8 câu nói nổi tiếng của Maria Montessori giúp bạn hiểu đầy đủ nhất về phương pháp giáo dục này

Hải An,
Chia sẻ

Những câu nói nổi tiếng được đúc kết từ những trải nghiệm thực tế quan sát và nghiên cứu trong nhiều năm của bà Maria Montessori đã trở thành kim chỉ nam cho tất cả những ai theo đuổi và ngưỡng mộ phương pháp giáo dục của bà.

Maria Montessori sinh năm 1870 tại Italia. Bà tốt nghiệp Y khoa, Đại học Roma năm 1894. Năm 1899, bà bắt đầu nghiên cứu về các vấn đề giáo dục trẻ em dựa theo một số khái niệm do bác sĩ E.Seguin khởi xướng. Bà nhận thấy các phương pháp thử nghiệm thành công đối với trẻ có khuyết tật về tinh thần cũng có thể áp dụng cho trẻ em bình thường. Maria Montessori bắt đầu làm việc với trẻ nhỏ ở các trường tư và công lập ở Roma và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà giáo dục cấp tiến.

Năm 1906, bà từ bỏ công việc của một giáo sư đại học và bác sĩ y khoa để dành toàn bộ tinh thần, thời gian chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ trong một khu lao động nghèo khổ nhất thủ đô Roma, đây cũng chính là mô hình đầu tiên của "Nhà trẻ thơ" ("Casa Dei Bambini") được bà sáng lập vào năm 1907. Căn nhà này đã đi vào lịch sử khi trở thành cái nôi của Phương pháp giáo dục Montessori nổi tiếng toàn cầu như hiện nay.

Montessori 1

Bà Maria Montessori cho rằng, trẻ sơ sinh nên được xem là "phôi thai tinh thần" - tinh thần nhốt trong xác thịt để vào đời, phải tự tồn tại trong môi trường. Phôi thai tinh thần cần được bảo vệ bởi một môi trường bên ngoài tràn đầy ấm áp của tình yêu thương và phong phú về giá trị, nơi nó được chấp nhận hoàn toàn và không bao giờ bị cấm đoán. Vì "trẻ em là niềm hy vọng và cũng là những hứa hẹn của nhân loại" nên theo bà "Chúng ta phải tôn kính con trẻ". Hiểu được điều này, người lớn phải thay đổi thái độ đối với trẻ và có những trách nhiệm mới với chúng.

Giáo dục Montessori 2

Phương pháp Montessori chấp nhận sự duy nhất của mỗi trẻ và cho phép trẻ phát triển tự nhiên theo những khả năng riêng của mình và thời gian riêng của mình. Đặc điểm nổi trội ở phương pháp Montessori là nhấn mạnh đến vai trò của tính tự lập, tự do (trong khuôn khổ cho phép) trong việc hình thành nhân cách trẻ mà nền tảng là câu nói nổi tiếng "Đừng bao giờ giúp trẻ việc mà trẻ có thể tự làm được" của bà Maria Montessori, bà từng nói: "Tôi nghiên cứu trẻ thơ, và chính chúng đã dạy tôi phương pháp dạy chúng".

Giáo dục Montessori 6

Môi trường giáo dục Montessori là nơi trẻ được tự do hoạt động trong một môi trường được chuẩn bị và thiết kế phù hợp với đặc trưng phát triển cơ bản của con người nói chung và tính cách mỗi cá nhân nói riêng ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Môi trường đó cho phép trẻ phát huy tính độc lập ở tất cả các lĩnh vực, phù hợp với xu hướng phát triển tâm lý bên trong trẻ. 

Giáo dục Montessori 3

Ngoài yếu tố tiếp cận dễ dàng với các học cụ Montessori theo từng lứa tuổi, các lớp học Montessori (hoặc môi trường Montessori) còn phải thể hiện được các tiêu chí xây dựng phù hợp với nhu cầu của trẻ; đẹp, hài hòa, sạch sẽ; có tính trật tự; sắp xếp hợp lý giữa các hoạt động; học cụ mang tính chuyên biệt, giúp tạo sự phát triển toàn diện của trẻ.

Bà Maria Montessori là nhà giáo dục đầu tiên cho đóng các bàn ghế nhỏ, vừa vặn với trẻ ở từng độ tuổi để trẻ ngồi học thoải mái. Bà cũng tin tưởng rằng môi trường giáo dục cũng quan trọng như chính giáo dục vậy. Chính vì niềm tin này mà các trường học mang tên Montessori thường là một nơi bình an, ngăn nắp, một nơi mà mọi trẻ em đều thích thú, yêu mến và coi là thế giới riêng để suy nghĩ và học hỏi.

Giáo dục Montessori 4

"Trí tuệ thấm hút" là một thuật ngữ kinh điển và vô cùng quan trọng trong tư tưởng giáo dục Montessori. Bà Maria mô tả hành vi của trẻ nhỏ nỗ lực không ngừng nghỉ học hỏi thông qua các kích thích từ môi trường xung quanh - các giác quan, ngôn ngữ, văn hóa, và hình thành khái niệm bằng thuật ngữ "trí tuệ thấm hút". Bà nhận thấy rằng giai đoạn phát triển quan trọng nhất của trẻ chính là sáu năm đầu đời - thời điểm trẻ sở hữu trong mình "trí tuệ thấm hút" (có thể hiểu một cách đơn giản là trẻ tiếp thu thế giới xung quanh giống như miếng bọt biển thấm hút nước vậy). Do đó, mục tiêu giáo dục trong thời kỳ này là trau dồi, tu dưỡng khát khao học hỏi và tiếp thu một cách tự nhiên của trẻ. Bà cũng cho rằng đây là khả năng duy nhất, đặc biệt trong giai đoạn đầu đời của trẻ và nó phai nhạt dần sau khi trẻ được 6 tuổi.

Giáo dục Montessori 7

Các hoạt động Montessori vì thế đặc biệt chú ý tới hoạt động của đôi bàn tay. Trẻ sẽ dùng đôi bàn tay của mình để khám phá, cảm nhận, thực hành cuộc sống liên tục với các hoạt động đa giác quan phong phú và vô cùng thú vị. Bởi vì "đôi tay làm cái gì thì tâm trí khắc ghi cái đó", nên một đôi bàn tay bận rộn chính là hình ảnh của một trí não đang phát triển mạnh mẽ và hoàn thiện.

Giáo dục Montessori 5

Thiên nhiên là một mảng nội dung vô cùng quan trọng trong giáo dục và các hoạt động Montessori, các hoạt động được tổ chức để trẻ không chỉ phát triển tối đa các giác quan mà còn có những trải nghiệm chân thật, gần gũi nhất trong thiên nhiên, giúp trẻ hiểu rõ về bầu không khí, hệ sinh thái mình đang sống, cũng như nắm được quy luật vận hành của vũ trụ để định vị bản thân mình cũng như vun đắp tình yêu đối với thiên nhiên.

Giáo dục Montessori 8

"Dạy trẻ ít đi và quan sát trẻ nhiều hơn" là một thông điệp quan trọng dành cho tất cả các bố mẹ và giáo viên theo đuổi giáo dục Montessori. Khi đứng ở vị trí của một người quan sát, bạn sẽ học được cách đặt niềm tin tuyệt đối vào năng lực tuyệt vời của trẻ, học được sự kiên nhẫn để chờ đợi những điều kì diệu mà trẻ có thể mang đến cho bạn. Đây cũng chính là một quan điểm thể hiện sự tôn trọng và khuyến khích tinh thần tự lập của trẻ theo giáo dục Montessori.

Bạn có thể tìm hiểu những thông tin cơ bản nhất về phương pháp Montessori trong clip dưới đây.

Chia sẻ