Bà mẹ 3 con bỏ công việc trợ lý giám đốc lương cao để "chạy" theo đam mê đồ da

Lynk, Ảnh: Bảo Hoà,
Chia sẻ

Người phụ nữ 30 trải qua biết bao khó khăn cực khổ mới thành công, nhận ra rằng điều hạnh phúc nhất không phải ở thành công của công việc, mà quan trọng là được làm việc mình yêu thích.

Đầu quân cho một tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam ngay sau khi tốt nghiệp đại học, tuổi trẻ và sự nhiệt huyết đã giúp chị Phạm Thị Mai (sinh năm 1983) có được vị trí, môi trường làm việc đáng mơ ước so với nhiều bạn trẻ cùng thời. Tuy nhiên, với khát khao tạo dựng một công việc mang dấu ấn cá nhân, chị đã từ bỏ giày cao gót, máy lạnh và những bộ đồ công sở.

bà chủ thương hiệu đồ da thủ công
Bà chủ 8X của thương hiệu đồ da thủ công - Phạm Thị Mai.

Một ngày cách đây 4 năm, khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao, bà mẹ không còn trẻ bất ngờ quyết định nộp đơn thôi việc, hiện thực hoá ước mơ làm đồ thủ công mà chị đam mê từ ngày nhỏ. Dù bị gia đình ngăn cản, không ủng hộ, nhưng chị Mai vẫn kiên trì với sở thích khâu vá, may túi ví da, bắt đầu bằng việc “xây tổ” trong căn gác áp mái vỏn vẹn 12m2, miệt mài "ấp" giấc mơ riêng. Và hiện tại, chị trở thành bà chủ bản lĩnh được nhiều người biết đến ở tuổi 33.

Thất bại là mẹ thành công

Năm 2013, lúc nghỉ việc, mức lương của chị Mai ở vị trí trợ lý ban giám đốc là 15 triệu. Ai cũng bảo chị dại, phụ nữ có công việc ổn định, dành thời gian chăm sóc chồng con là đủ rồi, vậy mà chị lại từ bỏ nó để bước đi trên con đường biết trước gập ghềnh.

bà chủ thương hiệu đồ da thủ công
Một ngày của Mai luôn bắt đầu từ rất sớm với đủ thứ công việc ở xưởng đồ da.

Xa nhà từ năm 5 tuổi, ở với họ hàng, tự lập từ bé, Mai nhớ mình đã từng là một cô bé khép kín, ít giao tiếp. Lên cấp 3, chị mới cởi mở, giao tiếp nhiều hơn. Sở thích làm đồ handmade đã nhen nhúm trong Mai từ hồi xíu xiu, chị thường tỉ mẩn ngồi làm tranh, thiếp, bàn ghế mini… để tặng bạn bè. Chẳng ai nghĩ rằng, nó lại là bước đệm để cô bé nhút nhát ngày ấy lột xác làm bà chủ khi chưa đầy 30 tuổi.

Lớn lên, ai cũng ngưỡng mộ lẫn ghen tị khi đứng ngoài nhìn vào, thấy cuộc đời chị thật suôn sẻ. Nhưng sự thật là, chị đã phải đối mặt với rất nhiều ngã rẽ khó khăn, nhất là từ khi quyết định nghỉ việc.

“Nguồn da thuộc thị trường các tỉnh phía Bắc ngày đó vẫn kinh doanh theo truyền thống nên không thể dựa vào google để tìm, chỉ có thể trực tiếp đi nghiên cứu, thăm dò. Có lần đang chở da trên đường, dừng đèn đỏ, một người đứng cạnh nói vội cho nghe về 1 làng nghề thuộc da, ngay hôm sau mình háo hức xách xe đi dò hỏi luôn. Lúc đó làm mọi thứ theo cảm tính, cứ bỏ tiền ra và mua nguyên liệu theo ý nghĩ thôi, không tính toán quá nhiều. Để rồi lỗ hơn lãi, chính mình còn không dám thống kê số tiền mua hỏng, mua sai do thiếu kinh nghiệm và chủ quan”. Chị Mai tâm sự.

bà chủ thương hiệu đồ da thủ công
Không biết vì đâu mà những tấm da lại có sức hút mãnh liệt với một người phụ nữ.

bà chủ thương hiệu đồ da thủ công
Từ căn gác xép bé xíu ngày nào, giờ chị đã có trong tay một xưởng đồ da lớn và cửa hàng tại Thanh Xuân, Hà Nội.

bà chủ thương hiệu đồ da thủ công

bà chủ thương hiệu đồ da thủ công
Những thứ tí hon này đã mê hoặc Mai suốt mấy chục năm, khiến chị bỏ việc văn phòng lương cao để dành thời gian gắn bó với chúng.

bà chủ thương hiệu đồ da thủ công
Giờ đã thành bà chủ, nhưng Mai vẫn thường tự tay làm sản phẩm, nghiên cứu ra nhiều cái mới mẻ.

Chị vẫn nhớ, món đồ da đầu tiên tự tay chị làm là một chiếc túi big size cho bản thân mình. Mất mấy ngày trời loay hoay trong căn gác cũ kỹ chật hẹp nằm cheo leo trên tầng 6 của ngôi nhà trên phố Đặng Văn Ngữ, gãy gần chục cái kim, tay nổi gân, mỏi nhừ, cuối cùng chị cũng hoàn thành. Kết quả là một chiếc túi méo mó, không dám mang khoe ai! Ngồi giữa đống ngổn ngang, chị bật khóc, hoang mang, lo lắng, vì không biết quyết định này sẽ đưa mình tới đâu?

bà chủ thương hiệu đồ da thủ công
Mai (ở giữa) những ngày đầu khởi nghiệp bên các sản phẩm đầu tay bày bán tại hội chợ.

Câu hỏi đó đã ám ảnh chị Mai suốt một thời gian dài, khiến chị stress, nhưng vẫn không từ bỏ giấc mơ sở hữu cửa hàng túi ví xinh xắn của riêng mình. Chị bật dậy, không nằm ủ rũ nữa, tuyển thêm một vài thợ trẻ chưa hề có kinh nghiệm làm đồ da, cùng tự học và tự thu lấy kinh nghiệm, cùng mọi người trong xưởng thiết kế và khâu tay những chiếc túi, ví, thắt lưng thủ công mang những dấu ấn cá nhân riêng, chào mời tới bạn bè và người thân, rồi sau đó cả khách lạ cũng dần tìm đến theo lời giới thiệu, chị cùng nhóm thợ nhỏ tất bật ngày đêm trong sự khấp khởi mừng thầm.

Tuy nhiên, những vấn đề lâu dài về thị trường bắt đầu nảy sinh, chị nhận thấy, cần phải chuyên nghiệp và khác biệt hơn.

bà chủ thương hiệu đồ da thủ công
Mai luôn nhiệt tình tâm huyết với khách hàng, tư vấn đầy đủ về sản phẩm khiến họ hài lòng.

bà chủ thương hiệu đồ da thủ công
Làm đồ thủ công không thể tránh khỏi sai sót, Mai vẫn có thói quen kiểm tra kỹ lưỡng sản phẩm trước khi đem bán.

Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của chị chính là cái ngày định mệnh phải đứng trước ngã 3 đường.

“Vốn quyết định là sẽ đầu tư thiết bị cho xưởng đồ da đi vào hoạt động quy củ hơn, nhưng ngay trước hôm nhập máy về thì sếp cũ gọi điện bảo mình quay về làm, đề bạt vị trí công việc mới với mức lương khá cao. Mình đã xin 1 ngày để suy nghĩ, bởi lúc ấy thực sự đắn đo phân vân giữa một bên là tình cảm với công ty cũ và một bên là con đường mình tự lựa chọn, tài chính thì khó khăn, áp lực lớn, tương lai chưa rõ ràng. Cuối cùng, mình quyết định chọn đi theo tiếng gọi đam mê, chấp nhận mọi thử thách”.

Không một ai, kể cả bản thân chị Mai biết được rằng, cuộc gọi từ chối lời mời của sếp cũ vào ngày hôm sau đã dẫn đến sự ra đời của một thương hiệu đồ da made in Vietnam chất lượng cao, được nhiều người tin tưởng ủng hộ như hiện tại.

Sau 6 tháng hoạt động với đơn đặt hàng nhỏ lẻ, xưởng đồ da thủ công của chị Mai bất ngờ nhận được lời đề nghị từ một công ty Hàn Quốc, yêu cầu cung cấp da nội thất cho một khách sạn lớn tại Hà Nội vào tháng 5/2014. Những tưởng da chỉ có thể làm túi, ví, sofa hay giầy dép hoặc các vật dụng trang trí, lúc đó chị mới được biết, da còn làm được gạch lát nền và ốp tường sang trọng, các khách sạn cao cấp trên khắp thế giới sử dụng rất nhiều.

Nhận dự án mà không có gì trong tay ngoài suy nghĩ “người ta làm được thì mình làm được”, chị lại rong ruổi đi tới những nhà máy thuộc da khắp cả nước để tìm hiểu về các loại da. Một chân trời mới lạ, một bể kiến thức mở ra khiến chị thêm khao khát khám phá. Những tấm da được thuộc bởi nhà máy Việt Nam theo tiêu chuẩn xuất EU, Mỹ, Nhật đầy màu sắc; những tấm da được nhập từ Ý, Thái Lan, Hàn Quốc – đẹp và thơm vô cùng, vốn chỉ thấy qua sản phẩm hàng hiệu nước ngoài, nay chị Mai được thấy tận mắt tận tay, cảm xúc khiến chị càng say mê đồ da nhiều hơn.

bà chủ thương hiệu đồ da thủ công
Mai gần như là người đi tiên phong trong việc sản xuất túi ví da thủ công cao cấp trong nước, được khách hàng yêu mến vì chất lượng.

bà chủ thương hiệu đồ da thủ công
Sản phẩm mang thương hiệu của Mai được ưa chuộng tại khắp mọi miền đất nước, là sự đền đáp xứng đáng cho tâm huyết chị bỏ ra.

Giao dịch đầu tiên kết thúc đã dạy cho bà chủ 33 tuổi một bài học rất sâu sắc về kinh doanh: nhận hợp đồng đã khó, thực hiện còn khó hơn, và lấy được tiền thanh toán thì… khó gấp 10! Chị đã dồn hết vốn liếng trong tay vào dự án nội thất khách sạn đó, vậy mà bị đối tác giữ tiền, chậm chi trả, khiến chị nhận ra thương trường khốc liệt thế nào. Ngồi trong văn phòng bàn giấy máy lạnh làm sao thấu hiểu được điều ấy? Chị bắt đầu gai góc, bình tĩnh, bản lĩnh hơn. Bụng bầu 6 tháng vượt mặt, một mình chị lặn lội vào Sài Gòn, tận dụng mọi sự giúp đỡ từ bạn bè, người quen mới đòi lại được số tiền lớn từ phía đối tác.

“Dự án ấy mình không thành công về mặt tài chính, nhưng bội thu về kinh nghiệm, là cú đá quá mạnh giúp mình tỉnh ngộ, thay đổi rất nhiều, và thành công về sau. Khó khăn hồi ấy còn bao nhiêu thứ khác nữa, sau khi đối mặt xử lý tất cả, mình càng dày dặn hiểu biết hơn, và thực sự bước chân vào ngành đồ da, tự tin với khả năng chọn da, tạo mẫu”. Nữ giám đốc trẻ mỉm cười.

Vụ làm ăn lỗ vốn ấy không phải là lần vấp ngã duy nhất. Mai từng thất bại đau hơn khi hợp tác phát triển một dự án giáo dục. Một mình đối mặt với khó khăn liên tiếp, ấy thế mà người phụ nữ nhỏ nhắn này chưa bao giờ chùn bước, như chú lật đật luôn tự mình đứng thẳng dù bị đùn đẩy ngả nghiêng tứ phía. Mỗi lần trải qua biến cố dù lớn hay nhỏ, Mai đều thu về bài học xương máu cho mình, trong cả chuyện kinh doanh lẫn các mối quan hệ khác. Cứ thế, chị trưởng thành hơn, vững vàng hơn, bản lĩnh hơn trước rất nhiều. Không thể hình dung nổi chị đã thất bại nhiều đến thế nào, nếu nó là "mẹ" thành công thì chị phải có vô vàn "mẹ" rồi!

bà chủ thương hiệu đồ da thủ công
Sản phẩm của chị được nhiều phụ nữ công sở ưa chuộng.

bà chủ thương hiệu đồ da thủ công
Nhiều lúc Mai nghĩ, nếu không có câu trả lời từ chối sếp cũ ngày trước, có lẽ giờ này chị vẫn loanh quanh bàn giấy, buồn tẻ và chẳng có đam mê gì.

Hiện tại những chiếc túi xách, ví da, phụ kiện mang thương hiệu do chị Mai sáng lập có giá dao động từ 400.000 – 500.000 đến vài triệu đồng, với nguồn da nhập khẩu chất lượng cao, được thừa nhận từ phía chuyên gia lẫn người tiêu dùng, phân khúc khách hàng chủ yếu là phụ nữ công sở. Và có một điểm đặc biệt khiến khách hàng yêu thích sản phẩm của chị là dịch vụ vô cùng dễ thương đi kèm: in dập tên/ chữ lên da theo yêu cầu để làm quà tặng, như in lên ví cầm tay, hộp bút... Mai luôn thấy hạnh phúc khi nhận được tin nhắn hoặc cuộc điện thoại nào đó, của một bà mẹ hay ông chồng trẻ, gửi lời cảm ơn vì đã giúp họ gửi lời yêu thương đến con cái, người thân.

Nó không chỉ là công việc, nó là thứ giá trị hơn cả lời lãi, mỗi món đồ chị làm ra có thể chứa đựng cả một câu chuyện xúc động dành cho ai đó. Thế nên, chẳng ngày nào Mai thấy chán dù bận rộn ngập đầu.

Nữ giám đốc chia sẻ lời khuyên khi mua sắm đồ da, phụ kiện da dành cho các chị em: "Đối với các sản phẩm da mua tại Việt Nam, nguyên liệu thường được ghi chung chung là "da thật". Tuy nhiên, với các sản phẩm có xuất xứ châu Âu, Mỹ, Nhật thì phần này được ghi rất cụ thể là Full Grain, Top Grain, Protected Grain... là tên gọi của da thật ở mỗi lớp khác nhau. Tùy thuộc theo đó mà chất lượng, cách sử dụng, bảo quản và độ cảm của da cũng rất khác nhau, chị em nên chú ý để mua cho chuẩn và dùng bền hơn".


Giao nhiệm vụ cho chồng không được nói từ "thôi" khi vợ chán nản

Trong suốt quãng thời gian khởi nghiệp với đồ da, Mai luôn cảm thấy may mắn được bạn bè, anh, chị đi trước trong ngành vô tư tận tình chỉ bảo, đặc biệt là sự đồng cam cộng khổ của một người bạn trong mấy năm đầu cùng nhau xây dựng thương hiệu. Sai làm lại, từng bước đi lên, cuối cùng, chị đã tạo lập được chỗ đứng vững chắc cho thương hiệu của mình. Cái tên chị đặt cho đứa con tinh thần ấy cũng được ghép bởi 2 từ rất ý nghĩa là “đồ da” và “đẳng cấp”.

Bí quyết thành công, theo Mai rất đơn giản: “Mình làm việc bằng nhiệt huyết từ cả trái tim. Vốn dĩ mình không hợp, và cũng không hề thích kinh doanh, nhưng cuối cùng lại học marketing và đi buôn thế này (cười). Mình luôn tận tình chỉ dẫn cho khách, tư vấn tất cả mọi thứ họ cần, bất kể đêm khuya sáng sớm hay họ ở đâu trên bản đồ Việt Nam. Thế nên, may mắn mình được nhiều khách yêu mến, phát triển rộng rãi được như bây giờ”.

bà chủ thương hiệu đồ da thủ công

bà chủ thương hiệu đồ da thủ công
Công việc thuận lợi, ổn định hơn, nhưng vì thế Mai ít có thời gian dành cho chồng con, chị đang cố gắng dung hoà cả 2 vai trò của người phụ nữ.

Có 3 con nhỏ, tự khởi nghiệp không hề dễ dàng, chị Mai chia sẻ: “Điều may mắn nhất là mình có được sự ủng hộ của gia đình, đặc biệt là chồng, mình không thể làm được gì nếu không có người thân. Dù thời gian đầu tất cả mọi người đều phản đối, rồi có những giai đoạn mình khủng hoảng thực sự, áp lực công việc, con cái… khiến mình muốn vứt bỏ tất cả. Nhưng sau tất cả, gia đình vẫn luôn bên cạnh, thường xuyên an ủi, cho lời khuyên giúp mình tỉnh táo trước mọi vấn đề.

Riêng chồng thì mình "giao nhiệm vụ" cho anh là không được nói từ "thôi" với vợ, bất cứ khi nào vợ nhăm nhe ý đồ buông xuôi chán nản, lập tức phải động viên nâng cao tinh thần. Anh "chấp hành" khá tốt, nhưng đôi khi vẫn thương vợ quá, muốn mình nghỉ ngơi.

Có thể nói, người phụ nữ không thể thành công nếu không nhận được sự ủng hộ từ gia đình, lại càng phải học cách cân đối giữa công việc và tổ ấm. 1 ngày mình làm việc đến 10 tiếng đồng hồ, có khi hơn, cái gì cũng động tay vào, nên lắm lúc về nhà, nhìn các con tranh cãi nghịch ngợm, cũng mệt mỏi lắm. Rồi đôi khi chúng nài nỉ mẹ ngủ sớm cùng, lâu rồi không đưa chúng đi chơi, cũng thấy có lỗi và chạnh lòng chứ. Được cái này thì mất cái khác, mình không dám than thở vì kiểu gì chồng cũng xót, bắt mình nghỉ ngơi. Thực sự mình biết ơn chồng, bố mẹ, các con, và nhiều người thân thiết xung quanh, cả khách hàng đã làm động lực, chỗ dựa tinh thần để mình cố gắng mỗi ngày, cống hiến sản phẩm đẹp cho mọi người và không lãng phí giây phút nào trong cuộc đời”.

bà chủ thương hiệu đồ da thủ công
Hậu phương vững chắc nhất, đem lại niềm hạnh phúc lớn nhất của nữ giám đốc đầy nghị lực.

Mạnh mẽ ra sao thì Mai vẫn chỉ là một người phụ nữ, nên chị có thói quen ghi nhật ký cảm xúc trên facebook, và để chế độ "một mình", vì theo như chị chia sẻ thì đó là cách cân bằng tâm lý ở tuổi "ngấp nghé già" mà không làm phiền đến ai. Sau một thời gian, đọc lại những gì từng viết, Mai lại có cái nhìn khác đi về bản thân mình trong quá khứ, và lắm lúc chị à lên, sao lúc ấy mình tiêu cực thế, thực tế không nghiêm trọng đến vậy. Chị học được cách kiềm chế cảm xúc tốt hơn, và sống lạc quan hơn. Phụ nữ trưởng thành, thông minh, khéo léo, thường có những bí mật nhỏ xinh như thế, giống như bí kíp để thành công.

Tạm gác lại bộn bề lo toan, Mai dựa mình vào chiếc ghế nhỏ trên gác 2 của cái xưởng mới thuê. Hà Nội bắt đầu chuyển mùa, chị cũng chuyển địa điểm kinh doanh, và hoàn hảo làm sao, chị tìm được chỗ vừa có thể làm cửa hàng, bên trong dựng xưởng may, và phía trên làm văn phòng, kho chứa. Chị yên tâm hơn vì thợ ngồi trong xưởng những ngày nắng 40 độ không còn chịu cảnh nóng bức ngột ngạt như căn phòng áp mái ngày xưa, cũng chẳng lo lúc trời mưa phùn gió bấc. Người nữ giám đốc tận tâm ấy luôn suy nghĩ chu đáo cho cả công việc lẫn mọi người xung quanh mình như thế. Ngày nào mở mắt ra cũng một đống thứ cần giải quyết, nhưng Mai hài lòng với sự bận rộn đó, bởi chị được thoả mãn đam mê cho mình, cho người, cống hiến cho xã hội.

Hơi muộn để nhận ra rằng, điều hạnh phúc nhất không phải ở sự thành công mà quan trọng nhất là được làm việc mình yêu thích, nhưng Mai cảm thấy mình đã đi đúng hướng. Startup với phụ nữ không phải là đánh đổi mà nó là sự bổ sung để trở thành một phụ nữ có hoài bão. Chị đã trở thành người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều chị em khác, bởi ý chí đi lên không ngừng, không bao giờ tỏ ra yếu đuối, và tinh thần cầu thị nằm trọn trong dáng vóc nhỏ nhắn của mình.

Chia sẻ