An táng với kho báu nặng hơn 500 tấn, trong lăng mộ của Võ Tắc Thiên cất giấu bảo vật gì?

TRẦN QUỲNH,
Chia sẻ

Tương truyền rằng, số cổ vật được hạ táng cùng Võ Tắc Thiên năm xưa có giá trị bằng 1/3 nguồn tài chính thu vào của cả Đường triều thời bấy giờ.

Là vị Nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc, mọi sự kiện, giai thoại lịch sử có liên quan tới Võ Tắc Thiên đều thu hút được sự chú ý của người đời.

Không nhắc tới những giai thoại về đời tư hay các câu chuyện mang màu sắc chính trị, chỉ riêng nơi an nghỉ "bất khả xâm phạm" của bà tại Càn lăng cũng đã trở thành chủ đề được hậu thế bàn luận từ năm này qua năm khác.

Điều càng khiến mọi người thán phục nằm ở chỗ, theo dự đoán của các nhà sử học, khối lượng văn vật, bảo bối được cất giấu trong lăng mộ ấy ít nhất phải nặng tới… 500 tấn!

An táng với kho báu nặng hơn 500 tấn, trong lăng mộ của Võ Tắc Thiên cất giấu bảo vật gì? - Ảnh 1.

Con đường dẫn vào Càn Lăng - nơi an nghỉ của Võ Tắc Thiên và Đường Cao Tông. (Ảnh: Nguồn Baidu).

Lăng mộ "ngàn năm vẫn vững" ẩn chứa kho báu khổng lồ

Càn lăng là một công trình kiến trúc có niên đại từ thời nhà Đường, nằm tại huyện Càn, cách Tây An hơn 80km về phía Tây Bắc. Đây là lăng một được phát hiện đã lâu nhưng vẫn chưa được giới khảo cổ khám phá.

Bản thân công trình này sở hữu rất nhiều điểm đặc thù. Trong đó tiêu biểu phải kể tới là:

Thứ nhất, đây là ngôi mộ duy nhất tại Trung Quốc hợp táng hai vị Đế vương. Trên thực tế, Càn lăng không chỉ là nơi an nghỉ của Võ Tắc Thiên mà đồng thời cũng chôn cất Đường Cao Tông Lý Trị.

Thứ hai, Càn Lăng là lăng mộ hoàng gia thời nhà Đường duy nhất chưa từng bị xâm phạm, cũng chưa được khai quật.

Thứ ba, bên ngoài khu lăng mộ này có dựng một tấm "vô tự bia". Cho tới ngày nay, tấm bia không chữ này vẫn là một trong những bí ẩn lịch sử đang chờ người đời giải mã.

An táng với kho báu nặng hơn 500 tấn, trong lăng mộ của Võ Tắc Thiên cất giấu bảo vật gì? - Ảnh 2.

"Vô tự bia" dựng trước Càn lăng - tấm bia không chữ để lại cho hậu thế nhiều bí ẩn. (Ảnh: Nguồn Baidu).

Từ những điểm đặc thù kể trên, không khó để tưởng tượng số lượng văn vật mai táng bên trong lăng mộ này vô cùng phong phú. Bởi hậu thế đều biết, giai đoạn Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên tại vị cũng là thời kỳ phồn thịnh nhất của lịch sử nhà Đường.

Theo tài liệu ghi lại, khi Đường Cao Tông qua đời, số văn vật được hạ táng cùng ông có giá trị bằng 1/3 tài chính thu vào của quốc gia. Lượng báu vật được mai táng vào Càn Lăng khi Võ Tắc Thiên qua đời cũng tương đương con số ấy.

Điều này đủ để thấy kho báu bên trong lăng mộ của hai vị Hoàng đế này đồ sộ tới nhường nào. Nếu đúng như những gì sử liệu ghi chép, thì số lượng cổ vật quý giá được cất giấu tại Càn Lăng lên tới hơn 500 tấn là điều hoàn toàn có thể.

Hé lộ danh tính những bảo vật được cất giấu bên trong Càn lăng

Một trong những bí mật khiến hậu thế càng thêm tò mò về khối văn vật được chôn cất bên trong Càn lăng chính là giá trị của số kho báu ấy.

Phải biết rằng, mọi đồ vật được an táng tại nơi an nghỉ của hai vị Hoàng đế đều là những cổ vật được hoàng gia ngự dụng. Giá trị của chúng không đơn thuần chỉ dựa vào chất liệu để đánh giá.

Bên cạnh vàng bạc, châu báu, các tác phẩm nghệ thuật đắt giá an táng cùng được Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên cũng được giới chuyên gia vô cùng chú ý.

An táng với kho báu nặng hơn 500 tấn, trong lăng mộ của Võ Tắc Thiên cất giấu bảo vật gì? - Ảnh 3.

Ngoài những kỳ trân dị bảo quý hiếm, Càn lăng được tin là nơi chôn cất nhiều tác phẩm nghệ thuật vô cùng giá trị. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).

Tương truyền rằng, Cao Tông Lý trị khi còn sống đã từng có được bản gốc của tác phẩm thư pháp "Lan Đình Tự" của Thư thánh Vương Hy Chi. Sau này, bức thư pháp nổi tiếng ấy cũng được hạ táng trong lăng mộ của nhà vua.

Ngoài ra, nếu Càn lăng được khai quật, hậu thế rất có thể sẽ tìm được những tập thơ có bút tích của Võ Tắc Thiên, trong đó tiêu biểu là trăm cuốn "Thùy Củng tập" và 10 cuốn "Kim Luân tập".

Với số lượng kho báu đồ sộ mang giá trị khổng lồ, Càn lăng từng trở thành mục tiêu săn lùng của không ít người trong suốt chiều dài lịch sử.

Năm xưa, Hoàng Sào từng cắt cử 40 vạn đại quân tìm kiếm kho báu tại Càn lăng nhưng không thành. Ôn Thao cử mấy chục ngàn người đào bới, sau lại đành trắng tay ra về. Tôn Liên Trọng lấy lựu đạn nổ ba tầng núi cũng chẳng có hiệu quả.

Vậy rốt cục bên trong Càn lăng cất giấu bí mật gì? Đáp án cho câu trả lời ấy vẫn đang tiếp tục chờ hậu thế giải mã.

Nếu quả thực số cổ vật được cất giấu tại Càn lăng đúng như sử liệu ghi chép, thì việc công trình này được công nhận là kỳ quan thế giới cũng hoàn toàn có thể.

Chia sẻ