắt trong đó có tật khúc xạ có thể ảnh hưởng mạnh đến tâm lý của trẻ nhỏ. Nhiều cháu vì mắc tật khúc xạ mà không tự tin khi đến trường, tự mặc cảm về bản thân, bị các bạn trêu đùa. Chưa kể, việc mắc các tật khúc xạ cũng khiến cho sinh hoạt của trẻ hằng ngày trở nên khó khăn hơn.

Giải pháp nào cho trẻ mắc các tật khúc xạ?

Vừa qua, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 với đội ngũ bác sĩ và thiết bị hiện đại đã thực hiện chương trình khám khúc xạ học đường tại 3 điểm trường tiểu học: Đoàn Thị Điểm, Lomonosov và Lê Quý Đôn ở Hà Nội. Kết quả cho thấy, tại điểm trường Đoàn Thị Điểm có 333 trong tổng số 812 học sinh mang tật khúc xạ. Tại trường Lomonosov có 410 trong tổng số 799 học sinh mang tật khúc xạ. Và tại trường Lê Quý Đôn có 267 trong số 744 học sinh mang tật khúc xạ.

Bác sĩ khuyến cáo tật khúc xạ ở trẻ nhỏ làm tăng nguy cơ khiếm thị - Ảnh 3.

Trước nguy cơ tật về khúc xạ tăng cao ở trẻ nhỏ, PGS. TS. bác sĩ Hà Huy Tài cho biết hiện nay các phương pháp điều trị phổ biến là đeo kính gọng, kính áp tròng thông thường, kính áp tròng ban đêm Ortho-K... và phẫu thuật bằng laser.

Tuy nhiên, PGS. TS. bác sĩ Tài lưu ý, đối với các trường hợp trẻ nhỏ và người dưới 18 tuổi, phương pháp chủ yếu vẫn là đeo kính. Tốt nhất là nên mổ khi đã qua 18 tuổi bởi thời điểm đó, độ khúc xạ của mắt ổn định hơn và đem lại kết quả lâu dài.

Thực tế tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho thấy, cơ sở này có đủ điều kiện tốt để hỗ trợ bệnh nhân thăm khám, tư vấn, phẫu thuật chữa trị các tật khúc xạ nói chung và bệnh về mắt nói riêng.

Tại bệnh viện, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao với các công nghệ, kỹ thuật nhập khẩu, hiện đại theo chuẩn quốc tế. Bệnh viện trang bị hệ thống máy khám bệnh, xét nghiệm chức năng và điều trị kỹ thuật số như hệ thống khám sinh hiển vi OCT angio, OCT – 3D.

Hệ thống phẫu thuật Phaco Centurion với những loại thể thủy tinh nhân tạo cao cấp hàng đầu hiện nay. Hệ thống phẫu thuật Lasik điều trị tật khúc xạ tiên tiến hàng đầu trên thế giới, máy mổ LASIK Visumax và Mel 90, máy tạo vạt giác mạc tự động bằng laser femtosecond, áp dụng phẫu thuật Relex SMILE… mang đến hiệu quả cao, an toàn và thuận tiện và phục hồi nhanh chóng trong việc khám chữa bệnh.

Bác sĩ khuyến cáo tật khúc xạ ở trẻ nhỏ làm tăng nguy cơ khiếm thị - Ảnh 4.

Theo PGS. TS. bác sĩ Hà Huy Tài, bệnh viện cũng có đội ngũ y bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm, được đào tạo ở các cơ sở nhãn khoa lớn trong và ngoài nước. Đáng chú ý trong đó có Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa Vũ Thị Thanh; Giám đốc - Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa Đặng Xuân Nguyên là hai tên tuổi lớn trong nghề hiện nay.

Về các giải pháp phòng bệnh về mắt nói chung và tật khúc xạ nói riêng, PGS. TS Tài cho rằng cần chú đặc biệt đến thời gian làm việc của mắt. Theo đó, không nên để mắt phải làm việc nhiều, cường độ cao trong một ngày mà nên có cơ chế cho mắt nghỉ ngơi một cách hợp lý.

“Đối với trẻ em, cần hạn chế việc trẻ suốt ngày cắm cúi vào máy tính, điện thoại, thậm chí cả việc đọc quá nhiều sách hay đọc quá lâu cũng làm tăng nguy cơ cận thị”, PGS. TS Tài nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, PGS. TS Tài cũng cho lời khuyên đối với những gia đình có trẻ nhỏ nên tạo ra một không gian thoáng đãng, có đủ ánh sáng để con trẻ vui chơi, học tập, tránh các tật về mắt do thiếu sáng.

Ngoài ra, các gia đình có con nhỏ cũng cần đi thăm khám thường xuyên để được phát hiện sớm các bệnh về mắt. Đảm bảo chế độ ăn uống dinh dưỡng đủ chất, thực phẩm, đồ sinh hoạt cần thường xuyên được làm sạch, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ