Ăn mặn, cơ thể nặng gánh

,
Chia sẻ

Ăn mặn quá không tốt cho sức khỏe nhưng ít người kiểm soát được đường đi của muối vào cơ thể mình.

 

Hạn chế dùng nước chấm cũng là một cách ăn lạt hợp lý
 

Mỗi ngày chúng ta mất chừng 120mg muối qua đường mồ hôi, phân và nước tiểu. Vì thế khi nấu ăn chúng ta nêm muối, mắm (chứa muối) vào thực phẩm, vừa thỏa mãn vị giác vừa bổ sung lượng muối cần thiết cho cơ thể. Muối ức chế sự sinh trưởng và phát triển của vi khuẩn, nên thời xưa và nay đều dùng muối để ướp thực phẩm, đặc biệt thực phẩm đóng hộp không bao giờ thiếu muối.

Ăn mặn, khát nước!

Muối tốt như vậy nhưng nếu chúng ta ăn nhiều lại ảnh hưởng đến sức khỏe. Nghiên cứu thói quen ăn uống của cư dân ở các vùng địa lý khác nhau, các nhà khoa học cũng thu được kết quả rõ ràng: dân chúng vùng ăn mặn có tỉ lệ tăng huyết áp nhiều hơn vùng ăn lạt. Ở VN, kết quả điều tra của dự án phòng chống bệnh tăng huyết áp quốc gia cho thấy năm 1992, tỉ lệ tăng huyết áp toàn quốc là 11,7%, năm 2002 lên 16,3% (thành thị 22%, nông thôn 12,3%) và năm 2008 là 27%.

Vai trò của muối trong cơ thể

Muối có hai thành phần chính là natri (40%) và clor (60%). Trong cơ thể muối nằm trong máu, dịch ngoại bào (50%), trong xương (40%) và trong các tế bào (10%). Vai trò chính của ion natri là giúp cân bằng áp suất thẩm thấu trong máu, bên trong và bên ngoài của từng tế bào, làm cho chuyển hóa vật chất trong tế bào ổn định...

Muối cũng giúp cân bằng độ pH của máu. Nhờ có muối mà các cơ co giãn tốt thông qua cơ chế “bơm natri và bơm kali” giữa trong và ngoài tế bào. Muối còn giúp quá trình tiêu hóa hấp thu vật chất ở ruột.

Ăn mặn thì cân bằng natri và kali đảo lộn, thận tăng cường thải natri, kali và canxi ra nước tiểu. Thận phải làm việc nhiều dẫn đến suy thận. Cơ thiếu kali sẽ mệt mỏi, cơ tim mất kali nhiều sẽ gây loạn nhịp, thậm chí ngừng đập. Xương mất canxi sẽ gây loãng xương.

Ăn mặn còn khiến dịch vị tăng tiết là tiền đề của loét dạ dày, tá tràng. Các nhà ung thư học còn thấy mối liên quan giữa ăn mặn, ăn thịt cá ướp muối nhiều với ung thư đường tiêu hóa. Trong điều trị, các bác sĩ thường kêu trời vì khuyên bệnh nhân tăng huyết áp ăn lạt thì họ hiểu rằng kiêng muối, còn nước mắm, nước tương hay các loại đồ hộp hoặc thực phẩm chế biến sẵn thì... vô tư!

Ăn nhiều muối sẽ làm tăng áp suất thẩm thấu trong máu, tác động trực tiếp đến “trung tâm khát” ở não và chúng ta uống nước nhiều hơn. “Ăn mặn khát nước” là vì vậy. Nghiên cứu kỹ hơn các nhà khoa học thấy nếu bạn ăn thừa 8-9 gam muối thì cơ thể sẽ giữ lại chừng 1 lít nước. Lượng nước thừa này sẽ làm cơ thể bạn cảm thấy nặng nề hơn, dẫn đến làm tăng khối lượng tuần hoàn đồng thời làm co cơ trơn thành mạch, một thời gian đưa bạn đến với tăng huyết áp!

Quen ăn mặn vị giác trở nên “chai lì”, nên nếu tăng lượng muối lên hơn nữa cũng không cảm thấy mặn. Bà con mình còn có thói quen nêm đường, vị ngọt làm giảm cảm giác mặn nên ta đưa vào cơ thể một lượng muối nhiều hơn.

Ăn lạt cũng phải biết cách ăn

Tôi từng khuyên bệnh nhân tăng huyết áp nên ăn món canh, đừng dùng các món kho mặn. Có chị kể: “Em ăn món kho ít thôi, chủ yếu chấm rau luộc với nước thịt kho, cá kho”. Vậy là cọng rau “cõng” thật nhiều muối và họ tưởng vậy là “kiêng cữ”.

Theo khuyến cáo của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), mỗi ngày chúng ta chỉ nên sử dụng một muỗng cà phê muối (6 gam). Như vậy phải tính muối trong nước chấm, nước mắm nêm trong đồ ăn và thực phẩm đã chứa muối sẵn. Người tăng huyết áp nên ăn khoảng 4-5 gam muối tùy theo huyết áp đo được và tình trạng tim mạch. Nếu gia đình bạn đã có cha, mẹ, ông, bà bị tăng huyết áp thì tốt nhất cả nhà nên tập thói quen ăn lạt.

Tại sao gọi là “tập”, bởi qua kinh nghiệm điều trị tôi thấy càng tăng huyết áp càng thích ăn mặn. Vì thế giảm dần lượng muối trong mỗi bữa ăn chẳng khác gì “cai nghiện” và luôn phải nhớ mới thiết lập thói quen được.

Nên ăn muối gì?

Muối biển nguyên chất là lựa chọn thông minh bởi còn chứa một hàm lượng manhê, kali, lưu huỳnh, canxi và iode.

Một chế độ ăn vừa phải muối mỗi ngày (một muỗng cà phê) là tối ưu để phòng cao huyết áp do ăn mặn. Cũng nên tùy công việc cụ thể: làm việc đổ mồ hôi nhiều vẫn nên bổ sung muối. Còn nếu đã có bệnh tim mạch, suy thận hay suy gan thì nên nghe theo lời khuyên của bác sĩ.

 
Theo TS.BS Lê Thúy Tươi
Tuổi trẻ
Chia sẻ