Bác sĩ chỉ rõ những tác hại khôn lường khi tự rửa mũi cho con

Gia Hân,
Chia sẻ

Hiện trên các trang mạng xã hội các mẹ lan truyền cách dùng xilanh rửa mũi cho con, có cả clip hướng dẫn chi tiết. Theo các chuyên gia, cách rửa này rất dễ làm hỏng niêm mạc mũi của trẻ.

Thận trọng khi dùng xi lanh rửa mũi cho trẻ

Gần đây, nhiều bà mẹ chia sẻ trên trang cá nhân cách rửa mũi cho con, hút mũi cho con bằng xilanh tự chế. Theo một đoạn clip có thời lượng 48 giây được chia sẻ cách đây không lâu, người phụ nữ một tay bế con còn tay kia sử dụng một ống xi lanh loại 10ml, đầu xi lanh đã được “chế” để bơm nước muối sinh lý. Khi dùng xi lanh xịt mạnh vào lỗ mũi của bé gái thì ở phía bên trái, nước muối sinh lý kèm dịch nhầy tắc trong khoang mũi tràn ra rất nhiều. Đoạn clip này được đăng tải trên mạng xã hội đã nhanh chóng hút hơn 5 triệu lượt xem và hàng chục ngàn lượt chia sẻ từ cộng đồng mạng.

Xung quanh cách rửa mũi này cũng có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Nhiều bà mẹ lo ngại về sự an toàn khi dùng xilanh rửa mũi cho con. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho biết đây là cách rửa mũi an toàn và đúng vì nó rất hiệu quả, không hề làm tổn thương niêm mạc mũi trẻ như khi hút mũi. Thậm chí còn coi đấy như là "thần dược" trị bệnh mũi họng cho bé, rồi đổ xô đi mua loại xi lanh có đầu xịt kia.

Bàn về vấn đề này, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. HCM) cho biết, dùng xilanh để bơm trực tiếp nước muối sinh lý vào mũi trẻ rất nguy hiểm bởi loại này có áp lực cao dễ gây sặc và sang chấn tâm lý cho trẻ nhỏ. Việc hút mũi, bơm rửa cho trẻ áp lực không chính xác, nếu mạnh quá sẽ gây tổn thương niêm mạc. Đó là chưa kể đến việc các loại xilanh đầu nhọn, sắc sẽ làm chảy máu mũi, xước niêm mạc nghiêm trọng ở mũi trẻ. Không những thế, phản xạ nuốt của bé còn yếu, bơm nhanh có thể làm bé bị sặc vào phổi. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh
 BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. HCM) cho biết, dùng xilanh để bơm trực tiếp nước muối vào mũi trẻ rất nguy hiểm bởi loại này có áp lực cao dễ gây sặc và sang chấn tâm lý cho trẻ nhỏ. 

Cách rửa mũi này là thao tác lấy đờm đông ở phế quản nhưng nó chỉ được thực hiện với thao tác chuyên nghiệp và dụng cụ phải hấp tiệt trùng. Khi các mẹ rửa mũi bằng các dụng cụ tự chế tại nhà, dụng cụ đó không được vô trùng bằng các cách rửa thông thường. Tại bệnh viện, khi các nhân viên y tế muốn hút đàm từ mũi thì tất cả dụng cụ đều phải đảm bảo vô trùng.

ThS.BS Đào Đình Thi – BV tai mũi họng TƯ cũng nhấn mạnh rằng, cần thận trọng khi dùng xilanh rửa mũi cho trẻ. Xilanh chỉ dùng rửa mũi khi không viêm. Khi mũi đang viêm (mũi ngạt) mà mọi người bơm nước muối sinh lý vào một bên thì bên kia sẽ không chảy ra được. Nước muối không có đường ra sẽ xì ra hai bên tai. Bởi vậy mà nhiều trẻ khi bị viêm mũi, viêm xoang không khỏi lại thường bị thêm viêm tai giữa do dịch mủ ở tai. 

Cách rửa mũi bằng xilanh cũng chỉ dùng cho những trường hợp viêm mãn tính khi mà mũi vẫn thông. Trường hợp mũi nghẹt chống chỉ định rửa bằng cách này. Nếu vẫn muốn rửa cách này cần phải nhỏ thuốc co mạch để thông mũi đã rồi mới bơm dung dịch rửa tránh trường hợp bị viêm tai. Tại một số bệnh viện các y tá cũng thường áp dụng cách rửa mũi bằng chính lọ nước muối sinh lý trong trường hợp mũi bé không bị ngạt; các mẹ có thể tham khảo clip tại đây

Hướng dẫn cách vệ sinh mũi cho trẻ tại nhà

Khi con bị sổ mũi, ngạt mũi tại nhà, theo BS Khanh, cha mẹ cần nhỏ mũi, bôi dầu gió làm ấm lòng bàn chân, coi lại phòng có nóng, bí hay có lạnh không. Nếu bé bị nghẹt nhiều, mẹ nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý vào mũi bé rồi làm bấc sâu kèn lấy gỉ và nước mũi ra, sau đó lại nhỏ lại 1 giọt nữa. Cách làm bấc sâu kèn là dùng khăn giấy sạch loại dai và mềm, cuốn thành 1 đầu to, một đầu nhỏ.

Nếu phụ huynh muốn rửa mũi cho con, các chuyên gia cho rằng chỉ nên dùng bình rửa mũi chuyên dụng với áp lực chuẩn để tránh làm hỏng niêm mạc mũi của trẻ. Thiết bị này được bán khá nhiều tại các bệnh viện, hiệu thuốc uy tín.

Ngoài ra, có thể dùng dụng cụ hút mũi chuyên dụng để vệ sinh mũi cho bé. Nước muối sinh lý rất an toàn, mẹ có thể xịt vào mũi trẻ giúp làm lỏng dịch nhầy trong mũi, sau đó dùng dụng cụ để hút sạch nước mũi. 

Rửa mũi
Khi con bị sổ mũi, ngạt mũi, theo BS Khanh, cha mẹ cần nhỏ mũi, bôi dầu gió làm ấm lòng bàn chân, xem lại phòng có nóng, bí hay có lạnh không. 

Cách làm: Đặt trẻ nằm ngửa, đầu thấp hơn chân, nhẹ nhàng bóp 1 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi trẻ; sau 1-2 phút, dùng dụng cụ hút chất nhầy ở từng bên mũi cho trẻ. Chú ý nhẹ nhàng khi đặt đầu ống hút vào mũi trẻ. Nếu dụng cụ hút mũi dạng bóp thì bóp mạnh và giữ chặt bóng trước khi đưa đầu hút vào mũi trẻ, sau đó thả bóng ra từ từ; Lặp lại thao tác mỗi khi trẻ tiếp tục sổ mũi.

“Trong quá trình rửa mũi cho con, nếu quá 4 – 5 ngày trẻ vẫn không có dấu hiệu cải thiện hoặc kèm theo dấu hiệu ho, đặc biệt ho có đờm, bố mẹ cần đưa trẻ đến viện khám để loại trừ viêm phế quản, viêm phổi” – BS Khanh khuyến cáo.

Hiện nay, một số phụ huynh quan niệm, khi thời tiết chuyển mùa sẽ nhỏ nước muối sinh lý để phòng các bệnh đường hô hấp cho trẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây là quan niệm rất sai lầm. Nhỏ nước muối sinh lý chỉ thực hiện khi ốm, sụt sịt mũi, còn mũi bình thường hoàn toàn không nên. Việc nhỏ nước muối sinh lý khi trẻ không ốm không có tác dụng gì, thậm chí còn gây hại. 

Mũi bình thường có cơ chế tự làm sạch. Rửa mũi nhiều làm mất đi chất nhầy tự nhiên giúp tạo độ ẩm, ngăn chặn bụi bẩn trong khoang mũi. Nếu mất đi chất nhầy này, trẻ càng dễ bị khô mũi, nhiễm khuẩn mũi gây tổn thương niêm mạc mũi, dễ bị viêm hơn. Việc dùng quá thường xuyên cũng có thể làm teo niêm mạc mũi, ảnh hưởng đến chức năng thở, khứu giác. Chỉ nên dùng nước muối sinh lý rửa sạch trước khi nhỏ thuốc trị ngạt mũi khi trẻ có triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi… Khi nhỏ cũng cần theo đúng liều lượng ghi trên lọ theo tuổi. Rửa khoảng 2 – 3 lần/ngày.
Chia sẻ