Bác sĩ 22 năm chữa bệnh hiểm nghèo, tìm cách giữ thiên chức làm mẹ cho bệnh nhân ung thư

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Có những ca bệnh tưởng chừng 9 phần chết 1 phần sống, bệnh nhân đứng trước lằn ranh sinh tử nhưng tha thiết muốn được sinh con dù phải mất đi tính mạng, và dù chỉ cần còn một tia hi vọng, vị bác sĩ luôn cố gắng giúp họ hoàn thành ý nguyện.

Một chiều cuối tháng 2/2019, dù đã đến giờ tan ca trực nhưng bác sĩ Võ Thanh Nhân (47 tuổi, quê Đồng Tháp), Phó Trưởng khoa Ung bướu phụ khoa, Bệnh viện (BV) Từ Dũ (TP.HCM) vẫn cố nán lại để hỏi thăm tình hình sức khỏe các bệnh nhân đã trải qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trong viện.

Bác sĩ 22 năm chữa bệnh hiểm nghèo, tìm cách giữ thiên chức làm mẹ cho bệnh nhân ung thư - Ảnh 1.

Bệnh nhân bày tỏ lòng biết ơn với bác sĩ Võ Thanh Nhân.

Người bác sĩ của những phụ nữ ung thư

Thấy bác sĩ đến gần, bà Lê Thị Mai (59 tuổi, quê Gia Lai) xúc động reo lên. Rồi người phụ nữ nắm chặt tay ân nhân mà bảo rằng: "Nhờ bác sĩ Nhân mà bữa nay tôi khỏe lên nhiều lắm. Tôi cũng lạc quan rồi, không sợ chết nữa đâu".

Và câu chuyện của bà Mai là: Tháng 5/2018 khi thấy đau bụng lâm râm, bà Mai tưởng bị rối loạn tiêu hóa nên không đi khám ngay. Cho đến khi không chịu nổi nữa, bà lên Sài Gòn thăm khám thì tá hỏa phát hiện mình đã bị ung thư buồng trứng, giai đoạn 3C.

Bất ngờ nhận hung tin, ban đầu bà Mai suy sụp lắm. Bà đến BV Từ Dũ với tâm thế "phước chủ may thầy" chứ cũng không dám hi vọng nhiều.

Ngay sau khi tiến hành đầy đủ những xét nghiệm, ca phẫu thuật bóc tách toàn bộ khối u, các phần phụ cho bệnh nhân được bác sĩ Võ Thanh Nhân tiến hành. Đến nay sau quá trình hóa trị, sức khỏe bà Mai đã ổn định, những cơn đau cũng giảm hẳn. Từ đó, động lực sống của bà Mai cũng được nhân lên gấp nhiều lần.

"Cô ráng giữ sức khỏe để đi tiếp con đường lâu dài này nha cô" – bác sĩ Nhân động viên người phụ nữ trước khi đi bắt tay những nữ bệnh nhân khác trong phòng.

Bác sĩ 22 năm chữa bệnh hiểm nghèo, tìm cách giữ thiên chức làm mẹ cho bệnh nhân ung thư - Ảnh 2.

Bà Mai phát hiện ung thư buồng trứng kho đã giai đoạn muộn nhưng nhờ bác sĩ Nhân, hiện sức khỏe bà đã ổn định.

Bà Mai hay những bệnh nhân trong phòng ngày hôm đó chỉ là số ít trong hàng trăm ca bệnh ung thư phụ khoa mà nam bác sĩ đã trực tiếp phẫu thuật.

Hỏi về cơ duyên đến với nghề, bác sĩ Nhân chia sẻ: "Ban đầu khi học y, tôi nghĩ mình sẽ chọn Nhi khoa. Nhưng sau đó thấy ở lĩnh vực ung bướu gắn vời lâm sàng nhiều, có nhiều cách điều trị hay nên đã dần dần yêu thích.

Hơn 40 năm trước, mẹ tôi bị ung thư cổ tử cung phải mổ ở Bệnh viện Bình Dân, sau đó bà được cắm kim (xạ trị) và sống đến bây giờ hơn 80 tuổi rồi, dù kỹ thuật ngày xưa không tốt như bây giờ. Tôi muốn theo nghành này một phần cũng để có thể chăm sóc sức khỏe cho mẹ".

Năm 1997 sau khoảng thời gian học nội trú tại BV Ung Bướu TP.HCM, bác sĩ Nhân chính thức được nhận vào biên chế. Đến năm 2014 khi đã là Phó Trưởng khoa Ngoại 1 của BV Ung Bướu, vị bác sĩ bất ngờ xin nghỉ việc để làm lại từ đầu tại BV Từ Dũ.

"Thú thật là phải rời xa một BV đã gắn bó 17 năm cũng khó tả, nhưng tôi chỉ nghĩ mình đi để khám phá một môi trường mới.

Và thật sự tại BV Từ Dũ, tôi đã như cá gặp nước. Càng làm việc hăng say, tôi thấy mình càng nâng cao tay nghề" – BS Nhân tâm sự.

Bác sĩ 22 năm chữa bệnh hiểm nghèo, tìm cách giữ thiên chức làm mẹ cho bệnh nhân ung thư - Ảnh 3.

Bác sĩ Nhân chia sẻ về quá trình vào nghề.

Cuối năm 2016, vị bác sĩ được phân công làm Phó Trưởng khoa Ung bướu phụ khoa. Kể từ đây, bác sĩ Nhân càng có cơ hội để theo đuổi con đường mình luôn trăn trở: Làm sao để bảo tồn chức năng sinh sản cho những người phụ nữ bị ung thư.

Người bác sĩ bảo tồn thiên chức làm mẹ cho bệnh nhân bằng mọi giá

22 năm công tác trong lĩnh vực ung thư phụ khoa, có những trường hợp bệnh nhân khiến anh không thể nào quên.

Bác sĩ 22 năm chữa bệnh hiểm nghèo, tìm cách giữ thiên chức làm mẹ cho bệnh nhân ung thư - Ảnh 4.

Bệnh viện Từ Dũ, nơi bác sĩ Nhân lựa chọn sau 17 năm công tác tại BV Ung Bướu.

24 tuổi, chị Minh (quê Đồng Tháp, tên đã thay đổi) phát hiện mắc ung thư buồng trứng giai đoạn nặng. Nhưng lo sẽ không thể có con, cả bệnh nhân lẫn gia đình nhất định không đồng ý phẫu thuật.

Nghe theo lời truyền miệng của nhiều người, bệnh nhân bỏ bê điều trị và đi uống thuốc nam.

Bác sĩ 22 năm chữa bệnh hiểm nghèo, tìm cách giữ thiên chức làm mẹ cho bệnh nhân ung thư - Ảnh 5.

22 năm làm nghề, vị bác sĩ từng chứng kiến nhiều trường hợp bệnh đặc biệt.

"Lúc quay trở lại viện thì khối u vỡ ra rồi. Quá bức xúc và trong tình thế nguy cấp, tôi buộc phải nói cứng với bệnh nhân rằng phải mổ bằng mọi giá, không phẫu thuật chỉ có đường chết. Nhờ vậy cô mới đồng ý" – bác sĩ Nhân xót xa kể lại.

Bằng kinh nghiệm làm nghề, vị bác sĩ xác định bệnh nhân có thể bảo tồn được chức năng sinh sản vì u chỉ xuất hiện ở một bên buồng trứng.

Kíp mổ đã cắt phần phụ, mạch máu đồng thời giữ lại tử cung, buồng trứng cho bệnh nhân. Sau mổ và hóa trị ổn định, đến nay bệnh nhân vẫn còn sống cũng như đã sinh 2 đứa con kháu khỉnh.

Bác sĩ 22 năm chữa bệnh hiểm nghèo, tìm cách giữ thiên chức làm mẹ cho bệnh nhân ung thư - Ảnh 6.

Nhiều trường hợp bằng tinh thần lạc quan đã vượt qua được bệnh tật.

Nhưng may mắn không phải lúc nào cũng mỉm cười. Năm 2017, một cô gái (22 tuổi, quê TP.HCM) chưa lập gia đình, quan hệ với bạn trai rồi phát hiện xuất huyết.

Khi đến BV Từ Dũ thăm khám, bệnh nhân có khối u nguyên bào nuôi nơi nhau bám (hiếm gặp).

Bác sĩ 22 năm chữa bệnh hiểm nghèo, tìm cách giữ thiên chức làm mẹ cho bệnh nhân ung thư - Ảnh 7.

Có những trường hợp, bác sĩ phải tìm cách thuyết phục bệnh nhân phẫu thuật.

"Chúng tôi phải mổ bóc khối u ở tử cung cho bệnh nhân. Cô ấy còn quá trẻ và muốn có thai nên phải tìm mọi cách bảo toàn chức năng sinh sản. Tuy nhiên sau phẫu thuật giữ lại tử cung, khối u di ăn sang hạch và vùng chậu.

Hóa trị xong, khối u lại tiếp tục di căn lên hạch chủ. Trước tình trạng xâm lấn quá nhiều các cơ quan, ekip buộc phải lựa chọn cắt hoàn toàn tử cung để giữ mạng sống cho bệnh nhân.

Trải qua rất nhiều lần mổ, bệnh nhân bị biến chứng thủng ruột, viêm phúc mạc phải đưa hậu môn tạm ra ngoài. Dù chịu rất nhiều đau đớn, bệnh nhân với tinh thần lạc quan đã lần lượt vượt qua, hồi phục sức khỏe và đóng được hậu môn tạm.

Nhưng vì bệnh ở giai đoạn muộn, cô dần suy kiệt và mất sau gần 2 năm điều trị. Ý chí của cô ấy khiến giờ nghĩ lại tôi vẫn khâm phục" – bác sĩ Nhân tâm sự.

Mỗi năm, bệnh viện Từ Dũ phát hiện gần 1.000 ca bệnh nhân bị thai trứng và ung thư nguyên bào nuôi. Một con số khủng khiếp.

Bác sĩ 22 năm chữa bệnh hiểm nghèo, tìm cách giữ thiên chức làm mẹ cho bệnh nhân ung thư - Ảnh 8.

Bệnh nhân thăm khám trước sinh tại BV Từ Dũ.

"Bệnh lý thai trứng thường gặp ở phụ nữ trẻ. Nó không phải thai bình thường mà do đột biến nhiễm sắc thể. Vì thai trứng hình thành do có sự giao hợp và bụng vẫn lớn, nhiều chị em dễ nhầm lần với mang thai thật.

Thai trứng kết hợp những yếu tố nguy cơ có thể chuyển sang ung thư nguyên bào nuôi.

Ban đầu, bệnh biểu hiện ở chỗ xuất huyết nhiều. Nếu bệnh nhân không đi điều trị kịp có thể bị băng huyết và thậm chí tử vong vì mất máu.

Khi chuyển sang giai đoạn ung thư nguyên bào nuôi, bệnh nhân có nguy cơ bị di căn xuống dưới âm đạo, di căn ổ bụng, phổi hoặc lên não.

Nếu đã di căn thì điều trị rất lâu dài và tốn kém, đặc biệt khi bệnh nhân không có bảo hiểm.

Có những trường hợp phải cắt trọn tử cung, không còn khả năng sinh mà bệnh nhân lại chưa có con rất tội nghiệp. Do đó, chị em phụ nữ mang thai không nên chủ quan khi có triệu chứng như trễ kinh, nghén nhiều, ra huyết bất thường" – bác sĩ Nhân trăn trở.

Người bác sĩ coi bệnh nhân ung thư như người nhà

Để vượt qua và đi được ngần ấy năm với nghề y lắm áp lực vất vả, bác sĩ Nhân tiết lộ bí quyết rất đơn giản. Đó là phải luôn coi người bệnh ung thư như người nhà mình để thấy được đau khổ của họ.

Và với anh để theo đuổi con đường ung bướu phụ khoa, người bác sĩ phải học hỏi rất nhiều kỹ năng như mổ hở, mổ nội soi, phải biết thêm kiến thức về Ngoại tổng quát, cấp cứu… để khi cần thì áp dụng ngay.

Bác sĩ 22 năm chữa bệnh hiểm nghèo, tìm cách giữ thiên chức làm mẹ cho bệnh nhân ung thư - Ảnh 9.

Bác sĩ Nhân luôn coi bệnh nhân như người thân của mình.

Bác sĩ Nhân nhận định: "Phải luôn học hỏi từ sách vở, đàn anh, từ người bệnh... Không bao giờ được chủ quan vì kiến thức ngày càng mới, nếu không vững căn bản thì khó mà tiến xa".

Bác sĩ 22 năm chữa bệnh hiểm nghèo, tìm cách giữ thiên chức làm mẹ cho bệnh nhân ung thư - Ảnh 10.

Ngoài khám chữa bệnh thì bác sĩ cũng thường hỏi han, trò chuyện với bệnh nhân.

Chính vì những áp lực chuyên môn lẫn dư luận mà theo bác sĩ, ngành ung bướu phụ khoa ngày càng ít người đam mê.

Đã có 2 con gái nhỏ, bác sĩ Nhân cho biết mình luôn tôn trọng quyết định tương lai của con. Tuy nhiên, anh vẫn hướng con theo nghiệp y như cha mẹ. Bởi dù cực, phải thức đêm hôm nhiều nhưng được làm nghề y là được mang nghĩa vụ rất thiêng liêng.

Bác sĩ 22 năm chữa bệnh hiểm nghèo, tìm cách giữ thiên chức làm mẹ cho bệnh nhân ung thư - Ảnh 11.

Vị bác sĩ khẳng định sẽ luôn đặt mạng sống bệnh nhân lên tất cả.

Nhận xét về bác sĩ Võ Thanh Nhân, bác sĩ Lê Ngọc Diệp - Trưởng phòng CTXH, bệnh viện Từ Dũ chia sẻ: Bác sĩ Nhân là người luôn tận tâm trong từng ca mổ, luôn cố gắng hết sức mình, đi đến tận cùng để lựa chọn phương án xử trí tốt nhất cho bệnh nhân. Với đàn em, bác sĩ Nhân không bao giờ ngại chia sẻ kinh nghiệm làm nghề, cách phẫu thuật, nhất là với những kiến thức điều trị ung thư.

Chia sẻ