Tô miến gà như thang thuốc cảm

,
Chia sẻ

Hít hà hơi nóng từ tô miến gà nóng hổi với đủ hạt tiêu, hành, ngò và tận hưởng chất kẽm trong ức gà, năng lượng trong sợi miến đúng độ... thì chẳng thuốc tây giải cảm nào sánh kịp.

Dù mưa hay nắng, không tha một ai, già trẻ trai gái, có dịp là cảm cúm ra tay ngay. Khổ một nỗi là cảm cúm tuy trước mắt không diễn biến quá nghiêm trọng, thường không có đoạn kết bi thảm như bệnh tim mạch, nhưng lại làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Thuốc giải cảm, cả Đông lẫn Tây, tuy đúng là không thiếu, cũng không đắt đến độ "cắt cổ" người bệnh, nhưng không lẽ uống hoài mà không ngại trong khi thuốc nào cũng có phản ứng phụ. Không lạ gì ngành Y tế ở nhiều nước Âu Mỹ đã từ lâu lên tiếng cảnh báo về tình trạng lạm dung thuốc cảm, vì đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng, từ thiếu máu bước qua trầm cảm cho đến ung bướu ác tính.

Thật đáng tiếc vì bên cạnh viên thuốc cảm vẫn có nhiều biện pháp giải cảm vừa an toàn hơn vừa không kém phần hiệu quả nếu người bệnh ráng nhín chút thời giờ tìm về thiên nhiên, thay vì chỉ muốn tốn ít giây đồng hồ để nuốt chửng viên thuốc cảm.

Một ví dụ điển hình là món canh gà nấu với tiêu sọ và ớt phơi khô của người Mễ. Chọn món cay nóng để trị cảm cúm bằng cách phát hàn, qua đó người ăn hạ nhiệt nhờ vã mồ hôi, đồng thời thanh trùng đường hô hấp nhờ trào nước mắt, đổ nước mũi trong và sau khi ăn thì nền y học dân gian nào cũng có thừa kinh nghiệm. Nhưng nếu tưởng tác dụng giải cảm tán hàn chỉ do vị cay thì chưa thấy hết cái hay của tô canh gà.

Theo kết quả nghiên cứu ở hai đại học y khoa nổi tiếng là Oxford, nước Anh và Philadelphia, Hoa Kỳ, hiệu năng chủ yếu của tô canh gà "made in nước Mễ" là do ảnh hưởng trên sức đề kháng nhờ thành phần chất kẽm chứa nhiều trong miếng ức gà.

Bằng chứng là cũng nấu canh với đầy đủ tiêu ớt nhưng thiếu thịt gà thì tác dụng giảm thiểu rõ rệt. Chính xác hơn nữa, tuy là tô canh gà nhưng nếu chọn phần khác ngon hơn, như đùi, cánh, thì tác dụng vẫn không bằng với công thức nguyên thuỷ, với miếng ức gà tuy không béo nhưng lại là món tốt cho người sụt sịt, sổ mũi, húng hắng, khan tiếng, nhức đầu, mệt mỏi vì cảm cúm.

Nếu so sánh tô canh gà của người Mễ với thức ăn xứ mình từ món miến gà rõ ràng thừa sức gia nhập WTO. Không chỉ đậm đà hơn về hương vị, miến gà của người mình còn có tác dụng toàn hiện hơn nhờ hành, ngò, rau thơm đủ loại. Nếu xét về mặt dược lý thì tô miến gà buổi sáng sớm khi trời chuyển mưa, hay sau buổi làm việc trong phòng máy lạnh càng dễ qua mặt viên thuốc cảm.

Tốt hơn nữa nếu thực khách tráng miệng bằng chén trà gừng. Ai thích tỏi đừng quên thầy thuốc cổ truyền ở phương Đông mấy ai không biết là tỏi ngâm dấm là phương thuốc giải cảm đã có uy tín thương hiệu từ ngàn năm. 

Chọn tô miến gà cho thật nóng, với lượng miến vừa phải để nước dùng dễ bốc hơi, kê mũi thật sát để "xông hơi" với tiêu, ớt, hành, ngò ít phút rồi tận hưởng chất kẽm trong ức gà và năng lượng phục hồi trong tinh bột của cọng miến luộc chín đúng độ bằng cách "quên đời đen bạc" lùa ngay một lèo thì thử hỏi thuốc cảm nào bì cho nổi!

Tôi vẫn chưa quên cảnh ngày xưa ngoại tôi sai ra tiệm thuốc bắc đầu đường mua thang thuốc xông giải cảm. Dù đã mua không biết bao nhiêu lần nhưng vẫn trố mắt thán phục khi nhìn ông thấy thuốc bốc thuốc lia lịa.

Trời mưa lâm râm, đường lại trơn trượt như thoa dầu nhưng vẫn hăng hái nhận nhiệm vụ tìm thầy bốc thuốc, không hẳn vì lòng hiếu thảo, mà vì miếng "cánh chí" khuyến mại của ông chủ tiệm. Nghĩ lại cho cùng, thang thuốc xông giải cảm tuy hay nhưng khéo sao bằng tô miến gà vừa thơm vừa béo.

 

TheoBS Lương Lễ Hoàng
Bác sĩ gia đình
Chia sẻ