Chọn thực phẩm thế nào cho an toàn?

,
Chia sẻ

Chọn thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh là một yếu tố then chốt hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm. Sau đây là một số hướng dẫn cơ bản.

Chọn các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh

- Chọn các loại rau quả tươi, không bị dập nát, không có màu sắc, mùi vị lạ.

- Chọn các loại phủ tạng, thịt và thủy sản còn tươi.

Thịt tươi: màng ngoài khô, không bị nhớt, mùi và màu sắc bình thường, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra.

Mỡ lợn màu trắng, bì không có những lấm chấm xuất huyết màu đỏ tím, tuỷ xương trong, bám chặt vào thành ống xương và không có mùi ôi. Cần chú ý kiểm tra phần thịt nạc và lưỡi không được có ấu trùng sán màu trắng nhỏ bằng hạt gạo.

Cá: Tốt nhất là chọn cá đang sống hay vừa mới chết nhưng vẫn đạt các tiêu chuẩn cá tươi như:

+ Thân cá co cứng, khi để cá lên bàn tay thân cá không thõng xuống; Mắt trong suốt, giác mạc đàn hồi; Miệng ngậm cứng; Mang màu đỏ tươi, dán chặt xuống hoa khế; Vây tươi óng ánh, dính chặt vào thân.

Các loại thủy sản khác: phải còn tươi, giữ màu sắc bình thường, không có mùi ươn hôi.

Chọn trứng: vỏ trứng màu sáng, không có những vệt xám đen, không bị giập. Quả trứng có màu hồng trong suốt khi soi qua ánh sáng.

Chọn thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn phải có nhãn ghi đầy đủ nội dung: tên sản phẩm, trọng lượng, các thành phần chính, cách bảo quản, sử dụng, nơi sản xuất chế biến, có số đăng ký sản xuất và còn thời hạn sử dụng.

Các loại thực phẩm không nên sử dụng

- Thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là các loại ngũ cốc, hạt có dầu như đậu, lạc mốc có chứa độc tố vi nấm rất nguy hiểm.

- Chất bảo quản, phẩm màu, đường hóa học đóng gói không có nhãn hoặc gói bằng giấy bán lẻ ở chợ và những cơ sở không đăng ký để chế biến thực phẩm.

- Thực phẩm còn nghi ngờ, chưa biết rõ nguồn gốc.

Lưu ý các địa phương thường xảy ra lũ lụt

1. Không sử dụng thịt (kể cả mỡ) gia cầm, gia súc, các loại thuỷ sản đã bị chết hoặc đã để qua đêm ở nhiệt độ thường vì có thể gây ngộ độc thực phẩm trầm trọng do các vi khuẩn gây bệnh và các độc tố sinh ra khi động vật bị chết, ôi thiu.

 Chọn thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe. Ảnh: Huy Văn

2. Nghiêm chỉnh thực hiện quy trình xử lý làm sạch nước dùng cho ăn uống theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

3. Rau quả cần được rửa nhiều lần cho hết bùn đất, ngâm trong nước vo gạo 30 phút để loại bớt các ô nhiễm bám ở bề mặt, và rửa kỹ lại bằng nước sạch trước khi nấu chín.

4. Trong điều kiện môi trường và nguồn nước đang bị ô nhiễm, phải ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn rau sống, quả xanh và chỉ nên chuẩn bị thức ăn vừa đủ cho một bữa và ăn ngay khi thức ăn vừa nấu chín, chuẩn bị xong.

5. Không dùng lá, giấy cũ để gói thức ăn chín. Nếu mua thức ăn chế biến sẵn đã để nguội thì phải đun sôi lại trước khi ăn.

6. Luôn giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa sạch tay trước khi tiếp xúc với thức ăn. Không chế biến thức ăn khi tay bị thương, mụn nhọt, trầy xước, nhiễm trùng...
 
 
 
Theo Sức khỏe đời sống
Chia sẻ