Có cần đề phòng fastfood?

,
Chia sẻ

Bác sỹ nào cũng khẳng định đồ ăn nhanh hại nhiều hơn lợi. Chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo lạm dụng fastfood là tự vơ bệnh vào người. Người lo cứ lo, người ăn vẫn cứ ăn.

Hamburger, hotdog, pizza, khoai tây chiên, gà rán, snack... fastfood có rất nhiều món ngon để hấp dẫn những công dân hiện đại, ưa sự nhanh gọn. Fastfood rất tiện, vừa không mất thời gian chế biến, lại có thể "vừa chơi vừa ăn", "vừa làm vừa ăn", ăn khi đang xem tivi, trên xe bus, ăn trong lúc chơi game... Hơn nữa, dù được chế biến hàng loạt nhưng fastfood vẫn cung cấp năng lượng, hương vị hấp dẫn, giá cả mềm mại.
 
Thêm nữa, để đẩy mạnh sự phát triển, các nhà kinh doanh fastfood biết cách đánh vào thị hiếu tiêu dùng của dân chúng. Họ tăng cường quảng cáo, biến fastfood trở thành một trong những biểu trưng cho lối sống hiện đại và thực dụng. Những chương trình quảng cáo bắt mắt trên truyền hình với nụ cười rạng rỡ của những người nổi tiếng cùng vô vàn hình thức khuyến mại hấp dẫn đến không thể làm ngơ như mua 2 tặng 1, trẻ em mua một suất/gói thì được tặng món đồ chơi nhỏ, tặng phiếu giảm giá cho lần ăn tiếp theo, tặng phiếu rút thăm trúng thưởng...Một món hời rõ ràng trước mắt, mấy ai dại dột không đón nhận?

Bản thân fastfood không có gì đáng chê trách cả, điều đáng nói ở đây chính là sự hấp dẫn, tiện lợi của fastfood đã dẫn đến tình trạng lạm dụng đồ ăn nhanh và sự lạm dụng này chắc chắn không tốt cho sức khỏe của bất cứ ai.


Có cần đề phòng fastfood?

Câu trả lời là rất cần. Do nhiều chất, nên năng lượng trong fastfood không tính bằng kcal, mà bằng chất đạm, vitamin...Hơn nữa, fastfood chứa nhiều muối sodium, chất béo, cholesterol...nên không tốt cho sức khỏe những ai thường xuyên dùng, lạm dụng nó, đặc biệt là trẻ em và người có tuổi, người mẫn cảm với các thành phần trong fastfood.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh lượng calo và cholesterol dồi dào trong các loại đồ ăn nhanh là thủ phạm gây nên béo phì. Ai cũng hiểu muốn đốt bớt calo và cholesterol dư thừa thì nên tập thể dục. Nghe rất đơn giản, nhưng thực tế, việc nạp quá nhiều năng lượng từ fastfood lại khiến cơ thể lẫn thói quen sinh hoạt của bạn trở nên trì trệ, ngại vận động. Hơn thế nữa, việc từ bỏ thói quen ăn uống này cũng chẳng đơn giản, vì fastfood ngon miệng, có nhiều món, lại tiện dụng, dễ khiến người ta nghiền cái ngọt, cái béo, đặc biệt là với trẻ em. Bên cạnh đó, để kích thích cảm giác hời khi mua, nhà sản xuất ngày càng tăng khối lượng và kích cỡ nhằm tạo thêm sức hấp dẫn mãnh liệt cho các dòng sản phẩm của fastfood của mình (như hũ bắp rang bơ bán tại các rạp chiếu phim chẳng hạn, nó ngày càng lớn). Các xét nghiệm y tế cũng cho thấy, việc dùng fastfood và nước ngọt, soda...thường xuyên sẽ làm mức enzym alanin aminotransferas tăng cao trong máu, dễ gây những bệnh về gan.

Không chỉ cung cấp nhiều calo và cholesterol, nhiều loại fastfood còn có chỉ số GI - chỉ số chuyển hóa đường/carbohydrate thành glucose vào máu -cao, ví dụ như các loại bánh được làm từ bột quá trắng, khoai tây chip, hoặc fries, crackers, nước ngọt có gas...Thực phẩm có GI càng cao sẽ làm tăng hàm lượng đường trong máu. Việc này sẽ khiến tuyến tuỵ tiết ra càng nhiều insulin để giúp mang glucose vào tế bào nhằm mục đích tạo năng lượng và rút đường huyết xuống. Tuy nhiên, ở bệnh tiểu đường type 2, loại bệnh phổ biến hiện nay, tế bào đôi khi không chịu nhận glucose do insulin mang tới, dẫn đến hiện tượng kháng insulin. Glucose có trong máu quá nhiều sẽ lại khiến tuyên tụy tiếp tục tiếp thêm insulin. Insulin không chỉ đem glucose vào tế bào mà còn hạn chế việc loại bỏ chất béo trong cơ thể. Một thực tế rất rõ ràng là bệnh tiểu đường type 2 xưa vốn chỉ hỏi thăm người lớn thì giờ xuất hiện cả ở trẻ em, mà 80% số trẻ em đó thuộc diện quá cân.

Bên cạnh đó, trong những loại thực phẩm công nghiệp như thịt nguội, đồ hộp, hotdog, thịt xông khói, lạp xưởng, sauage, salami, bột ngọt... những thứ thường được dùng để làm fastfood đều có chứa muối sodium. Nhu cầu muối sodium mỗi ngày của cơ thể từ 1000-3000mg, ăn dư ra sẽ có hại cho tim, cho thận, hoặc có thể tăng áp suất động mạch dễ gây tai biến mạch máu não!

Không chỉ vậy, chất béo bão hòa - Saurated fat (loại chất béo xấu) chứa thường xuyên trong fastfood còn gia tăng cholesterol trong máu, dễ gây ra chứng xơ cứng động mạch, tăng áp huyết, gây tắc nghẽn mạch vành tim, dẫn đến những bệnh về tim như đau thắt ngực, tai biến mạch máu não. Chất béo bão hòa thường có trong mỡ thịt động vật, bơ sữa, dầu dừa, nước cốt dừa, dầu cọ... Cũng như chất béo bão hòa, loại chất béo Triglyceride chứa trong một số loại fastfood (bánh kẹo, nước ngọt, rượu, đường...) cao cũng sẽ là một trong những yếu tố tích cực gây ra những bệnh tim mạch.

Trans - Một loại chất béo không bão hòa, được sinh ra từ trong qúa trình chế biến và được dùng làm đẹp mã nhiều loại fastfood như bánh ngọt, peanut butter, donuts, chips, cookies, cracker, bánh mì croissant, margarine... cũng không có lợi cho sức khỏe. Bạn cần cẩn thận bởi ngày nay vẫn còn nhiều các hãng fastfood "quên" ghi hàm lượng chất béo Trans trên bao bì sản phẩm. Vậy nên, nếu bạn thấy danh mục thành phần của một sản phẩm có ghi: Hyđrogenate, Partially hydrogenated vegetable oil, Shorten-ing... chắc chắn nó có chứa chất béo Trans.

Ăn hay không ăn?

Bạn không cần phải tuyệt giao với fastfood, nhưng cũng không nên ăn quá nhiều, và đương nhiên không bao giờ nên chọn chúng làm thực đơn chính hàng ngày. Nếu thi thoảng muốn thay đổi thực đơn bằng fastfood thì bạn nên chọn những nhà cung cấp có ghi rõ thành phần dinh dưỡng trên bao bì. Tuy nhiên, đừng bao giờ quên: thực phẩm tươi và khẩu phần ăn nhiều rau củ bao giờ cũng là tốt nhất.

Theo Tiêu dùng

Chia sẻ