Thức ăn kỵ nhau: nhảm!

,
Chia sẻ

Đang có một tài liệu cảnh báo về một loạt thức ăn có thể làm chết người, hoặc gây bệnh nặng nếu ăn cùng nhau, được nhiều người chuyền tay đọc và phát tán trên mạng.

Tài liệu dưới hình thức “bài báo y khoa” được cho là do trung tâm Chống độc (bệnh viện Bạch Mai) và viện Vệ sinh dịch tễ trung ương phát hành. Tài liệu này được phổ thành... thơ!


Tỏi vẫn được dùng để chiên trứng, nhưng theo một loại tài liệu đang phát tán trên mạng thì “Ăn vào chắc chết, mười mươi rõ ràng”! Ảnh: H.T

 
 
Đại loại là những câu: Trứng vịt, lẫn tỏi, than ôi?/Ăn vào chắc chết, mười mươi rõ ràng /Cải thìa, thịt chó xào vô? /Ăn vào, đi tả, hôn mê khôn lường/ Đường đen pha sữa đậu nành?/Đau bụng, tháo dạ, hoành hành suốt đêm/ Nước chè, thịt chó no say?/Thỉnh thoảng như thế, có ngày ung thư... Có hay không, những mối nguy thực phẩm kỵ nhau từ những tài liệu này?

Mạo danh bệnh viện

PGS.TS Phạm Công Thành, trưởng bộ môn Công nghệ thực phẩm và công nghệ sau thu hoạch thuộc viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: thời gian qua có nhiều thông tin về thức ăn kỵ nhau.
 
Nguồn gốc của những “bài ghi nhớ” này không biết từ đâu, tuy nhiên, nếu nói thức ăn gây nhiệt hay hàn thì có thể, chứ chuyện kỵ nhau thật khó tin. Nếu cơ thể một người vốn nóng thì nên ăn thức ăn hàn để dung hoà và ngược lại. Nhưng cơ thể nóng mà ăn nóng quá cũng chỉ không tốt cho sức khoẻ chứ không thể gây ung thư, thậm chí làm tử vong! Có chăng thức ăn mất vệ sinh ăn vào gây đau bụng mà thôi.

Trên thực tế, trong mâm cơm, bàn tiệc của chúng ta vẫn có rất nhiều món mà bảng liệt kê nói kỵ nhau nhưng ăn vào có sao đâu. Chẳng hạn trứng vịt lộn ăn với tỏi ngâm là món thông dụng của nhiều người. Hay ăn thịt ngỗng xong tráng miệng bằng quả lê là chuyện bình thường. Do vậy, PGS.TS Thành khẳng định: “Không có cơ sở khoa học nào khẳng định có những loại thức ăn kỵ nhau. Viện của chúng tôi chưa bao giờ làm các thí nghiệm về sự kỵ nhau của các món ăn vì đây là việc làm vô bổ. Nếu ai bảo thức ăn nào kỵ thức ăn nào thì mang đến đây tôi ăn cho xem!”.

“Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm chưa bao giờ làm các thí nghiệm về sự kỵ nhau của các món ăn vì đây là việc làm vô bổ. Nếu ai bảo thức ăn nào kỵ thức ăn nào thì mang đến đây tôi ăn cho xem!” PGS.TS Phạm Công Thành

Tài liệu về món ăn kỵ nhau được không ít bà nội trợ chuyền tay nhau, phôtô và có bà còn dán lên tủ bếp như là kim chỉ nam cho công việc bếp núc của mình! Để “lấy lòng” các bà nội trợ, các tài liệu về món ăn kỵ nhau còn ghi rõ xuất xứ là trung tâm Chống độc (bệnh viện Bạch Mai) và viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Tuy nhiên, ông Trần Như Dương, viện phó viện Vệ sinh dịch tễ trung ương khẳng định: “Đó hoàn toàn là tài liệu giả mạo. Chúng tôi đã từng nhận được thông tin này và đã có văn bản báo cáo bộ Y tế”.

Chưa có bằng chứng khoa học

Cũng như khẳng định của PGS.TS Phạm Công Thành, BS Đinh Thị Kim Liên, trưởng khoa dinh dưỡng (bệnh viện Bạch Mai) bày tỏ quan điểm: đứng về khía cạnh dinh dưỡng thì món ăn càng đa dạng về chất càng tốt cho sức khoẻ. Mỗi vùng miền có những món ăn khác nhau, việc kết hợp thức ăn rất tốt.
 
Có những món ăn cùng nhau dễ gây đầy hơi, khó tiêu, giảm chất dinh dưỡng, nhưng không hề gây ung thư, tiêu chảy, thậm chí tử vong như trong các tài liệu vừa nêu. BS Liên khẳng định: “Chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh các món ăn kỵ nhau. Chúng tôi chưa từng đưa ra khuyến cáo nào về những món ăn kỵ nhau”.

Trên thực tế, cả PGS. TS Thành và BS Liên đều cho biết, chưa hề nghe về tình trạng ngộ độc hay tử vong do ăn thức ăn kỵ nhau, có chăng là ngộ độc do thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Còn nếu thực tế có những vụ ngộ độc, chết người hàng loạt do phối hợp thức ăn, cơ quan chức năng sẽ phải nghiên cứu khoa học và có những khuyến cáo trong việc sử dụng thực phẩm. Thực tế đây chỉ là những thông tin chưa được kiểm chứng.

Các chuyên gia có chung lời khuyên: điều quan trọng nhất trong bữa ăn là nên chọn thực phẩm tươi ngon, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ăn chín uống sôi, đầy đủ chất dinh dưỡng.
 
 
 
Theo SGTT
Chia sẻ