Ăn uống theo tháp thực phẩm

,
Chia sẻ

Tháp thực phẩm giúp chúng ta nắm được cơ cấu thực phẩm cần cho cơ thể nhằm biết cách ăn uống thế nào để mang lại nhiều lợi ích nhất cho sức khỏe

Chúng ta biết ăn uống đúng cách sẽ có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, thật khó để biết điều gì sẽ làm thực phẩm trở thành bạn tốt cho sức khỏe cũng như loại thực phẩm nào chúng ta cần phải ăn.
 
Ăn uống gần gũi với bệnh tật
 
Trước hết, cần biết sự tiêu thụ quá mức hoặc quá ít một số chất nào đó sẽ dẫn tới bệnh tật. Có thể nhìn vào các dẫn chứng sau đây để biết: Bệnh cao huyết áp (do cơ thể không đủ hoặc quá ít kali, kém hoạt động thể chất hoặc sử dụng quá nhiều muối ăn, uống nhiều rượu, bia...); ung thư vú (do ít cho con bú sữa mẹ, uống nhiều rượu, bia, béo phì, thiếu hụt hormone sau mãn kinh);


Tim mạch (do ít vận động, ít tiêu thụ thực phẩm chứa omega 3, ăn quá nhiều chất béo bão hòa, chất béo trans...); ung thư ruột (do ăn quá nhiều thịt đỏ, thịt qua xử lý như hun khói, muối..., uống nhiều rượu, bia...); loãng xương (do cơ thể thiếu calcium và vitamin D); thiếu máu (khi cơ thể không đủ sắt, folate, vitamin B12); ung thư miệng, cổ họng (do tiêu thụ quá nhiều rượu, bia); sâu răng (do ăn quá nhiều đường); bệnh gan (do uống nhiều bia, rượu...)

Tất nhiên, còn rất nhiều chứng bệnh khác có liên hệ với thực phẩm và phương cách ăn uống.
 
Để có kiến thức về ăn uống, tối thiểu chúng ta phải nắm được cơ cấu thực phẩm cần thiết cho cơ thể, biểu hiện thông qua tháp thực phẩm. Hiện có nhiều loại tháp thực phẩm 5 tầng, 4 tầng, 3 tầng... tùy vào các tổ chức xây dựng ra nó.
 
Chẳng hạn, tháp thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ trước đây có 4 tầng nhưng hiện lại dùng tháp không chia tầng mà chia thành 6 màu, đại diện cho 6 nhóm thực phẩm khác nhau. Tháp thực phẩm ở Đan Mạch (năm 1978) chỉ có 4 tầng.
 
Tháp FOODcents
 
Cả 3 tầng đều quan trọng

Ba nhóm trong tháp thực phẩm FOODcents đại diện cho loại thực phẩm chứ không thể nói nhóm nào “có giá” hơn nhóm nào. Ví dụ, không phải nhóm 2 không tốt bằng nhóm 1 nhưng vì chúng nằm trong nhóm mà cơ thể không cần quá nhiều. Đáy tháp là nhóm 1, gồm những thực phẩm chúng ta nên ăn thường xuyên. Đỉnh tháp là nhóm 3, bao gồm các loại thực phẩm không nên ăn thường xuyên.

Một vài tổ chức đang đề nghị dùng tháp 3 tầng và loại tháp này được xem là khá phù hợp cho lối sống hiện nay. Điển hình như  FOODcents, một tổ chức được cấp phép của Bộ Y tế Úc. FOODcents đề ra tháp thực phẩm 3 tầng để hướng dẫn dân Úc đi chợ sao cho vừa có lợi ích về sức khỏe vừa tiết kiệm được túi tiền. Đây không phải là một tháp dinh dưỡng chính quy nhưng là một gợi ý thiết thực và hợp lý cho sức khỏe mà chúng ta cần tham khảo.
 
Tháp thực phẩm 3 tầng của FOODcents phân loại thức ăn thành 3 nhóm, căn cứ theo giá trị dinh dưỡng mà chúng cung cấp. Cụ thể 3 nhóm như sau:
 

 
- Nhóm nên ăn thường xuyên: Gồm những nguồn thực phẩm chính để cung cấp năng lượng cho cơ thể, như chất xơ, các vitamin và khoáng chất. Nhóm này bao gồm trái cây, rau cải, đậu, bánh mì và ngũ cốc (lúa, mì, gạo...).
 
- Nhóm nên ăn chừng mực: Gồm những loại thực phẩm nên ăn thường xuyên nhưng số lượng cần hạn chế. Đây là những loại thực phẩm giàu protein như thịt nạc, gà, vịt, cá, các loại hạt, sữa, các sản phẩm chế biến từ sữa. Nhóm thực phẩm này cung cấp những chất dinh dưỡng mà chúng ta cần nhưng chỉ với hàm lượng thấp, như chất béo.
 
- Nhóm không nên ăn thường xuyên: Gồm những loại thực phẩm chứa nhiều muối, đường, chất béo.
 
 
 DS Nguyễn Bá Huy Cường (ĐH Dược Murdoch - Úc)
Theo NLĐ
Chia sẻ