AP tiết lộ những sự thật về sữa ngoại ở Việt Nam

,
Chia sẻ

Trong số những vi phạm nghiêm trọng nhất mà AP nắm được là việc các bác sĩ được trả hoa hồng để bán sữa bột.

Các hướng dẫn quốc tế và luật pháp VN đều thừa nhận rằng sữa mẹ là quan trọng nhất cho sức khỏe của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, hàng chục cuộc phỏng vấn với các bà mẹ, bác sĩ, nhân viên y tế và những người bán hàng đã cho thấy các công ty sữa đã trả tiền để khuyến khích dùng sản phẩm của họ. Họ thúc đẩy việc dùng sữa bột cho trẻ dưới một tuổi, tiếp cận các bà mẹ, các nhân viên chăm sóc y tế tại các cơ sở y tế..., một cách trái luật.

Theo UNICEF, số các bà mẹ VN cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu - thời kỳ quan trọng nhất - hiện chỉ là 17%, ít hơn một nửa so với cách đây một thập kỷ. Trong khi đó, sữa công thức (sữa bột) bán ở VN đã tăng vọt 39% trong năm 2008, theo nghiên cứu của Nielsen, một công ty nghiên cứu thị trường.

Một khảo sát khác tìm thấy ngành công nghiệp sữa đã chi hơn 10 triệu đôla cho quảng cáo năm ngoái, đưa ngành này vào top 5 lĩnh vực quảng cáo nhiều nhất tại VN.

Các nhà sản xuất sữa bột cho biết họ tuân thủ luật pháp VN và lý giải xu thế tiêu thụ sữa bột ngày càng tăng chủ yếu là do các bà mẹ có tiền để mua sữa và ít có thời gian để nuôi con bằng sữa mẹ. Các chuyên gia y tế phần nào đồng ý với ý kiến đó, nhưng cũng chỉ ra một lý do khác: Đó là sự quảng cáo dồn dập của các hãng sữa.

Tình trạng quảng cáo sữa công thức tràn lan không chỉ ở VN, mà rất phổ biến trong cả vùng, từ Trung Quốc tới Indonesia, Philippines, theo Trung Tâm dữ liệu Luật pháp Quốc tế (một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Malaysia nhằm tìm cách giảm thiểu việc quảng cáo vô trách nhiệm với thực phẩm trẻ em).

"Các nhân viên y tế là một phần trong cánh tay quảng cáo cho những sản phẩm này", Jean-Marc Olive, trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại VN, cho biết.

Thực trạng ở VN cho thấy các nước đang phát triển rất khó khăn khi phải "đối đầu" với các công ty đa quốc gia có ngân sách quảng cáo khổng lồ và đội ngũ luật sư cũng như bán hàng thiện chiến.
 

"Các công ty này nắm trong tay hàng triệu đôla và hàng chục luật sư, nhưng Chính phủ VN chỉ có một ngân sách tí hon và với chỉ 2 tổ chức thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ", Annelies Allain từ Trung Tâm dữ liệu Luật pháp Quốc tế, nhận định.

Đầu tháng 8 vừa qua, trong Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ, Chính phủ VN đã đặt ra tham vọng: 50% các bà mẹ sẽ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn vào năm 2015. Các quan chức Bộ Y tế cũng thông báo họ đã phát hiện hàng chục vụ vi phạm quy định về dán nhãn sữa công thức. Tuy nhiên, chỉ có một vụ bị truy thu tiền - chưa đầy 200 đôla.

Trong số những vi phạm nghiêm trọng nhất mà AP nắm được là việc các bác sĩ được trả hoa hồng để bán sữa bột.

Cựu phó giám đốc một phòng khám sức khỏe cho phụ nữ ở tỉnh Đồng Nai, cho biết, nhân viên ở đây đã có hợp đồng độc quyền với Dutch Lady. Theo đó, các nhân viên của phòng khám không quảng cáo sữa cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, nhưng thường khuyên dùng cho trẻ từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi. Họ nhận được một khoản tiền hoa hồng nhỏ cho mỗi hộp sữa.

Tuy nhiên Jan Bles, Giám đốc Dutch Lady tại VN, phủ nhận thông tin này. "Chúng tôi không chi hoa hồng cho các bác sĩ, bệnh viện, phòng khám hoặc nhân viên của họ trong việc bán hoặc giới thiệu sữa của chúng tôi", ông nói. Tuy nhiên, ông thừa nhận đã cung cấp trang thiết bị cho phòng khám này, và ở ngoài phòng chờ của phòng khám có treo một logo lớn của Dutch Lady.

Giám đốc phòng khám thì cho biết phòng khám ký hợp đồng để quảng cáo sản phẩm sữa bột của Dutch Lady cho các bà bầu và phụ nữ nuôi con nhỏ, nhưng không bán sản phẩm cho trẻ em hoặc nhận hoa hồng trên mỗi hộp sữa.

Mặc dù tại VN, việc bán sữa bột cho trẻ sơ sinh tại các bệnh viện (trừ các nhà thuốc) là bất hợp pháp, nhưng lối đi ngay bên ngoài một bệnh viện phụ sản lớn ở Hà Nội lại đầy rẫy những cửa hàng trưng bày nổi bật các nhãn sữa của Mỹ và châu Âu.

"Hầu hết khách hàng của chúng tôi là do bác sĩ gửi tới ngay sau khi sinh", Ngo Thanh, 27 tuổi, người đã làm việc cạnh bệnh viện này trong 5 năm cho biết. Cô và những người bán hàng khác cho biết khách hàng của họ mang nhãn hoặc nắp nhựa từ các vỏ hộp sữa bột trở lại cho bác sĩ.

Các bác sĩ lương thấp ở VN là mục tiêu dễ đàng cho những công ty sữa bột, thứ mang lại cho họ "lợi ích kinh khủng", tiến sĩ To Minh Huong, phó giám đốc Bệnh viện phụ sản của Hà Nội, cho biết.

Bà kể năm ngoái đại diện các công ty đã đến bệnh viện và đóng vai là những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp để hỏi thông tin về bệnh nhân. "Khi chúng tôi hỏi chứng minh thư, họ đã chạy mất", bà nói.

Luật pháp VN cũng cấm các những người bán sữa tiếp cận với nhân viên y tế hoặc các bà mẹ tại các cơ sở y tế. Về vấn đề này, Gail Wood, phát ngôn viên của hãng Mead Johnson, cho biết nhân viên của công ty tôn trọng luật này và các luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, Nguyen Thi Minh, 29 tuổi, ở Hà Nội, cho biết mình đã được nhân viên bán hàng của Mead Johnson tiếp xúc tại một bệnh viện phụ sản ở Hà Nội không lâu trước khi sinh.

"Tôi chọn sữa EnfaGrow của Mead Johnson vì quảng cáo nói rằng nó làm tăng IQ của trẻ và khiến chúng cao hơn", Minh nói.

Các bà mẹ khác được tiếp cận qua điện thoại. Hàng chục người cho AP biết họ đã nhận được "bom" điện thoại từ những người bán hàng. Minh cho biết chị nhận được các cú điện thoại từ Abbott và Mead Johnson khi bé nhà chị 3 tháng tuổi. Một bà mẹ khác, Nguyen Lan Huong, nhận 4 cuộc gọi từ Abbott.

"Họ hẳn phải biết được tên của các bà mẹ từ bệnh viện", chị nói. "Họ biết tên tôi, tên con tôi và ngày sinh của nó".

Sữa mẹ làm giảm đáng kể tình trạng chết yểu ở trẻ sơ sinh, theo các chuyên gia y tế thế giới. WHO đã khuyến cáo các bà mẹ nên cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, và tiếp tục cho bú, kèm ăn bổ sung thực phẩm rắn, cho đến khi trẻ 2 tuổi.

Nếu tính theo phần trăm các bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, thì ở VN tỷ lệ này khá kém cỏi.

"Đây là một trong những nơi kém nhất trong vùng, và điều đó xảy ra trong hơn 8 năm qua", Marjatta Tovanen-Ojutkangas, giám đốc bộ phận dinh dưỡng và y tế của UNICEF ở Hà Nội, nhận định.

Luật quốc tế về quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ, do WHO và UNICEF tài trợ, không có tính bắt buộc. Các nước sẽ căn cứ vào luật này để xây dựng luật của riêng mình. VN thực hiện điều đó vào năm 1994. Nhưng các kẽ hở trong luật khiến cho nó khó mà quy trách nhiệm được cho các công ty sữa, Yeong Joo Kean, một luật sư của Trung tâm Dữ liệu Luật pháp Quốc tế, cho biết.

Không chỉ sữa cho trẻ nhỏ, mà sữa cho trẻ lớn và các bà mẹ cũng đang làm mưa làm gió trên thị trường vài năm gần đây. Những sản phẩm này không bị luật chi phối nghiêm ngặt, nên các công ty có thể quảng cáo tự do và đánh bóng tên tuổi nhãn hàng.

Trường mẫu giáo trên khắp Hà Nội và TP HCM treo đầy logo của Mead Johnson và Abbott - những nhà tài trợ đã tặng họ bàn ghế, đồ chơi và những món quà khác. Các công ty đều đặn hứa hẹn rằng trẻ em sẽ thông minh hơn và khỏe mạnh hơn nếu chúng uống sữa công thức, lời khẳng định vốn bị các chuyên gia y tế quốc tế bác bỏ rộng rãi.

Một quảng cáo truyền hình cho Milex, nhãn sữa Đan Mạch, cho thấy một cậu bé diện đồng phục của NASA, với khuyến cáo rằng uống sữa này trẻ sẽ thông minh đủ để bay lên mặt trăng.

Những nhân viên tiếp thị sữa cũng thường mời các bà mẹ tới "hội thảo dinh dưỡng trẻ em" tổ chức tại các khách sạn 5 sao, nơi các bà mẹ sẽ được nghe bài nói chuyện về việc đánh thức trí thông minh tiềm năng của trẻ. Điều đáng nói là các bác sĩ thường có mặt trong những hội thảo này.

Mối quan hệ giữa các công ty và cộng đồng y tế là rất chặt chẽ, ông Oliver, Trưởng đại diện WHO tại VN, nhận định. Không lâu sau khi tới VN, ông đã được mời tới nói chuyện tại một hội thảo của hiệp hội nhi khoa và nhận thấy có một logo sữa bột đã treo ngay sau bục phát biểu.

"Tôi đã quay nó đi trước khi phát biểu", ông nói.
 
Theo Vnexpress
Chia sẻ