Thực đơn Tết cho phụ nữ mang thai

,
Chia sẻ

Một thực đơn ngày tết cho thai phụ vừa dễ chế biến, ăn ngon miệng mà còn cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng cho cả mẹ và con, rất giản tiện mà chất lượng lại kỳ diệu đến tuyệt vời.

Cá quả chưng tương

Nguyên liệu gồm: cá quả (cá lóc) 1.000g, đậu tương hạt 50g, gừng củ tươi nửa củ, đường 1 thìa cà phê, dầu ăn, hành lá lượng vừa đủ chế biến.

Cách chế biến, sử dụng: cá lóc xát muối làm sạch, gừng gọt bỏ vỏ thái sợi, tương hạt pha với nước đường, tất cả cho vào hấp cách thủy chừng 30 phút, cho hành lá phi với dầu ăn lên trên, mang ra ăn với cơm. Đây là món ăn khá hấp dẫn, món cá lóc chưng tương vừa thơm ngon lại bổ dưỡng.

 
Cá quả chưng tương

Trong món này, cá lóc vừa giàu đạm, ít mỡ lại phối hợp với đậu tương làm tăng hứng thú ăn cho thai phụ. Là loại đậu chứa nhiều albumin, leucithin, sắt, canxi, vitamin B1, B2, acidnicotic... nếu thường xuyên ăn đậu tương hay uống sữa đậu nành hằng ngày sẽ làm cho da dẻ nõn nà, tinh lực dồi dào, hình thể khỏe, đẹp.

Cocktail dâu

Nguyên liệu gồm: yaourt 2 hủ, ổi chín 2 quả, cam 1 quả, dâu đỏ 5 quả, nho 10 quả.

Cách chế biến, sử dụng: rửa sạch, gọt bỏ vỏ ổi, thái miếng; cam, nho, bóc bỏ vỏ và hạt; dâu đỏ rửa sạch để ráo nước. Sau cùng cho ổi, cam, nho, dâu trộn đều cùng yaourt cho vào tủ lạnh hoặc có thể ăn ngay cũng được. Đây là món ăn vừa ngon mát, bồi bổ cơ thể bởi nhiều thành phần hợp lại như: thịt quả nho có thể dưỡng thân, tăng sức khỏe, bổ máu, trợ tim, lợi tiểu, có thể trị đau lưng, trợ - trị đau dạ dày, huyết hư, tim nhịp nhanh, mạnh...

Người ta còn lấy quả nho 20g, sắc uống 2 lần trong ngày để trị phụ nữ mang thai bị tức ngực, đứng ngồi không yên. Còn ổi giàu vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt lại có quả dâu bổ gan, thận nên người ta đã sử dụng ăn quả dâu để trị bệnh gan, thận mãn tính, chống táo bón...

Còn cam là loại giàu vitamin C chống các phần tử gốc tự do, chống oxy hóa, lại tác dụng kiện tỳ, hòa vị, ấm phổi, trị ho, tẩm bổ cơ thể... Yaourt cũng là thứ bổ dưỡng có tác dụng bồi bổ cơ thể.

Thịt lợn sốt cam

Nguyên liệu gồm: cam 1 quả, thịt lợn nạc thăn 200g, bột ngô 10g, cùng nõn hành lá ta, đường, nước mắm, dầu ăn vừa đủ.

Cách chế biến, sử dụng: cam rửa sạch để ráo nước, cắt ngang quả vắt kiệt nước, gạt bỏ hết hạt. Thịt nạc thăn có thể thái sợi hay thái miếng mỏng rồi ướp cùng chút nước mắm và nõn hành cắt khúc, chút đường. Khi bắc chảo lên bếp nổi lửa to, chảo nóng đổ dầu rán vào, cho nõn hành đã cắt khúc phi thơm thì thả thịt nạc thăn đã thái vào chảo đảo đều nhanh tay, rồi cho ra đĩa. Còn bột ngô cho vào nửa bát nước ăn cơm, thêm ít đường và nước mắm. Sau đó lại phi thơm nõn hành với dầu ăn và cho nước bột ngô, khuấy đều vào chảo, đảo nhanh tay bột ngô khoảng 2 phút thì bắc xuống, pha nước cam đã vắt sẵn.
 

Khi ăn rưới thêm nước thịt. Trong món ăn này ta thấy có thịt lợn nạc thăn là loại thịt ngon, mềm và có độ đạm cao lại lành tính và có tính lạnh, vị mặn đi vào can, thận. Còn cam cũng là món ăn bổ dưỡng có vị ngọt, chua, chứa nhiều vitamin C có tác dụng làm tăng cường sức đề kháng của hệ miễn dịch trong cơ thể...

Bột ngô cũng có vị ngọt, tính bình, tăng cường khả năng tiêu hóa cho dạ dày, ruột, lợi thủy, ngô rất giàu dinh dưỡng như đạm (chiếm từ 7-12%) và chứa nhiều vitamin hơn cả gạo, đặc biệt là vitamin E, vitamin nhóm B (B1, B2, B6) có lợi cho phụ nữ đang mang thai, chất lysine chiếm từ 1,8-4,45mg, triptophan 0,4- 1,0%... Hoặc hành cũng là vị thuốc có tính ấm, vị cay, thông dương, lợi khí…

Giò nóng khía mè đen

Nguyên liệu gồm: thịt giò lợn 100g, mè đen (vừng đen, hắc chi ma), nấm tuyết 2 tai, bún tàu 1 lọn, nước mắm và đường trắng mỗi thứ nửa thìa cà phê, cùng với hành lá, tỏi, dầu ăn vừa đủ.

Cách chế biến, sử dụng: giò lợn (chân giò lợn) rửa sạch cho ướp với nước mắm, đường, hành lá cắt khúc, xắt nhuyễn. Nấm tuyết, bún tàu ngâm nước cho nở mềm. Bắc bếp đặt chảo chờ nóng cho dầu ăn vào phi thơm hành, tỏi. Sau đó, cho giò lợn cùng mè đen vào chiên vàng. Đổ ngập nước, hạ lửa nhỏ riu riu trong khoảng 30 phút thì cho nấm tuyết và bún tàu vào. Tắt bếp, bắc ra ăn nóng rất thơm ngon.
 

Đây là món ăn khá tuyệt và rất giàu dinh dưỡng. Mặt khác lại có vị mè đen hợp cùng là loại có vị ngọt, tính bình, vào kinh can, thận. Trong mè đen có protein chiếm từ 20-22% cùng nhiều khoáng chất, các yếu tố vi lượng, vitamin E, acid folic, vitamin PP, chất leucithin… lại tác dụng bổ ích tinh huyết, nhuận táo, hoạt trường, giảm kích thích, chống viêm... thì thật là phù hợp cho người đang mang thai. Ngoài ra, nấm tuyết cũng có vị ngọt, tính bình, tác dụng nâng cao khả năng miễn dịch trong cơ thể, phòng trị bệnh ung thư...

Gà hầm tam thất

Nguyên liệu gồm: thịt gà 200g, tam thất 4g, câu kỷ tử 3g, táo tàu 3 quả, gừng sống 1 củ, cùng các vị muối, tiêu, nước dùng vừa đủ.

Cách chế biến, sử dụng: rửa sạch thịt gà, ướp cùng tiêu, muối. Gừng gọt bỏ vỏ ngoài, thái sợi. Táo tàu, tam thất, câu kỷ tử rửa sạch. Sau đó lót cho gừng, tam thất, câu kỷ tử dưới đáy thố, đặt gà lên trên, đổ nước dùng ngập gà, cho vào nồi đổ vừa nước hấp cách thủy, đun nhỏ lửa trong 2 tiếng là được. Mang thố ra ăn cả cái, uống nước.
 

Xét các vị chính chứa trong món ăn này ta thấy, vị tam thất, bộ phận dược dụng là rễ củ khô, có tính ấm, vị ngọt hơi đắng, đi vào can, vị. Công năng của thuốc có thể thay nhân sâm (là loại đại bổ nguyên khí), còn dùng trong trường hợp chảy máu do thương tích ứ huyết, sưng đau, phụ nữ sau sinh bị xây xẩm chóng mặt (bổ khí huyết)... Còn thịt gà là loại giàu đạm (thịt gà nạc chiếm 25% đạm), song thịt gà có tính ấm, vị ngọt, công năng bổ hư ấm trong, trị mệt mỏi lâu ngày.

Câu kỷ tử bộ phận dược dụng là quả chín phơi khô, tính bình, vị ngọt, vào phế, can, thận, được sử dụng trong can, thận, âm hư, chân tay mỏi mệt... Vị táo tàu còn gọi là táo đen, táo đỏ, phần dược dụng là cùi thịt quả táo chín phơi khô hoặc sấy khô, có tác dụng tẩm bổ. Táo tàu tính ấm, vị ngọt, có công năng bổ tỳ, vị, nhuận tâm phế, điều hòa dinh vệ, lại hòa được cùng với bách dược... Hay gừng tươi, tính ấm, vị cay vào phế, vị, trị ngộ độc, đầy bụng...
 
Theo SKDS
Chia sẻ