Gấc - Món ăn mang lại vận đỏ cho năm mới

,
Chia sẻ

Với mỗi người Việt, dẫu còn ở trên dải đất chữ S này hay đang đâu đó phương xa, ngày đầu năm mới vẫn chính là ngày cầu mong may mắn cho một năm mới an lành, ấm no và hạnh phúc.

Cái sự "kiêng xui" và "cầu hên" đó dường như đã ăn sâu vào sâu thẳm trong mỗi người để mà khi Tết đến, người ta kiêng nói những điều xui xẻo và chỉ chọn làm điều lành, bày những trái cây và ăn những món ăn mang lại vận đỏ cho một năm đang đến.

... Mỗi lần như thế, người ta lại nhớ đến gấc.

Trái gấc đỏ lủng lẳng trên giàn suốt tháng Chạp vẻ như chỉ để đợi dịp nhuộm thắm ngày xuân. Mới cuối tháng Một (gọi theo cách của các cụ - tháng 11 âm lịch gọi là tháng Một, tháng 12 âm lịch gọi là tháng Chạp), gấc còn xanh, qua đầu Chạp bắt đầu ngả vàng chờ khi chín đỏ. Hồi trong năm, cũng đã lác đác chín cho những đĩa xôi ngày vu quy của bao đôi trai gái nên duyên chồng vợ. Còn giờ, gấc chín cho những ước nguyện đầu xuân.

 
Gấc cho nồi xôi thơm sực trong cái lạnh cuối năm thoáng chút mưa phùn. Trên bàn thờ gia tiên, cạnh những bánh chưng, giò, nấm, mọc là con gà luộc nắn hình kim phụng và đĩa xôi gấc đỏ thắm. Đấy, đĩa xôi có đỏ như thế thì các bà các mẹ mới yên lòng rằng sang năm mới, chồng con mình thêm khấm khá.

Kể cũng lạ, chẳng như ngày xưa - người ta chỉ thổi xôi gấc trong những kỳ lễ quan trọng, bây giờ có khi xôi gấc trở thành món quà sáng bán rong. Khi không có gấc, người ta dùng lá diễn cũng cho sắc đỏ nhưng là đỏ trầm chứ không tươi như gấc. Xôi nấu bằng thứ lá ấy không có được vị béo ngậy của gấc. Nhưng dù thế nào đi nữa, xôi gấc ăn sáng kiểu như thế, chẳng qua cũng chỉ là một thứ "ví dụ" về một món xôi mang về cả một năm may mắn.

Thì đây nhé, để có một nồi xôi gấc ngon đâu phải dễ. Người kỹ tính phải chọn thứ gạo trồng ở ruộng chuyên lúa nếp để không bị lai với gạo tẻ. Gạo thứ này dẻo và tròn, mỗi hạt xôi sẽ căng mọng "đầy quyến rũ". Gạo cũ ngâm khác (7 - 8 giờ), gạo mới ngâm khác (chỉ 5 giờ là đủ).

Gấc phải chọn thứ gấc nếp vừa thơm vừa béo, cắt phần vỏ trên, lấy hết hạt và ruột, thêm chút rượu trắng rồi trộn đều với gạo. Gạo và gấc trộn sao cho màu vừa đủ, nếu ai tham đỏ trộn nhiều gấc quá xôi sẽ bị nát. Ấy, lẽ đời là thế, cầu may mắn cũng nên vừa phải, chớ nên tham. Chỉ một chút bí quyết nấu ăn của các bà nội trợ thôi mà đã hàm chứa một triết lý không phải ai cũng nhận ra!


Gạo và gấc trộn sao cho màu vừa đủ, nếu ai tham đỏ trộn nhiều gấc quá xôi sẽ bị nát

Để gạo trộn gấc vào đồ chỉ chừng 15 phút, nếu thấy hạt gạo mềm là được. Khi đồ, nên cho ít một, xôi nhanh chín lại mềm. Đấy, lại vẫn là chuyện tham - nếu cứ vội mà làm cả, có khi chẳng nhanh bằng người nhẩn nha làm. Xôi chín tới, rải một lớp đường rồi đánh đều cho tơi và trộn với mỡ gà cho thêm phần thơm và ngậy.

Mỡ gà, cũng là chuyện đáng bàn. Chú gà trống thiến chặt ra để hầm măng được tách phần mỡ riêng đem rán. Bây giờ thời ăn kiêng, người ta cứ trộn dầu ăn vào xôi gấc, nhưng xôi gấc trộn mỡ gà vẫn cứ là thơm ngon hơn nhiều. Mà, chẳng nhẽ nhịn miệng cả năm, đến ngày Tết không "buông thả" một chút để tự cho phép mình ăn miếng xôi gấc thật ngon ư?
 
Xôi gấc giò lụa


Xôi gấc đơm ra đĩa phải thật tròn và đày đặn. Ngoài chợ vẫn bán thứ xôi gấc đóng khuôn, nhưng các bà vẫn ưa đĩa xôi đơm đầy như tấm lòng thơm thảo của con cháu dâng lên cúng tổ tiên...

Nói chuyện đơm xôi, chẳng thể không rẽ ngang mà bàn chuyện ăn vụng! Đây nhé, nhón vụng một nắm xôi là cả tay lẫn mép đều in lại "nét hồng" của gấc. Nhưng xôi gấc ăn bốc lại là ngon nhất. Xôi đang nóng, vừa ngậy vừa thơm, cứ vừa đơm vừa bốc, có khi "bay cả đĩa"...


Chao ơi, vậy chẳng nhẽ gấc chỉ có xôi dành riêng cho Tết? Không, thứ trái cây vừa mang về may mắn vừa tăng thêm độ tinh tường cho mắt còn làm được mứt, bánh và cả... bánh chưng nữa.

Chuyện bánh chưng xin hãy bàn sau, giờ xin nói về mứt gấc. Theo lệ, mứt của người Việt là vốn dành riêng cho Tết - nhưng nay mứt gấc càng ngày càng hiếm, nhất là ở phía Nam. Mứt gấc đỏ tươi, vị ngọt thanh, bùi, thoảng mùi gấc chín. Chỉ cần phết chút mứt gấc lên lát bánh mì kèm chút bơ lạnh là đủ để ăn đứt những mứt dâu, mứt cam... của xứ Tây. Lạ nữa, ngày hè nóng nực, 2 - 4 thìa mứt pha với nước lạnh và đá viên thành một ly nước mát lành đầy vitamin và khoáng chất!



Cũng hay, cái thứ trái đầy gai xù xì và già cỗi ấy lại là phương thức chống lão hóa cho con người (vốn đang già đi từng ngày!).

Bánh gấc đã có từ rất xưa, tuy nhiên hiện nay thì vắng bóng trên thị trường, do yêu cầu làm bánh khá cao và nguyên liệu hiện nay không còn đảm bảo như trước kia nữa.

Ngoài xôi gấc, bánh gấc cũng được nhiều người đặt dùng cho công việc cưới, hỏi. Nguyên liệu làm vỏ bánh gấc là bột nếp, thịt gấc, gấc càng già càng đỏ, càng dẻo. Nhân bánh gấc có đậu xanh, dừa nạo và chút vani. Sau khi xào nhân, người thợ sẽ dùng vỏ bánh bọc nhân lại và lót bằng lá chuối.

Hiện nay, quy trình chế biến bánh đã có chút "ăn bớt": thay vì lá chuối, người ta dùng nilon bọc thành phẩm, nhưng khi hấp bánh vẫn phải dùng lá chuối để cho bánh dẻo và thơm. Bánh gấc là thứ khó làm, khó giữ: chỉ một đêm bánh đã se mặt, dẫu có hấp lại cũng không ngon như còn mới. Vì thế, người ta vẫn khoái món bánh gấc mới hấp xong. Miếng bánh nhỏ xinh, trông dễ thương như một lời trao gửi thắm thiết. Chẳng phải bánh gấc chính là thứ quà quý để "đôi trẻ" mua biếu "cha mẹ đôi bên" mỗi dip xuân về ư?...

Theo Thế Giới Tiêu Dùng
Chia sẻ