Sushi - Nếu bạn chưa biết

,
Chia sẻ

Khi nói về những món ăn đặc trưng của người Nhật, có lẽ những món đầu tiên được nhắc tới sẽ là sashimi và sushi.

Sashimi là hải sản sống, thông thường là cá, ăn cùng với củ cải, rau tía tô hoặc gừng, chanh, hành, tùy theo loại, chấm với xì dầu và wasabi, tức một loại gia vị của Nhật có vị cay rất đặc biệt. Sushi cũng sử dụng cá và hải sản sống nhưng đòi hỏi chuẩn bị cầu kỳ hơn và gồm rất nhiều loại.

Ở Nhật, đâu đâu cũng có cửa hàng sushi, từ những cửa hàng kaitenzushi tương đối bình dân cho đến những nhà hàng mà bước vào có thể tốn đến cả trăm đôla trở lên. Người ta có thể xếp hàng chờ cả vài tiếng đồng hồ cho một bữa ăn sushi tại một cửa hàng nổi tiếng. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi được đền bù xứng đáng khi đã ngồi trước quầy, gọi loại sushi bạn thích, cho cả một miếng sushi vào miệng và cảm thấy cái vị là lạ của cơm trộn dấm, vị ngầy ngậy và mát của cá sống, cùng vị cay nồng khó có thể tả cho chính xác của wasabi xông lên mũi. Mới ăn lần đầu chắc có người hơi e ngại, nhưng sau vài lần có khi thành “nghiện”, để rồi thấy mình bỗng có thói quen cứ đi ăn mỗi tuần, hoặc chợt dừng chân khi đi ngang một cửa hàng sushi lạ.

Sushi là món ăn khá đặc biệt của người Nhật bắt nguồn từ một phương pháp muối cá của Trung Hoa cổ. Cá được bọc cơm và muối rồi để lên men trong thời gian từ 2 tháng đến 1 năm. Sau thời gian lên men, người ta bỏ cơm đi và chỉ ăn cá muối mà thôi. Có lẽ phương pháp này được truyền vào Nhật Bản cùng với việc trồng lúa nước trong thời kỳ Yayoi (năm 300 trước Công nguyên đến năm 300 sau CN). Các cách thức để lên men khác nhau đã giảm thời gian chờ, đồng thời sử dụng thêm dấm làm gia vị, rồi về sau, người ta ăn cả cơm cùng với cá muối.

Nhưng phải đến tận đầu thế kỷ 19, tại Edo (tức Tokyo ngày nay), công đoạn muối cá mới được bỏ đi và cá sống được dùng ngay với cơm trộn dấm vừa nấu. Trong thời kỳ này, sushi được bán tại các quán nhỏ như một thứ đồ ăn nhẹ và đó chính là tiền thân của các nhà hàng sushi hiện nay.
 

 
Có thể chia sushi thành 4 loại chính như sau:
 
Loại thứ nhất là nigirizushi (hay sushi nắm) - ra đời trong thời Edo vào thế kỷ 19 nên còn được gọi là edomaezushi - gồm một miếng cơm trộn dấm nhỏ, bên trên đặt một miếng cá sống hoặc vài loại hải sản khác, ở giữa cơm và cá cho một ít wasabi. Những loại cá được sử dụng nhiều nhất là cá ngừ (maguro, katsuo), cá hồng (tai), cá bơn, cá mũi kiếm (makajiki), cá mú (suzuki). Ngoài ra cũng dùng tôm (ebi), trứng cá hồi (ikura), bạch tuộc (tako), mực (ika), một loại thuộc họ lươn gọi là anago, điệp (aoyagi), nhím biển (uni), v.v… Khi ăn chấm cùng với xì dầu, đôi khi ăn kèm gừng trộn dấm.
 
Đối với loại thứ hai là makizushi, tức sushi cuốn, cơm trộn dấm được rải lên một miếng rong biển khô nướng sơ, sau đó đặt một loại hải sản hoặc rau vào giữa. Dùng một tấm mành bằng tre cuộn lại rồi cắt thành miếng nhỏ vừa ăn. Phổ biến nhất trong các loại makizushi là tekkamaki (sushi cuốn cá ngừ), kappamaki (sushi cuốn dưa chuột), futomaki (sushi trứng, rau và một vài thành phần khác). Riêng kiểu makizushi thì cuốn lỏng tay thành hình phễu và không cắt thành miếng.
 

 

Loại thứ 3 là chirashizushi, được chia thành 2 kiểu theo khu vực. Đối với kiểu Tokyo, hải sản nấu chín hoặc sống, cùng với rau, trứng rán thái miếng, được xếp lên trên cơm dấm trong một cái bát. Kiểu Osaka thì thái hải sản sống và chín, trộn đều với cơm dấm và bên trên rắc trứng thái chỉ.

Loại thứ tư, oshizushi, là đặc sản của vùng Kansai (bao gồm Kyoto, Osaka, Kobe) và làm như sau: nén chặt hải sản đã ướp gia vị cùng với cơm trộn dấm vào một cái khuôn gỗ nhỏ giống như cái hộp, sau đó cắt thành những miếng vừa ăn. Một kiểu sushi khá đặc biệt thuộc loại này là sugatazushi: người ta lấy nguyên cả con cá, rửa sạch, lóc xương và nhồi cơm dấm vào trong để tạo thành hình con cá như ban đầu. Kiểu inarizushi thì nhồi cơm trộn dấm và vừng vào vỏ đậu phụ rán.

Sushi là món ăn gắn liền với người Nhật giống như món phở của người Việt Nam. Và người Nhật cũng đưa món ăn này đi khắp nơi trên thế giới. Giờ đây, khi muốn thưởng thức món sushi, bạn có thể được thỏa mãn mà không cần tới Nhật Bản, bởi các nhà hàng sushi có mặt ở cả các thành phố của Mỹ, châu Âu, châu Á, trong đó có Việt Nam./.
 
Theo toiyeunhatban.com
 
 
 
Chia sẻ