Quà vặt một thời

,
Chia sẻ

Nhắc đến những món quà bánh vặt, một thời tuổi thơ lại quay về trong nỗi nhớ của nhiều người.

Bởi trẻ con thường thích ăn quà, dù là trái cóc, trái ổi trong vườn hay miếng bánh tráng ngọt, viên kẹo mút của những người bán rong. Có những món ăn đã trở thành một phần ký ức, giờ mỗi lần bắt gặp đâu đó trên đường, ai cũng chợt thấy bùi ngùi như được quay lại tuổi thơ…

Ảnh: baophutho.org.vn (ảnh minh họa)

Quà vặt thời thơ ấu quả là đa dạng, từ những miếng bánh gạo tròn được kết thành xâu, hay me, cóc ngâm chua ngọt cắn ê răng, rồi kem đá, tàu hũ nước đường, kẹo que, trái điệp nướng, quả trâm hay trái keo chan chát… thật muôn hình vạn trạng. Có những món giờ chỉ thi thoảng tìm thấy nơi cổng trường học, song cũng ít khi nào trẻ em thời nay được cha mẹ cho phép ăn bởi sợ mất vệ sinh. Có những món thì đã đi vào quá khứ, khó lòng tìm thấy được trên những đường phố sau bao thăng trầm của thời gian.

Mía ghim là một ví dụ. Đã lâu lắm rồi, tiếng rao “Ai cóc ổi mía ghim đây!” vắng hẳn và món mía ghim cũng không còn xuất hiện. Mía ghim thực chất là mía tươi cắt từng khúc nhỏ. Thời nay, mía bán rong được cho vào bao nylon có phần lịch sự, chứ trước đây, những khúc mía nhỏ được ghim vào trong một đoạn tre ngắn, chẻ bung xòe như một bông hoa, sinh động hơn hẳn.

Bông hoa đó là điều khiến mía ghim có được sức hấp dẫn với trẻ nhỏ, vì nó xinh xắn và ngộ nghĩnh vô cùng. Thế nên dẫu ba mẹ mua về cho một cây mía vừa dài vừa chắc thân mà sao trẻ vẫn không thấy thích, vẫn nằng nặc xin tiền đi mua mía ghim…
 

Cóc, ổi, xoài cũng tương tự. Trẻ em dường như thích ăn bằng mắt nên những trái ổi, trái cóc tỉa hoa ngâm nước đường luôn đầy quyến rũ dù giá bán thường mắc gấp đôi loại bình thường. Dưới góc nhìn đầy tính kinh tế của người lớn thì quả thật đó là “trò con nít”, nhưng trong đôi mắt của trẻ thơ, bỏ thêm một chút tiền để vừa ăn, vừa ngắm thì bao giờ cũng thấy thú vị và ngon lành hơn nhiều.

Cái thùng sắt của những người bán kẹo bông gòn cũng là niềm ám ảnh say mê của nhiều đứa trẻ. Thuở nhỏ, tôi vẫn thường tự hỏi làm cách nào mà người ta tạo ra những cây kẹo bông gòn, chỉ thấy người bán đong một chén đường, cho vào phần tâm của chiếc thùng trắng rồi đạp đạp chân vào chiếc bàn đạp bên dưới. Thế là từng lớp “mạng nhện” đường bung xòe, nở rộ phía trong chiếc thùng sắt, để rồi chỉ việc dùng cây que dài vừa vét, vừa quay tròn cho lớp bông gòn ấy dính vào thành từng lớp, từng lớp.

Mỗi lần nhìn thấy xe kẹo, máu tò mò lại nổi lên, đám trẻ con chúng tôi lại nổi hứng ăn hàng, mà ăn chỉ là phụ, mục đích chính là để thỏa trí tò mò không có giới hạn của trẻ thơ. Kẹo bông gòn ngọt lịm, càng cắn, càng rứt lại càng dai, cho nên cách tốt nhất là từ tốn ngoạm từng miếng nhỏ để cảm nhận chất kẹo tan trên đầu lưỡi nham nhám, ngòn ngọt.

Một thứ quà vặt cũng không kém phần thích thú của tuổi thơ là món bánh tráng kẹo. Miếng bánh tráng nhỏ được kéo mạch nha dẻo quẹo phủ kín bề mặt, trên rắc thêm dừa nạo trắng muốt lên trên rồi bẻ gập lại, cắn nhai giòn rụm mà răng cứ bị dính bởi chất keo của mạch nha ngọt ngào.

Bánh tráng kẹo phải “tay làm hàm nhai”, nghĩa là ăn khi vừa làm xong mới có được độ giòn tan ngon lành, để lâu một chút là chảy nước và dai ngay. Kế đến là món bánh khoai mì nướng. Khoai mì quết nhuyễn, trộn thêm cơm dừa khô nạo, đường cát trắng rồi đóng thành bánh, nướng trên lửa than ấm nóng. Bánh khoai mì béo ngậy, ăn nóng hổi nên thường được tiêu thụ mạnh vào lúc chiều tối hay lúc trời mưa giá lạnh.

Thông thường, bán kèm với món khoai mì nóng còn có một lô món ăn vặt khác được chế biến từ khoai mì như bánh tằm khi sợi dài sợi ngắn, khi vo tròn như những viên bi nhiều màu sắc. Thỉnh thoảng ghé ngang góc đường Phạm Ngọc Thạch, bắt gặp một xe hàng rong toàn những món bánh làm từ khoai mì mà cảm thấy thèm thuồng nhớ về đôi quang gánh của những người bán rong khi xưa.

Tàu hũ nước đường là món ăn không chỉ trẻ con, mà người lớn cũng thích. Bây giờ, có lẽ cái vị ngọt và độ béo của đậu nành khiến nhiều người lớn bắt đầu chê món ăn vặt dễ tăng cân này, nhưng trẻ con thì vẫn thích mê. Thích nhất là cách hớt miếng tàu hũ thật đẳng cấp của người bán: phải dùng cái vá thật dẹt, hớt từng lớp mỏng cho vào chén rồi chan nước đường ngọt lịm, thêm vài lát gừng tươi mỏng tang phía trên. 

Mỗi lần gặp gánh tàu hũ nước đường, lũ trẻ nhỏ chúng tôi lại tranh nhau vị trí ngồi gần người bán để mục kích khâu chế biến đầy hấp dẫn ấy. Đón chén tàu hũ từ tay người bán, bọn trẻ cũng cẩn thận múc ăn từng muỗng một, trân trọng như một món cao lương (so với các loại quà bánh khác, tàu hũ nước đường bao giờ cũng đắt tiền hơn).

Thích nhất là ăn tàu hũ vào những ngày hè, bởi tuy nóng hổi đấy, nhưng nó lại mát ruột lạ lùng. Thường thì trong các món quà vặt, đây là món được người lớn khuyến khích lũ trẻ con ăn nhất, bởi nó ăn chơi mà bổ béo thật, còn hơn là đắm đuối với những món ăn nhiều màu sắc mà dễ đau bụng khác.

Đối với trẻ nhỏ, ăn món quà vặt nào chẳng thấy ngon? Không hẳn vì trẻ nhỏ dễ dãi, mà cái thú của chúng cũng giống như người lớn thích sơn hào hải vị vậy. Bây giờ, không ít bậc cha mẹ không dám cho con cái mình “rớ” đến những món quà vặt vì đủ thứ lý do, dù bản thân mình cũng từng “mê mệt” với chúng một thời.

Dù sao, đó cũng là một phần làm nên tuổi thơ, ôi những món quà vặt một thời!

 
 
Theo Hiền Danh
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Chia sẻ