Những món đặc sản... chết người

,
Chia sẻ

Thưởng thức các món ăn đặc sản luôn là điều hấp dẫn đối với du khách khi đến những vùng đất lạ. Tuy nhiên, trong các món đặc sản ấy đôi khi lại tiềm ẩn những nguy cơ chết người…

Cá nóc (Nhật Bản)

Ở Nhật, cá nóc được bày bán trong các siêu thị và chợ. Khi mua cá nóc ở những nơi này, bạn phải chú ý xem có dấu chứng nhận an toàn trên bao bì hay không. Nhà hàng ở Nhật cũng được phép bán các món ăn từ cá nóc với điều kiện đầu bếp phải qua chương trình đào tạo chế biến cá nóc kéo dài 3 năm.

Mức độ nguy hiểm: tử vong. Cá nóc có thể khiến bạn tử vong chỉ sau vài giờ nếu thịt cá không được chế biến đúng cách (phải bỏ gan và các cơ quan sinh sản). Thịt cá nóc nếu không được xử lý đúng cách có thể chứa chất độc tetrodotoxin làm tê liệt cơ thể và gây ngạt thở. Hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa loại chất độc này. Phương pháp hữu hiệu duy nhất là trợ giúp hô hấp kịp thời và kéo dài cho tới khi chất độc hoàn toàn biến mất. Nếu bạn có thể sống qua 24 giờ đầu tiên, mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

Cua (Mỹ Latinh)

Cua và một số loại hải sản khác như tôm, trai, hàu… có thể chứa vi khuẩn gây bệnh tả nếu không được nấu nướng đúng cách. 

Mức độ nguy hiểm:  Bệnh tả không gây tử vong nhưng vẫn cần sự chăm sóc y tế kịp thời, đặc biệt là khi bạn bị mất nước do tình trạng tiêu chảy nặng.

Phô mai casu marzu (Sardinia)

Nhìn thoáng qua, món này giống như một loại phô mai Ý vô hại được làm từ sữa cừu. Tuy nhiên, quá trình lên men loại phô mai này lại cần đến sự giúp đỡ của những con dòi nở ra từ trứng ruồi. Những người thường xuyên ăn casu marzu còn dựa vào số lượng dòi để nhận xét chất lượng của phô mai. Miếng phô mai nào có nhiều dòi sống là phô mai tốt. Phô mai chỉ hư khi dòi bắt đầu chết.

Sản xuất casu marzu là bất hợp pháp ở Ý nhưng bạn vẫn có thể tìm mua món đặc sản này từ những người chăn cừu tại Sardini. Những người dân địa phương còn cho biết, casu marzu được dùng để phục vụ trong các bữa tiệc trang trọng và những dịp đặc biệt (thậm chí còn được dùng làm thuốc kích dục). Thỉnh thoảng, người ta còn tìm thấy những con dòi ngoại cỡ có chiều dài lên đến… 6 inch trong món này

Mức độ nguy hiểm:  Khi dòi bị ăn sống, chúng vẫn tiếp tục sống trong suốt con đường đi xuống bụng của bạn. Dòi sẽ tạo môi trường sống trong ruột, làm ảnh hưởng đến đường ruột, gây ói mửa, tiêu chảy và chứng rút ruột nguy hiểm. Điều an ủi duy nhất là chúng luôn tìm thấy đường ra sau một thời gian mà không cần bất kì loại thuốc nào.

Sannakji (một loại bạch tuộc - Hàn Quốc)

Sannakji là một loại bạch tuộc nhỏ được dùng trong các nhà hàng Hàn Quốc và có bán ở chợ cá Noryangjin ở Seoul. Những xúc tu bạch tuộc thường được cắt ra và chế biến khi bạch tuộc còn sống nên vẫn còn chức năng bám dính. Chúng có thể bám chặt vào bên trong má hoặc cổ họng của người ăn, gây khó thở.

Mức độ nguy hiểm:  Ở Nam Hàn Quốc, mỗi năm có khoảng 6 người chết vì ăn loại bạch tuộc này. Ăn sannakji trong tình trạng say rượu có thể làm bạn dễ bị nghẹt thở hơn. Nhai kĩ và uống nhiều nước khi ăn bạch tuộc sẽ giữ cho những xúc tu có thể trôi được tới bụng.

Ếch khổng lồ (Namibia)

Da và các cơ quan nội tạng của loài ếch này chứa chất độc toxin. Những con ếch quý hiếm có thể có chiều ngang đến 20 cm này được xem là “sơn hào hải vị” của Namibia. Tuy nhiên, bạn chỉ nên ăn phần chân và ăn vào thời điểm sau mùa mưa (lúc độc tố của loài này giảm bớt).

Mức độ nguy hiểm:   Nếu bạn ăn nhầm phần thân ếch hoặc ăn sai thời điểm, độc tố có thể sẽ dẫn đến tình trạng bị suy thận cấp.

 
Theo Nhiên Nguyễn 
Phụ nữ/Travel and Leisure
Chia sẻ